Mở đầu phần chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 18-11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt vấn đề dù tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng, có thể đạt mục tiêu trong năm 2017 nhưng cử tri vẫn băn khoăn về chất lượng tăng trưởng. Thủ tướng có đánh giá và giải pháp gì cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 và cả nhiệm kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước QH chiều 18-11 - Ảnh chụp màn hình
Đáng lưu ý, ĐB Thành cũng nêu vừa qua có nhiều ý kiến khác nhau trong đánh giá về BOT (hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao - PV). "Thủ tướng có thể cho biết đánh giá về BOT thời gian qua và giải pháp thời gian tới"- ĐB Thành chất vấn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chất lượng tăng trưởng của Việt Nam có cải thiện rõ, thể hiện qua: tốc độ tăng trưởng khá trong một thời gian dài; tăng trưởng cơ cấu tích cực; năng suất lao động có tăng lên; hệ số ICOR giảm; xuất khẩu năm nay có thể đạt 210 tỉ USD, mức tăng gấp 3 lần kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu được giao; chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 hạng…
Giải pháp được Thủ tướng nêu ra là tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh tốt hơn nữa, hướng tới nền kinh tế số; chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; đào tạo lao động; ứng dụng công nghệ…
Về câu hỏi liên quan đến BOT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của xã hội hoá nguồn lực. Theo đó, Việt Nam đã có bước phát triển hạ tầng vượt bậc khi trong lĩnh vực giao thông huy động xã hội hoá BOT được 200.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận qua giám sát tối cao của QH cũng như giám sát của Kiểm toán Nhà nước, đã chỉ ra nhiều bất cập của BOT.
Cụ thể, triển khai BOT giao thông còn nhiều bất cập khi kế hoạch hệ thống BOT chưa làm tốt, triển khai ồ ạt. Có những tuyến đường gây bức xúc về số trạm, giá, phí BOT. "Tức là, cơ chế, thể chế, chính sách về BOT còn nhiều bất cập. Chúng ta thiếu giám sát, thiếu kiểm tra"- Thủ tướng thừa nhận.
Về giải pháp, người đứng đầu Chính phủ cho rằng vẫn cần tận dụng nguồn lực xã hội, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật để hệ thống pháp luật về BOT tốt hơn, rõ hơn, có cơ sở giám sát tốt hơn…
Cùng đó, kiểm soát được tổng mức đầu tư, thời gian thu, giá phí, đấu thầu công khai rộng rãi để nhiều nhà đầu tư tham gia, từ đó góp phần giảm chi phí, không chỉ định thầu bởi làm giảm hiệu quả đầu tư. "Quy trình cần làm tốt hơn nữa"- Thủ tướng nhấn mạnh lại.
Bình luận (0)