Ngày 10-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương. Đây được xem như "Hội nghị Diên Hồng" để khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ cho 4 mặt trận ứng phó toàn diện về kinh tế với các tác động từ dịch Covid-19.
Giải ngân 100% vốn đầu tư công
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành đã kiến nghị nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) và chuẩn bị sức bật cho nền kinh tế khi dịch bệnh được kiểm soát. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng kiến nghị 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ và một số giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư công.
Lãnh đạo Bộ KH-ĐT nhấn mạnh cần tháo gỡ các vướng mắc, bất cập để tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa. Ngoài ra, xem xét, quyết định việc giảm gánh nặng chi phí cho người nộp thuế: nâng mức giảm trừ gia cảnh; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong khoảng 5 tháng...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm 2020 là gần 700.000 tỉ đồng. Các bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn; chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đẩy mạnh thi công nhưng bảo đảm phòng chống dịch.
Theo Bộ KH-ĐT, việc chuẩn bị trước các kịch bản và dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết. Các gói giải pháp tiền tệ, tài khóa ước tính trị giá 330.000 tỉ đồng, tương đương gần 14 tỉ USD đã và đang thực hiện.
Khơi thông cho xuất khẩu, tìm kiếm thị trường thay thế cho DN và tập trung kết nối với hệ thống phân phối trong nước là những giải pháp quan trọng được Bộ Công Thương đề xuất tại hội nghị. Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, thị trường trong nước cần khai thác lợi thế của thương mại điện tử. Cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm; phối hợp với các địa phương phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết tới đây sẽ tập trung tháo gỡ ở một số thị trường lớn đang "đóng băng". Trước mắt, ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy thị trường Trung Quốc và thị trường trong nước.
Nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Ảnh: TẤN THẠNH
Thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung tại hội nghị.
Tối 9-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký nghị quyết về gói an sinh xã hội lên tới 62.000 tỉ đồng hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19. Về cách thức triển khai gói hỗ trợ này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, hộ cận nghèo sẽ thực hiện hỗ trợ 3 tháng, chi trả 1 lần.
Với đối tượng có quan hệ lao động, việc hỗ trợ thực hiện tối đa trong 3 tháng. Tháng nào bị giảm sâu thu nhập, đủ điều kiện thì hỗ trợ tháng đó. Về việc cho DN vay lãi 0% để trả lương, DN sẽ đứng ra vay, Ngân hàng Chính sách xã hội chi trả trực tiếp vào tài khoản của người lao động (NLĐ). Đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng (lao động tự do), Bộ trưởng LĐ-TB-XH nhận định đây là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, lớn nhất của dịch Covid-19, cần quan tâm và cũng là nhóm khó xác định nhất, dễ nảy sinh hệ lụy.
Bộ LĐ-TB-XH sẽ phối hợp các bộ, ngành và trình Thủ tướng quyết định một số nhóm và đối tượng cụ thể, tập trung vào những công việc cơ bản như: Người bán hàng rong, quà vặt; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác xe đẩy; lái mô tô 2 bánh chờ khách (xe ôm), xe xích lô; người bán vé số lưu động (không bao gồm các đại lý); NLĐ tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
Danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng do chủ tịch UBND tỉnh, TP chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát, xem xét, phê chuẩn trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch trong từng tổ dân phố, thôn, xóm và niêm yết công khai ở cấp xã, phường.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH nhấn mạnh trong quá trình triển khai, không được để tiền của người dân "đi lạc đường" và phải xử lý các vi phạm ở mức nghiêm minh nhất.
Khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu là phòng chống dịch nhưng vẫn phải duy trì sản xuất kinh doanh. "Tôi đề nghị chúng ta cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba" - Thủ tướng kêu gọi.
Nhấn mạnh tinh thần "biến nguy thành cơ", minh chứng là tăng trưởng quý I đạt 3,83% nhưng Thủ tướng vẫn lưu ý một số địa phương, ngành còn trì trệ, chậm trễ. Do đó, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm thái độ chậm chạp, vô trách nhiệm. Về sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải tìm thị trường mới, đổi mới cách làm, thay đổi thói quen và phải chú trọng thị trường trong nước với 100 triệu dân.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu bên cạnh sản xuất và lưu thông thuận lợi thì phải chống đầu cơ, nâng giá, nhất là thịt heo. Bộ KH-ĐT cần chủ trì với các bộ, ngành khẩn trương xây dựng các kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tuần tới. Lãnh đạo Chính phủ đánh giá đầu tư tư nhân có vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Do đó, các bộ ngành, địa phương cần lắng nghe khó khăn, vướng mắc của DN, hiệp hội làng nghề. "Cần có kế hoạch cụ thể thu hút FDI, để đón đầu xu thế dịch chuyển đầu tư sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam" - Thủ tướng nhấn mạnh.
TP HCM: Thu ngân sách đạt gần 58%
Ở điểm cầu TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng với tình hình kiểm soát dịch tốt như hiện nay thì giữa tháng 5 có thể cho học sinh đi học trở lại. Đây cũng là thời điểm nghiên cứu cho sản xuất tăng tốc trở lại, phục hồi kinh tế.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết do dịch Covid-19, tổng sản phẩm GRDP trong 3 tháng đầu năm TP chỉ tăng 0,42% so với cùng kỳ (tăng hơn 7%). Hơn 6.500 DN giải thể, tạm ngưng hoạt động. Thu hút FDI chỉ đạt 1,05 tỉ USD, giảm gần 33%. Trong tháng 3-2020, trung bình mỗi ngày làm việc, TP chỉ thu được 947 tỉ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước; chỉ đạt 57,9% so với mức thu trung bình của TP phải thu theo dự toán năm 2020 là 1.636 tỉ đồng/ngày. "TP HCM sẵn sàng chuyển sang trạng thái mới để tập trung phát triển kinh tế - xã hội khi dịch bệnh nằm trong tầm kiểm soát, có thể phát sinh ca mới nhưng không thành ổ dịch, không lây lan trong cộng đồng" - ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Ở điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù về giải phóng mặt bằng như TP HCM.
P.Anh - M.Chiến
Giảm kinh phí hội nghị
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ Tài chính đồng ý với đề xuất giảm giá điện cho một số đối tượng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Bộ Công Thương.
Bộ Tài chính đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỉ đồng).
Bình luận (0)