Những câu nói đứt quãng của em Lý Phi H. (học sinh lớp 8, ngụ xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP HCM) bên bàn thờ mẹ - bà Nguyễn Thị Lài, vừa qua đời vì Covid-19 - khiến chúng tôi và những người chứng kiến không khỏi xót thương.
Ngoan, hiền, lễ phép và biết giúp đỡ cha mẹ là những nhận xét của hàng xóm dành cho H., khi chúng tôi tìm hỏi đường vào nhà H.
Khoảng trống trong căn nhà xiêu vẹo
Tiếp chúng tôi trong căn nhà mái tôn xiêu vẹo giữa 2 bức tường nhà hàng xóm nằm trong hẻm nhỏ, cha của H., ông Lý Văn Thời nói hiện cha con ông vẫn còn sốc trước sự ra đi đột ngột của vợ hiền, tần tảo hôm sớm. "Ngày còn sống, vợ tôi không dám ngơi nghỉ dù chỉ nửa buổi, những mong tích cóp từng đồng hòng lo cho con trai út (tức H.) được đến trường, chớ không phải nghỉ học sớm như đứa con lớn. Càng nghĩ càng thương bà xã chú ơi…" - người đàn ông vốn kiệm lời, nước mắt lã chã khi nhắc đến vợ. Ông nói bà xã khổ với cha con ông cho đến lúc mất. "Trong tủ quần áo của gia đình, nhìn tới nhìn lui, chỉ cha con tôi có tấm áo mới mà thôi…" - giọng ông Thời đứt quãng.
Bốn anh em Nguyễn Chí T. trong căn nhà trọ xiêu vẹo dưới chân cầu Xóm Củi, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM .Ảnh: LÊ PHONG
Đôi mắt vẫn đượm buồn, H. đến bàn thờ thắp cho mẹ nén nhang, thay cho mẹ ly nước mới. Nhìn di ảnh của mẹ, H. nói hôm trung thu em càng nhớ mẹ, nhìn đâu cũng thấy hình bóng mẹ. "Năm ngoái, mẹ mua bánh trung thu, mẹ nấu đồ ăn ngon và chở em đi chơi, năm nay mẹ không còn nữa. Ước gì năm nay cũng như năm ngoái. Mẹ nấu ăn rất ngon, xôi mẹ nấu thường bán nhanh hết lắm" - những chia sẻ không đầu, không đuôi của H. về mẹ khiến chúng tôi không khỏi thương cho những đứa trẻ bỗng một ngày côi cút do dịch Covid-19 gây ra.
Cũng như H., ở Hóc Môn, khi chúng tôi vừa nhắc đến người cha - anh Lê Sơn Ca, chẳng may ra đi vì Covid-19 - em Lê K. (học sinh lớp 6 Trường THCS Tô Ký) liền bật khóc. K. nói ba đã thất hứa với em. "Trước ngày ba mất, qua điện thoại ba nói rõ sắp được về với mẹ con con rồi, vậy mà ba không giữ lời hứa. Mẹ nói ba không về nữa rồi" - K. nấc nghẹn.
Kể rõ câu chuyện, chị Phan Ngọc Sương, mẹ K. cho biết trước khi ông xã mất thì cả nhà chị đều là F0. "Bà nội K. và ông xã tôi bị nặng phải vào bệnh viện chữa trị. Sau một thời gian thì họ xét nghiệm nói ảnh đã âm tính nhưng do ảnh có bệnh nền nên vẫn phải thở ôxy. Tối đó, ảnh gọi điện báo tin sắp được về, nói chuyện với mọi người, K. vui lắm vì ba hay chơi cùng K. Nào ngờ sáng hôm sau ảnh mất" - chị Sương nghẹn giọng.
Ở huyện Bình Chánh, đầu tháng 8 vừa qua, xóm trọ tạm bợ dưới chân cầu Xóm Củi, xã Bình Hưng ghi nhận nhiều trường hợp mắc Covid-19. Lo lắng cho gia đình, anh Nguyễn Chí Tâm (44 tuổi, làm nghề thợ hàn) lập tức về phòng trọ cửa đóng then cài yêu cầu 4 đứa con ở yên trong nhà. "Thế nhưng những gì cha lo sợ lại rơi đúng vào cha" - cô bé Nguyễn Quỳnh Nh. (14 tuổi) con gái út anh Tâm buồn rầu bắt đầu câu chuyện.
Theo Quỳnh Nh., bệnh tình cha em diễn biến khá nhanh. "Đêm đầu tiên cơn sốt ập đến, dòng tin cha nhắn cho anh hai "Cha mệt quá. Pha cho cha viên sủi hạ sốt để trước cửa phòng". Lúc này, em thấy cha nép mình vào chân tường uống vội mà cầm lòng không được. Đêm hôm sau, dù tiếng ếch nhái ngoài sông kêu vang trời nhưng tiếng ho của cha cũng vang xa không kém. Lo cho cha, anh hai vội dậy nấu nồi cháo. Cháo chín cũng là lúc cha rời xa 4 anh em" - Quỳnh Nh. lạc giọng.
Lời hứa trong nước mắt
Anh hai mà Quỳnh Nh. nhắc đến là Nguyễn Chí T. (22 tuổi). Hôm chúng tôi đến cũng là lúc mấy anh em T. vừa từ khu cách ly tập trung trở về nhà. Trong hành lý đi kèm có hũ tro cốt của cha. Ngoài Quỳnh Nh., T. còn em trai là Nguyễn Chí Th. (20 tuổi, bệnh tâm thần) và em gái Nguyễn Như Y. (17 tuổi). "Cả cuộc đời cha em là những tháng ngày chạy ăn từng bữa lo cho các con. Đến trước khi lìa xa, cha vẫn còn lo lắng cho tụi em…" - T. nói với giọng trầm buồn.
T. kể hơn 10 năm trước, cha mẹ ly dị, cha đã một mình gánh cả 4 anh em. Từ đó đến nay, 4 anh em T. chưa một lần gặp lại mẹ nhưng không phải vì thế mà thiếu vắng tình thương. "Cha rất ấm áp và chu đáo. Còn nhớ buổi trưa trước khi đi xa, cha cố thều thào qua điện thoại dặn em thay cha chăm sóc các em. Cha nói Y. nhớ ráng kiếm cái nghề để sớm ổn định, Nh. ráng chăm ngoan, học bổ túc cho hết lớp 12, đặc biệt phải thương yêu Th. Chấm dứt cuộc gọi, anh em tụi em cứ nghĩ cha dặn phòng hờ, ai ngờ đó cũng là lời dặn dò cuối cùng của cha" - T. nói khi bé Quỳnh Nh. rấm rứt khóc.
Càng nghĩ càng thương cha, càng thương các em, T. quả quyết bằng bất cứ giá nào em cũng thực hiện bằng được di nguyện của cha. "Mục tiêu trước mắt của em là ngoài nghề thợ hàn sẽ học thêm nghề xây dựng để mai mốt hết việc nghề này thì lao vào làm nghề kia để có tiền lo bé út học, lo cho em kế được đến bệnh viện chữa trị" - T. cho biết. Còn về lâu dài, T. nói sẽ cố gắng tích cóp để có một tiệm hàn mang tên hai cha con. Thương anh hai, Y. nói chen vào, hết dịch, em sẽ xin làm công nhân để có tiền phụ anh hai lo cho anh ba và bé út. "Cha ơi hãy tin là anh em tụi con làm được, làm đúng lời cha dặn nghen cha" - Y. nói khi đôi mắt đã ngấn lệ.
Trở lại nỗi đau mất cha của bé K., chị Sương nói đây là giai đoạn khó khăn, đau buồn nhất của gia đình và mọi người đang từng bước cố gắng vượt qua. Giờ mục tiêu duy nhất của chị là lo cho con nên người như lời dặn dò của anh Sơn. Thấy mẹ nghẹn lời, bé K. chạy lại an ủi mẹ đừng buồn và hứa sẽ học thật giỏi để ba vui… Nói xong, cậu bé cứ thế chảy nước mắt dù trước đó luôn dặn mẹ đừng buồn.
Còn với cha con bé H., bé H. cho hay thời điểm mẹ em mất đầu tháng 8 cũng là lúc cả ông Thời và H. trở thành F0, đang cách ly tại Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn. "Lúc còn nói chuyện được, ngày nào ba con cũng gọi điện để cả nhà nói chuyện. Cả con, ba và mẹ còn hẹn nhau hết bệnh mẹ sẽ về bán xôi, ba sẽ chạy ba gác để mua sách, mua quần áo cho con vào năm học mới. Vậy mà…" - H. lại khóc khi nói về mẹ.
Nhìn sang chiếc máy tính bảng - tài sản có thể nói là có giá trị nhất trong căn nhà tuềnh toàng, ông Thời cho hay đây là chiếc máy tính mà H. vừa được các cô chú cán bộ của Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP HCM gửi tặng vào sáng 21-9 nhằm giúp H. có thêm điều kiện học online. "Em thích công nghệ thông tin, từ lâu em ước có bộ máy tính để tìm hiểu trên mạng, học trên mạng. Nay có cái máy tính bảng được tặng này, em học online thuận lợi rồi. Sau này em sẽ trở thành kỹ sư công nghệ để có công việc tốt, chăm sóc ba và anh hai" - H. chia sẻ suy nghĩ. "Khi ước mơ của con và cũng là của mẹ thành sự thật, chắc mẹ con sẽ vui lắm" - H. nói với ánh mắt xa xăm.
Ôm con vào lòng, ông Thời nói như tự hứa với người vợ quá cố rằng ông sẽ lo cho con đến ngày công thành danh toại mới thôi. Theo ông Thời, gia cảnh nghèo khó nên anh hai của H. phải nghỉ học sớm, giờ đang làm công nhân nhưng mấy tháng nay cũng ít việc làm nên thu nhập không có. Lúc còn sống, vợ ông luôn nói ước mơ lớn nhất của bà là H. sẽ vào đại học, trở thành kỹ sư để gia đình có người học tới nơi tới chốn.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-9
Kỳ tới: Con muốn ba, mẹ sớm về thôi
"Mất mát của các em không gì có thể bù đắp được. Giờ các em cần cả xã hội chung tay để ổn định tinh thần, tiếp tục được học tập, tiếp tục nuôi dưỡng và thực hiện ước mơ".
Bà LÊ THỊ HỒNG NGA, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TP HCM
Hãy chắp cánh cho trẻ mồ côi
Để chung tay chăm lo cho trẻ em mồ côi do dịch Covid-19, biến ước mơ của trẻ thành hiện thực, Báo Người Lao Ðộng phát động chương trình "Tình thương cho em".
Vì tính cấp thiết của tình hình thực tế và vì ý nghĩa nhân văn của cuộc vận động, Báo Người Lao Ðộng mong quý tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đồng hành với chương trình "Tình thương cho em". Khoản vận động đóng góp vui lòng gửi vào tài khoản: 117000004884 tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM. Ðơn vị tiếp nhận: Báo Người Lao Ðộng. Nội dung: Ủng hộ chương trình "Tình thương cho em".
Hướng dẫn đóng góp chương trình qua 2 ví điện tử MoMo và ZaloPay:
Bình luận (0)