Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết sẽ cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh trong mỗi năm, giai đoạn 2020 - 2025.
Chống cài cắm lợi ích
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong năm 2020 và những năm tới sẽ tập trung kiểm soát chặt việc ban hành nghị định, thông tư.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra tình trạng phổ biến là một nghị định nhưng có 4-5 thông tư của các bộ, ngành khác nhau khiến chồng chéo, làm rối công tác quản lý. Có tình trạng các cục, vụ thuộc các bộ ban hành văn bản nhưng mang tính chỉ đạo trên cả nước khiến các địa phương phải tuân thủ. Đơn cử như Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) gửi văn bản xuống các địa phương yêu cầu từ ngày 1-11-2019, những doanh nghiệp (DN) đã nhập khẩu các lô hàng lúa mì được kiểm định có nhiễm cỏ Cirsium Arvense sẽ phải tái xuất. Sau đó, cộng đồng DN đã phản ứng gay gắt trước văn bản này.
Luật sư (LS) Bùi Đình Ứng (Đoàn LS Hà Nội) cho rằng những bất cập trong việc ban hành thông tư đã xảy ra trong thời gian dài và Bộ Tư pháp cũng đã "tuýt còi" không ít văn bản. Theo LS Ứng, thông tư là hướng dẫn thực hiện nghị định nhưng trên thực tế nhiều thông tư "to" hơn nghị định, nguyên nhân là do cách xây dựng thông tư. Sự chồng chéo về thông tư, chất lượng thông tư không phù hợp tinh thần của nghị định là những hạn chế mà LS Ứng chỉ ra.
Về nguyên nhân, LS Ứng cho rằng quá trình xây dựng thông tư, các bộ không bám sát thực tiễn, không chú trọng tham vấn ý kiến để có góc nhìn đa chiều.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh quá trình xây dựng, ban hành thông tư, các bộ thường làm theo hướng có lợi cho bộ mình, cài cắm để bảo vệ lợi ích cục bộ, gây khó hơn cho DN và người dân, thậm chí là theo hướng "không quản được thì trói". Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát kỹ để kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật hoặc cài cắm bảo vệ lợi ích của ngành, địa phương, không vì lợi ích chung.
Môi trường sản xuất, kinh doanh sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nếu nhà nước đơn giản hóa thủ tục hành chính
Đi vào thực chất
Một trong những giải pháp quan trọng để cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ là kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nghị định, thông tư của bộ trưởng và đặc biệt là hạn chế ban hành thông tư.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, phải nâng cao chất lượng của nghị định để không cần các văn bản hướng dẫn khác. Việc ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế phải bảo đảm nguyên tắc một văn bản sửa nhiều văn bản để giảm số lượng văn bản, rút ngắn thời gian ban hành và tiết kiệm chi phí.
LS Bùi Đình Ứng cho rằng khi ban hành nghị định cần bám sát luật, cụ thể và thống nhất. Nếu nghị định chất lượng tốt, thực thi trong đời sống dễ dàng thì sẽ hạn chế ban hành các thông tư, từ đó bớt nhiêu khê trong thủ tục, trong hệ thống văn bản cũng như công tác quản lý nhà nước. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng đội ngũ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quá trình triển khai phải tham vấn ý kiến các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, người dân…
Bên cạnh việc kiểm soát và hạn chế ban hành thông tư, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cho biết sẽ cắt giảm ít nhất 20% số lượng văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền bộ trưởng, Thủ tướng, Chính phủ. Đây được đánh giá là một mục tiêu khá cao và sẽ tạo bước ngoặt trong cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam trong những năm tới. Theo ông Phan, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu việc cắt giảm phải lượng hóa được lợi ích mang lại cho DN và xã hội, làm đến đâu chắc đến đấy chứ không phong trào, hình thức.
Lo việc cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đi vào thực chất, lợi ích mà DN được hưởng chưa nhiều, TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần có thang điểm cho các bộ, ngành để đánh giá việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ như thế nào. Không chỉ các con số chung chung, mà phải là cảm nhận của DN, lợi ích của họ được hưởng từ việc cải thiện môi trường kinh doanh phải lượng hóa ra bằng số tiền cụ thể thì mới chứng minh được.
Tiết kiệm hơn 6.300 tỉ đồng/năm
Năm 2019, Chính phủ đã ban hành 9 nghị định cắt giảm 309 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện đã cắt giảm lên 3.654/6.191; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30 trong số 120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Với kết quả này, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỉ đồng/năm.
Bình luận (0)