Bài viết "Tiếng kêu cứu bên trạm BOT Trảng Bom" đăng trên Báo Người Lao Ðộng số ra ngày 22-2, phản ánh về nỗi bức xúc của người dân liên quan đến bất cập trong việc đặt dải phân cách cứng phía Ðông trước trạm BOT Trảng Bom (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Ðồng Nai) đã có những phản hồi tích cực.
Theo đó, sáng 23-2, đoàn công tác của Cục Quản lý Ðường bộ 4, thuộc Tổng cục Ðường bộ Việt Nam đã có buổi khảo sát tại hiện trường.
Sáng khảo sát, chiều quyết định
Khi hay tin có buổi khảo sát của đoàn công tác thuộc Tổng cục Ðường bộ Việt Nam, ngay từ sáng sớm, khá đông phóng viên báo chí cùng các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dải phân cách phía Ðông trước trạm BOT Trảng Bom đã có mặt để ghi nhận và theo dõi.
Đoàn công tác đã phối hợp Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ðồng Nai, Ban An toàn giao thông tỉnh Ðồng Nai và chính quyền địa phương ở huyện Trảng Bom tới khảo sát hiện trường. Sau khi khảo sát, đoàn công tác đã có buổi làm việc tại khu nhà điều hành trạm thu phí. Tuy buổi làm việc không cho phóng viên dự nhưng ngay sau đó, qua trao đổi, ông Lê Huy Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hòa, thông tin trong buổi làm việc đoàn công tác đã tập hợp thông tin, tình hình liên quan khá đầy đủ. Một cán bộ trong đoàn công tác cũng cho biết đang tổng hợp thông tin khu vực dải phân cách cứng trước trạm BOT Trảng Bom, nơi người dân phản ánh có những bất cập và báo cáo lên Tổng cục Ðường bộ xem xét cụ thể để có hướng xử lý.
Trước diễn biến này, không chỉ người dân bị ảnh hưởng bởi dải phân cách cứng mà ngay cả phóng viên báo chí cũng nghĩ sự việc chưa biết khi nào có hồi kết. Thế nhưng, chiều cùng ngày, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý Ðường bộ 4, cho biết các bên đã thống nhất dỡ bỏ dải phân cách.
Ông Nguyễn Văn Thành cho hay sau quá trình khảo sát, lấy ý kiến, Cục Quản lý Ðường bộ 4 và các cơ quan chức năng tỉnh Ðồng Nai đã thống nhất mở dải phân cách phía Ðông trước BOT đường tránh Biên Hòa để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp có chỗ quay đầu xe. "Trước tiên, các cơ quan chức năng sẽ lập hồ sơ, mở như thế nào, chiều rộng ra sao, bố trí hệ thống thông tin tín hiệu an toàn giao thông như thế nào cho hợp lý. Sau đó, Cục Quản lý Ðường bộ 4 sẽ chấp thuận bản vẽ, bố trí mở dải phân cách hệ thống thông tin tín hiệu, biển báo, đường vạch sơn" - Cục trưởng Cục Quản lý Ðường bộ 4 thông tin và nhấn mạnh ngày 24-2, Cục Quản lý Ðường bộ 4 sẽ có văn bản giao cho nhà đầu tư BOT đường tránh TP Biên Hòa thực hiện công tác điều chỉnh, mở dải phân cách, bố trí lại biển báo…
Theo ông Nguyễn Văn Thành, sở dĩ ông khẳng định như trên là do trước đó Tổng cục Ðường bộ Việt Nam đã có văn bản ủy quyền giao Cục Quản lý Ðường bộ 4 toàn quyền quyết định việc giải quyết các đề nghị thu hẹp, dỡ dải phân cách cứng bằng bê tông phía Ðông trước trạm BOT Trảng Bom.
Dải phân cách cứng này đã khiến cuộc sống hàng chục hộ dân xung quanh điêu đứng từ nhiều năm qua. Ảnh: XUÂN HOÀNG
Cảm ơn báo chí rất nhiều
Như Báo Người Lao Ðộng đã đưa tin, nhiều năm nay, hàng chục hộ dân gần trạm BOT Trảng Bom kêu cứu vì dải phân cách cứng trước trạm làm ảnh hưởng tới cuộc sống, nhiều cửa hàng kinh doanh đã phá sản hoặc ngừng kinh doanh. Thế nên, khi được chúng tôi thông tin về quyết định trên của Cục trưởng Nguyễn Văn Thành, nhiều hộ dân đã không giấu được niềm vui.
Là một trong nhiều hộ dân nhiều năm liền kêu cứu các cơ quan chức năng về bất cập liên quan dải phân cách trên, ông Trần Ðức Bài (50 tuổi, ngụ xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) xúc động nói tiếng kêu của ông và các hộ dân xung quanh sẽ không "đạt hiệu quả" nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí. "Tôi thay mặt các hộ dân gần trạm BOT rất cảm ơn Báo Người Lao Ðộng. Nhờ Báo Người Lao Ðộng lên tiếng "kêu cứu" của các hộ dân về bất cập liên quan dải phân cách phía Ðông trạm BOT Trảng Bom nên chúng tôi mới có được ngày hôm nay" - ông Trần Ðức Bài xúc động nói.
Ông tâm sự tới đây rất có thể ông sẽ trở về với nghề cũ, đó là bán nông ngư cụ, bởi đây mới là nghề đã nuôi sống gia đình ông trước khi có sự xuất hiện của dải phân cách. "Mọi thứ vẫn đang là dự tính, nhưng việc dải phân cách được dỡ bỏ đã mở lại hướng làm ăn cho gia đình tôi là chuyện nhìn thấy ngay trước mắt" - ông Bài bày tỏ.
Buổi sáng, chị Trần Thị Thanh Bình (chủ trại cá giống) thất vọng vì không được gặp đoàn công tác của Tổng cục Ðường bộ Việt Nam để phản ánh, thì buổi chiều, lúc hay tin dải phân cách cứng sẽ được dỡ bỏ, chị đã không cầm được nước mắt xúc động. Chị nói nhà chị cũng như bà con xung quanh mong mỏi ngày này đã gần 10 năm. "Thiệt hại thì đã xảy ra rồi, nay với quyết định dỡ bỏ dải phân cách, hy vọng mọi thứ rồi sẽ dần hồi phục" - chị Bình nói và không quên cảm ơn sự vào cuộc của các cơ quan báo chí.
Xác định danh tính 2 đối tượng hành hung phóng viên
Liên quan vụ phóng viên Nguyễn Văn Tuấn bị 2 đối tượng lạ mặt hành hung, truy đuổi khi đang tác nghiệp gần trạm BOT Trảng Bom, chiều 23-2, đại diện Công an huyện Trảng Bom cho biết bước đầu đã xác định danh tính 2 đối tượng liên quan.
Sáng cùng ngày, ông Lê Hoàng Ngọc, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ðồng Nai, cho biết sau khi nhận được văn bản của Báo Người Lao Ðộng, sở đã đề nghị công an xử lý nghiêm. Tương tự, ông Phạm Xuân Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ðồng Nai, khẳng định khi nhận thông tin về vụ việc phóng viên Báo Người Lao Ðộng bị hành hung, cơ quan này đã làm việc với các đơn vị liên quan, đồng thời báo cáo lên cấp trên. "Trên tinh thần trước hết kiểm tra, bảo vệ sức khỏe của phóng viên Nguyễn Văn Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo xử lý vụ việc" - ông Phạm Xuân Hà cho biết.
Bình luận (0)