Như Báo Người Lao Động số ra ngày 29-11-2019 đã phản ánh, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới Chương trình và SGK phổ thông, Bộ GD-ĐT được giao chủ trì dự án Đổi mới giáo dục phổ thông với khoảng 80 triệu USD (1.800 tỉ đồng, tính theo tỉ giá hiện hành), trong đó 77 triệu USD là vốn ODA vay ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới và 3 triệu USD vốn đối ứng. Dự án được phê duyệt năm 2015, có hiệu lực từ ngày 8-8-2016 và kết thúc vào năm 2020.
Trong 77 triệu USD đó dành ra hơn 16 triệu USD để biên soạn một bộ SGK. Tuy nhiên, kế hoạch viết một bộ SGK của Bộ GD-ĐT đã phá sản.
Câu hỏi đặt ra: Hơn 16 triệu USD đó đi đâu? Theo giải thích của lãnh đạo vụ kể trên, dù Bộ GD-ĐT đã thông báo để tuyển các chủ biên, tác giả, biên tập viên nhằm thực hiện biên soạn bộ SGK nhưng phương án tuyển chọn tác giả biên soạn không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia (!).
Thật khó hiểu, chỉ riêng NXB Giáo dục (thuộc Bộ GD-ĐT) mà đã tuyển mộ được tới 700 chuyên gia làm sách, tại sao bộ chủ quản lại không tuyển được? Nội dung SGK chỉ là kiến thức cơ bản theo từng cấp học.
Và đâu chỉ mỗi NXB Giáo dục làm SGK, nhiều nơi khác cũng làm, lẽ nào họ tìm không ra người? Thì đây, cũng chính đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục trung học cho biết: Số ứng viên đăng ký (biên soạn SGK) không đủ là do hầu hết tác giả SGK đã ký hợp đồng với một số NXB và bắt đầu tổ chức biên soạn SGK từ đầu năm 2018, khi dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông được công bố trên mạng để xin ý kiến rộng rãi; các biên tập viên SGK có giấy phép hành nghề cũng đang thuộc biên chế hoặc hợp đồng với các NXB nên không được phép dự tuyển tự do.
Tiền đã sẵn, cơ chế đặc quyền cũng đã hưởng, cuối cùng thì Bộ GD-ĐT không chọn phương án đã được duyệt. Rốt cuộc, tưởng khoản tiền dự trù để làm bộ SGK này sẽ phải trả lại cho bên vay nhưng thực tế thì không phải vậy, Bộ GD-ĐT vẫn có cách để chi, bằng cách đàm phán với bên cho vay để giải ngân hơn 16 triệu USD vào những việc khác.
Những "việc khác", theo diễn giải của Vụ Giáo dục trung học: Để đổi mới chương trình phổ thông, ngoài kinh phí dành cho biên soạn SGK còn một loạt công việc khác liên quan như biên soạn tài liệu, bồi dưỡng gần 1 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, hỗ trợ các vùng khó khăn. Trong thiết kế của dự án đã có nhưng không đủ, cho nên cần đàm phán để sử dụng nguồn kinh phí đó tăng cường thêm, nhất là hỗ trợ cho các vùng khó khăn.
Dĩ nhiên, cơ quan chức năng luôn có cách giải thích của họ, còn thuyết phục được công chúng hay không là chuyện khác. Hơn 16 triệu USD kia là khoản vay ODA của Ngân hàng Thế giới, dẫu có chi vào việc gì đi nữa thì sau này cũng phải móc hầu bao ngân sách ra mà trả, do đó phải hết sức tiết kiệm chứ không được tiêu xài theo kiểu "thừa giấy vẽ voi" như thế!
Bình luận (0)