Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 13-8, ông Phạm Thái, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk về những thông tin báo chí phản ánh dự án nhà máy thủy điện Chư Pông Krông gây ra nhiều hệ lụy.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk thủy điện Chư Pông Krông chưa làm thay đổi dòng chảy
Theo báo cáo do ông Phạm Thái, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk ký, công trình thủy điện Chư Pông Krông nằm trên khu vực thượng lưu trạm bơm D12 (xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). Thủy điện Chư Pông Krông khởi công từ tháng 1-2018, trong quá trình thi công có đắp đê quây xung quanh khu vực nhà máy ngăn nước sông để bảo vệ hố móng công trình và không dẫn dòng. Tại thời điểm kiểm tra, công trình thủy điện Chư Pông Krông chưa xây dựng hạng mục đập tràn và chưa lấy nước vào nhà máy, dòng chảy của dòng sông hiện chưa thay đổi?.
Trong khi đó, theo UBND huyện Krông Nô về nguyên nhân thiếu nước cho lúa là do thi công công trình thủy điện Chư Pông Krông nên ảnh hưởng đến trạm bơm D12 bị treo ống hút, không có nguồn nước để bơm tưới.
Thủy điện Chư Pông Krông nổ mìn làm hàng chục nhà dân hư hỏng
Trước đó, Báo Người Lao Động có bài: "Thủy điện Chư Pông Krông gây họa cho lúa" phản ánh Trạm bơm D12 hút nước từ sông Krông Nô (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) vào cánh đồng buôn Sứk và D12 cho khoảng 120 ha của hơn 300 hộ dân canh tác. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng nhà máy thủy điện Chư Pông Krông, đơn vị thi công đã tác động vào dòng chảy làm hạ mực nước sông khiến trạm bơm D12 bị treo bơm, không hút được nước cho cánh đồng lúa.
Liên quan đến vụ việc, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND huyện Krông Nô khẩn trương khắc phục, xử lý việc thiếu hụt nước do thi công thủy điện Chư Pông Krông. UBND huyện Krông Nô cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông, Cục Quản lý nước (Bộ Tài nguyên - Môi trường) và các ngành yêu cầu Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc phối hợp địa phương phải có biện pháp để có nước bơm tưới lúa. Nếu chủ đầu tư không phối hợp, đề nghị dừng cấp phép sử dụng tài nguyên nước đối với thủy điện Chư Pông Krông.
Trước đó, năm 2018 trong quá trình nổ mìn phá đá thi công thủy điện Chư Pông Krông đã làm hàng chục ngôi nhà của người dân xã Quảng Phú bị hư hỏng nhưng đến nay chưa bồi thường xong.
Khu vực đất rừng đặc dụng trước khi thủy điện Chư Pông Krông xây dựng
Trước khi thủy điện này khởi công, Báo Người Lao Động cũng đã nhiều lần phản ánh, dù Chính phủ quy định không chuyển đổi rừng, đất lâm nghiệp sang mục đích khác kể cả dự án đã được phê duyệt, trừ an ninh quốc phòng, nhưng cuối năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng 5 ha đất lâm nghiệp thuộc rừng đặc dụng rồi cho Công ty Hưng Phúc thuê làm thủy điện.
Điều đáng lưu ý, Giám đốc Công ty Hưng Phúc là bà Nguyễn Thị Minh, vợ ông Trương Công Hồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk. Thời điểm thực hiện các thủ tục, ông Hồng phụ trách quản lý nhà nước về năng lượng, thủy điện, kỹ thuật an toàn, môi trường và khoa học - công nghệ. Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh, hiện ông Hồng chỉ phụ trách lĩnh vực lưới điện, còn lại những lĩnh vực trên do ông Phạm Thái phụ trách.
Bình luận (0)