Cùng đi với Thủ tướng Phạm Minh Chính có Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và một số bộ trưởng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (bìa phải) làm việc tại TP HCM sáng 26-6 Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã tới thị sát khu cách ly tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM; làm việc với Công ty CP công nghệ sinh học dược Nanogen (Công ty Nanogen) tại Khu công nghệ cao TP HCM - đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Nanocovax phòng Covid-19; thăm Công ty Nissei Electric Việt Nam tại Khu chế xuất Linh Trung.
Thúc đẩy vắc-xin sản xuất trong nước nhanh nhất
Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác, ông Hồ Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Nanogen, cho biết công ty đang thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nanocovax giai đoạn 3 (gồm 3a và 3b) trên 13.000 tình nguyện viên và sắp tới sẽ tiêm thử nghiệm giai đoạn 3c trên 1 triệu người. Đây là một trong những nghiên cứu có quy mô lớn nhất trên thế giới về vắc-xin.
Vắc-xin Nanocovax có giá thành khoảng 120.000 đồng mỗi liều và giá này không thay đổi. Công ty cho biết đang hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thời gian tới, tổ chức này sẽ xem xét đưa Nanocovax vào chương trình COVAX nếu đủ tiêu chuẩn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá công nghệ sản xuất của Nanogen đang làm là cơ bản tốt, tất nhiên cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Việc đồng hành của WHO trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất sẽ giúp thúc đẩy nhanh hơn, đồng thời bảo đảm tính khách quan, cơ sở khoa học chắc chắn hơn khi cấp phép, sử dụng. Bộ Trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định sẽ cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề chuyên môn.
"Quan điểm của Bộ Y tế là tạo điều kiện tối đa để thúc đẩy quá trình thử nghiệm nhưng phải bảo đảm an toàn cho sinh mạng con người" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết theo đề nghị của Việt Nam, WHO đã đồng ý cử đoàn chuyên gia hỗ trợ chúng ta sản xuất vắc-xin phòng chống Covid-19.
Thủ tướng hoan nghênh Công ty Nanogen đã chủ động, mạnh dạn, đầu tư nghiêm túc, bài bản cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin Covid-19, đi thẳng vào vấn đề mà đất nước, nhân dân đang cần. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, sản xuất phải tuân thủ các quy trình, quy định chặt chẽ, bảo đảm an toàn, có hiệu quả trong ngăn chặn dịch bệnh với chi phí cạnh tranh, chấp nhận được để người dân ủng hộ.
Tinh thần là phải đẩy nhanh hơn quy trình thử nghiệm lâm sàng. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục cản trở việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu lập tổ hành động (task force) hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc-xin do một người có đủ thẩm quyền để phụ trách, có thể là Bộ trưởng hoặc Phó Thủ tướng để thúc đẩy vắc-xin sản xuất trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu chủ động vắc-xin để tiêm miễn phí cho toàn dân, không chỉ trong năm nay mà trong những năm tới, đây là nhiệm vụ chiến lược vừa trước mắt, vừa lâu dài.
Test nhanh là chìa khóa để cách ly hiệu quả
Kiểm tra cơ sở vật chất và công tác tổ chức cách ly tại khu cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại bài học kinh nghiệm tại Bắc Giang khi để xảy ra nhiều ca lây nhiễm chéo trong khu cách ly, tuy kiểm soát được, không để lan ra cộng đồng nhưng vẫn gây áp lực cho hệ thống điều trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát khu cách ly tập trung tại ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Yêu cầu dứt khoát phải tránh tình trạng này, Thủ tướng lưu ý hàng loạt biện pháp như tăng cường lực lượng bảo vệ, huy động cả công an và quân đội nếu cần thiết. Cùng với đó, bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ cuộc sống vật chất và tinh thần trong điều kiện có thể như cung cấp wifi để người được cách ly có tâm lý thoải mái, không bức xúc, dẫn tới việc bỏ trốn khỏi nơi cách ly...
Giảm số người trong mỗi phòng cách ly xuống mức thấp nhất, đặc biệt các phòng phải có khu vệ sinh riêng để tránh lây nhiễm. "Phải quản lý chặt chẽ ngay trong khu cách ly, không được để xảy ra sơ hở" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện TP HCM đã chuẩn bị sẵn sàng 30.000 chỗ cách ly, chưa kể các khu cách ly của từng quận, huyện. Trong đó, riêng tại Đại học Quốc gia TP HCM có 19.200 chỗ cách ly, đến nay đã tiếp nhận khoảng 7.000 người, khoảng 1.800 người đã hoàn thành cách ly và còn khoảng 5.000 người đang tiếp tục cách ly.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý test nhanh và áp dụng công nghệ là chìa khóa để bảo đảm công tác cách ly có hiệu quả. Do đó, ông yêu cầu TP HCM đẩy mạnh biện pháp test nhanh và giao Bộ Trưởng Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải chuyển ngay các bộ xét nghiệm (kit test) nhanh cho TP HCM.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng hỗ trợ TP HCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tại các khu cách ly.
Vừa chống dịch, vừa sản xuất, bảo đảm đời sống công nhân
Đến thăm Công ty Nissei, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các nỗ lực của doanh nghiệp này trong phục hồi doanh thu về mức trước đại dịch sau khi giảm khoảng 10% trong năm 2020, hiện đạt khoảng 80 triệu USD mỗi năm. Công ty đã áp dụng nhiều giải pháp phòng chống dịch như chia ca sản xuất, giảm lượng người tập trung.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Công ty Nissei Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ trong điều kiện đặc biệt, cần có giải pháp đặc biệt, ông mong muốn công ty nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài nói chung chia sẻ khó khăn với Chính phủ và chính quyền địa phương trong bối cảnh đại dịch, cùng chung tay chống dịch để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân, đồng thời bảo đảm đời sống công nhân để khi tình hình trở lại bình thường, chuỗi sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy.
Thủ tướng cho biết phía Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam 2 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 trong đó có 800.000 liều đã được dành cho TP HCM. Chính phủ Việt Nam cũng đang nỗ lực cao nhất để có nhiều nhất, nhanh nhất vắc-xin phòng chống dịch Covid-19 và sẽ tiếp tục ưu tiên vắc-xin cho các lực lượng tuyến đầu, trong đó có công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Chính phủ Việt Nam xác định "chống dịch như chống giặc" và người Việt Nam có truyền thống "vừa tăng gia sản xuất, vừa đánh giặc". Do vậy, Thủ tướng đề nghị trong trường hợp dịch bệnh phức tạp hơn, công ty có thể nghiên cứu phương thức vừa cách ly công nhân, người lao động tại chỗ, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.
Lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ quan điểm này của Thủ tướng.
Bình luận (0)