Hai nghị quyết này là những văn bản quan trọng để chỉ đạo thực hiện CCTL có hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Tại cuộc họp ngày 22-11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về cải cách chính sách tiền lương và chính sách BHXH, cho biết 2 giải pháp đột phá trong thực hiện CCTL là tinh giản bộ máy trong các cơ quan, đơn vị công lập và bố trí nguồn kinh phí để trả lương. Tinh giản bộ máy không phải là cắt giảm lao động mà là giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước qua sự tinh gọn của cơ quan hành chính và sự năng động của đơn vị sự nghiệp công lập. Về kinh phí, Ban Chấp hành Trung ương dành 40% phần vượt thu ngân sách trung ương và 70% phần vượt thu ngân sách địa phương từ 2018-2020 cho CCTL.
Lâu nay, tiền lương CB-CC-VC luôn là gánh nặng của ngân sách, chiếm tới 50% chi thường xuyên của ngân sách, tương đương hơn 400.000 tỉ đồng mỗi năm. Việc tinh giản biên chế, giảm phụ thuộc vào nguồn chi ngân sách từ hàng chục năm qua luôn được đặt ra, nhất là qua những lần thực hiện CCTL. Bài toán CB-CC-VC thừa và thiếu, sai phạm trong tuyển dụng ở các địa phương luôn là những vấn đề nóng, cách xử lý đa phần là giải pháp tình thế... là hiện trạng khá phổ biến.
Khó nhất trong nhóm đối tượng CB-CC-VC là đội ngũ viên chức. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, hiện nay, chúng ta chỉ mới giảm được 4,26% viên chức. Nếu tăng thêm 29.300 viên chức và sắp tới theo đề nghị của các địa phương tăng thêm khoảng 1.000 viên chức giáo dục, y tế thì gần như 5 năm qua, chúng ta không giảm được một biên chế nào. Do đó, các địa phương và Bộ Nội vụ phải tìm giải pháp khắc phục để thực hiện chủ trương của Đảng về CCTL, tinh giản biên chế.
Dễ hình dung là chiếc bánh ngân sách hiện chia cắt làm tư. Một phần dành cho đầu tư phát triển, một phần trả nợ nước ngoài, một phần dành cho chi thường xuyên (trong đó có chi lương) và một phần dự phòng. Muốn tăng lương thì chiếc bánh phải to ra, nguồn ngân sách phải tăng. Khi ngân sách dành cho chi lương có hạn thì giải pháp cần thiết là sắp xếp bộ máy và các đơn vị sự nghiệp công lập phải chuyển biến mạnh mẽ. Các đơn vị này sẽ hoạt động theo hướng tổ chức thực hiện các dịch vụ chất lượng cao theo yêu cầu xã hội, thu hút người dân, khách hàng, tự chủ kinh phí trả lương và trả lương tương xứng cho người trong đơn vị.
Áp dụng thành công những mô hình này, nhân sự trong bộ máy và chi phí tiền lương xã hội sẽ giảm đi, nhà nước bớt dần sự bảo bọc về tiền lương cho đội ngũ. Mặt khác, CB-CC-VC được giữ lại để tiếp tục làm việc phải bảo đảm chất lượng chuyên môn và đạo đức công vụ. Họ phải làm việc giỏi, tận tâm phục vụ để tương xứng với đồng lương do người dân đóng góp trả cho họ.
Lần này, qua các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Chính phủ, cùng các giải pháp có tính khả thi và tinh thần quyết liệt, hy vọng sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ với kết quả khả quan hơn.
Bình luận (0)