Sáng nay 21-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã chính thức khai mạc tại Hội trường tỉnh Ninh Bình. Chiều qua 20-10, phiên trù bị đã diễn ra. Đại hội có 338/339 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 7,2 vạn đảng viên.
Về dự, chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại Đại hội
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã chúc mừng những thành quả tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Quang cảnh Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình - Ảnh: Tuấn Minh
Thường trực Ban Bí thư khẳng định nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đã kế thừa, phát huy thành tựu của những nhiệm kỳ trước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, khai thác tốt thế mạnh của địa phương và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng lưu ý Đại hội cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm như: So với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua còn thấp; thu nhập bình quân đầu người chưa đạt mục tiêu; thu hút đầu tư còn hạn chế; môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều; thu ngân sách tăng cao, nhưng chưa thật bền vững...
Từ đó, Thường trực Ban Bí thư đề nghị, Đại hội tập trung thảo luận, đánh giá sâu hơn, phân tích kỹ nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm để có biện pháp khắc phục, giải quyết có hiệu quả trong thời gian tới. "Trên cơ sở dự báo đúng tình hình và thực tiễn phát triển của đất nước, của địa phương, Đại hội cần bám sát các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Trung ương, vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào điều kiện đặc thù của tỉnh nhà, phân tích những thuận lợi, khó khăn, cũng như tiềm năng, lợi thế, đặc thù riêng của Ninh Bình so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng để thảo luận và quyết định chủ trương, quan điểm, định hướng phát triển của Ninh Bình trong 5 năm, 10 năm tới đây"- ông Trần Quốc Vượng đề nghị.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chỉ đạo tại Đại hội - Ảnh: Tuấn Minh
Thường trực Ban Bí thư cũng cơ bản tán thành với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ tới đã nêu trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội và nhấn mạnh một số vấn đề để Đại hội quan tâm, xem xét.
Cụ thể, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo; có tầm nhìn mới về một Ninh Bình phát triển trong thời kỳ mới. Nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn nữa về những tiềm năng, thế mạnh đặc thù và lợi thế so sánh của Ninh Bình... Đồng thời, cần sớm xây dựng thật tốt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở rất quan trọng, rất cơ bản để tỉnh nhà phát triển toàn diện, nhanh, bền vững hơn nữa trong thời gian tới.
"Nếu làm được như vậy, tôi tin chắc chắn rằng, trong tương lai không xa, Ninh Bình sẽ phát triển rất năng động, toàn diện, nhanh và bền vững; đến năm 2025 là tỉnh phát triển trung bình khá, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá trong vùng đồng bằng Sông Hồng"- Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tin tưởng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, được giới thiệu để Đại hội tiếp tục bầu tái cử chức danh Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình - Ảnh Tuấn Minh
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét phê duyệt phương án nhân sự do Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXI chuẩn bị trình Đại hội. Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cũng như kỳ vọng của nhân dân đối với Đảng bộ tỉnh nhà trong nhiệm kỳ tới là rất lớn, rất cao.
Vì vậy, Thường trực Ban Bí thư đề nghị mỗi đại biểu phải phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm vì sự nghiệp chung, vì sự phát triển của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, sáng suốt lựa chọn, bầu ra Ban Chấp hành khóa mới gồm những người đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài, năng lực, uy tín, thực sự tiêu biểu và là trung tâm đoàn kết của Đảng bộ.
Đồng thời, đề nghị Đại hội cũng cần làm tốt nhiệm vụ bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bảo đảm tiêu chuẩn và cơ cấu Trung ương quy định, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, góp phần vào thành công chung của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Được biết, trong chiều nay 21-10, Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XXII họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư, Ủy Ban Kiểm tra; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2020-2025.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2020-2025 có chủ đề: "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết toàn dân, giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư; đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng". Phương châm Đại hội: "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo Phát triển".
Phát biểu khai mạc Đại hội, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, cho biết 5 năm qua, tỉnh đạt được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm tăng 8,03%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ chiếm 88,3%; sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 22,03%. Xây dựng nông thôn mới về đích sớm hai năm, vượt cao so với mục tiêu Đại hội. Thu ngân sách gấp 3,6 lần nhiệm kỳ trước...
Tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 13/15 mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, trong đó 12 mục tiêu hoàn thành vượt mức.
Trong đó, kinh tế tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trung bình tăng 8,03%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỉ trọng ngành công nghiệp, xây dựng tăng lên 45%; tỉ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 11,7%. Thu ngân sách tăng nhanh, đạt kết quả cao, cả nhiệm kỳ đạt 58.841 tỉ đồng, gấp 3,6 lần nhiệm kỳ trước. Hết năm 2020, toàn tỉnh có 106/116 xã (chiếm 91,4% tổng số xã); có 3 huyện Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn đạt chuẩn huyện nông thôn mới và TP Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 8 xã và 100 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 2%; tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia tăng lên 95,1%...
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng (bìa phải, hàng đầu) dự, chỉ đạo Đại hội
Trong nhiệm kỳ mới 2020-2025, Ninh Bình đề ra 14 chỉ tiêu chủ yếu như Tổng sản phẩm (GRDP) tăng bình quân 8,5%/năm. Cơ cấu kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) đến năm 2025: Công nghiệp - xây dựng 49,0%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 8,5%; dịch vụ 42,5%. 7 (3), GRDP bình quân đầu người giá hiện hành năm 2025 đạt 105 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân đạt 25.500 tỉ đồng/năm, thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2025 đạt 19.000 tỉ đồng trở lên.
Đại hội cũng đề ra 3 khâu đột phá và 6 chương trình trọng tâm. Trong đó, Ninh Bình xác định 3 khâu đột phá là: Xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung xây dựng đội ngũ cũ các cấp, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, chất lượng, nhất là hạ tầng du lịch.
Hôm nay, Đại hội sẽ diễn ra với nhiều nội dung quan trọng như: Khai mạc Đại hội; trình bày tóm tắt Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020; trình bày tóm tắt Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình khóa XXII; Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XXII họp phiên thứ nhất bầu Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư, Ủy Ban Kiểm tra; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2020-2025.
Bình luận (0)