Ngày 21-2, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự phiên cao cấp của diễn đàn và dự kiến có bài phát biểu quan trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2022 - Ảnh: Nhật Bắc
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh về hơn 2 năm chịu tác động của đại dịch Covid-19 của Việt Nam cũng như toàn cầu. Trong nước, Bộ trưởng cho biết dịch Covid-19 khiến một số trung tâm kinh tế, đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm đã bị ảnh hưởng nặng; tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.
Trước bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh nhiệm vụ ưu tiên số 1 là phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển hướng chiến lược ứng phó dịch bệnh Covid-19 theo hướng "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Nhờ đó, năm 2021, mặc dù gặp khó khăn, thách thức nhiều hơn các năm trước, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực, đáng ghi nhận trên các lĩnh vực.
Để đạt được kết quả tích cực về kinh tế - xã hội trong năm 2021, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại diễn đàn - Ảnh: Nhật Bắc
"Với chủ đề Phục hồi kinh tế và Phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới, diễn đàn sẽ là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp đóng góp ý kiến, đề xuất những giải pháp nhằm triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam; thể hiện sự đồng hành của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất kinh doanh"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng đánh giá Nghị quyết 128 cùng các giải pháp quyết liệt, kịp thời, đúng đắn của Chính Phủ đã giúp các doanh nghiệp kịp thời thoát khỏi những khó khăn, bế tắc trong đại dịch Covid-19.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đầy khích lệ nhưng theo ông Phạm Tấn Công, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, với biến chủng Omicron đã xâm nhập vào nước ta; những tuần gần đây số ca mắc Covid-19 trên cả nước tăng mạnh.
Theo Chủ tịch VCCI, việc phục hồi chuỗi cung ứng là yếu tố nền tảng cho phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó quyết định thành công của chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam. Nhìn từ góc độ khác, đây cũng là cơ hội hiếm có cho các doanh nghiệp tại Việt Nam nâng cao vị thế, vai trò trong chuỗi cung ứng trong nước cũng như quốc tế.
"Chúng tôi tin rằng những thảo luận tích cực, xây dựng ngày hôm nay từ phía cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia sẽ cung cấp thông tin đầu vào hữu ích để hỗ trợ Chính phủ thực hiện thành công chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - Xã hội Việt Nam trong thời gian tới"- ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ diễn đàn, đại diện các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đã trình bày các tham luận về đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phục hồi của nền kinh tế; vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Trong đó tập trung vào nâng cao năng lực sản xuất, công nghiệp hỗ trợ trong nước và phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, tăng liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vừa trải qua một năm 2021 đầy khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Khảo sát doanh nghiệp VCCI thực hiện năm 2021 cho thấy có tới 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch.
Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch Covid-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy do tác động tiêu cực của dịch cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 chỉ đạt gần 160 ngàn doanh nghiệp, giảm 10,7%; và có tới 119,8 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% so với năm 2020.
Bình luận (0)