Rồi vừa bật bếp gas vừa lau bếp, mẹ chuyển cái phích nước cho đúng vị trí mà chính tay bà vừa xếp gọn tối qua, trước lúc đi ngủ. Mọi thứ phải gọn gàng ngăn nắp trong gian bếp quen trước khi chiếc ấm đầy nước được bắc ngay ngắn trên ngọn lửa lung linh.
Đun nước sôi đầu ngày tự bao giờ đã là thói quen của các bà nội trợ trong nhiều gia đình thôn quê. Có lẽ từ thời thiếu nữ mẹ đã được bà ngoại chỉ vẽ, dặn dò và mang thói quen này theo mình đến lúc về già. Chỉ lúc bận bịu, cực chẳng đã, mẹ mới nhờ con cháu làm thay việc này. Cứ như phải chính tay bà mở vòi hứng nước rồi tự tay bật lửa thì nước mới chịu sôi đúng độ! Tiếng nước reo trên bếp càng lúc càng rõ dần, hơi ấm tỏa ra xua bớt phần nào cái se lạnh đầu xuân, không gian sớm mai sinh động hẳn lên. Ngày mới bắt đầu từ cái ấm nồng của gian bếp.
Nhưng việc ấy đâu hề là hình thức. Một ấm nước đun sôi lúc này cần thiết với mọi thành viên trong gia đình. Rất nhiều phần việc của bữa sáng cần đến nước sôi, nước ấm, nước lọc để nguội mà đầu tiên là ấm trà của cha, người dậy sớm nhất nhà và đang bận rộn với mớ cây lá ngoài sân. Lát nữa, khi các chậu hoa đã được tưới xanh mướt, ông sẽ rửa tay và thay tấm áo may-ô ba lỗ bằng chiếc áo sơ-mi ngắn tay để thư thả ngồi vào bàn trà đặt dưới tán mận bên hiên. Nơi đó có ấm trà vừa được người bạn đời rửa sạch với bộ chén tách tinh tươm cùng chiếc phích vừa đong đầy nước sôi. Cha thích tự tay pha trà và rồi thoáng chốc, trong màu nắng sớm xuyên qua tán xanh của giàn bầu, tách trà đầu ngày tỏa khói bên dáng ông ngồi. Như thường lệ, vừa kề môi hớp ngụm trà đầu, ông vừa thư thả hướng mắt lên bầu trời mây trắng ngoài xa. Ông thừa biết ở gian bếp trong kia, người phụ nữ của đời ông đang liếc mắt nhìn ra với nụ cười hiền.
Đó là nếp cũ thời cha tôi còn sống. Chừ ông đi xa lâu rồi mà thói quen đun nước đầu ngày của mẹ hãy còn hoài. Tất nhiên mẹ hiểu chỗ nước đun sôi ấy đâu chỉ dùng cho mỗi việc pha trà. Còn bao việc cũng cần đến nước sôi, nào pha sữa cho lũ cháu, nào để nguội làm nước lọc cho cả nhà, ấm nước đun sôi chẳng thể thiếu trong mỗi ngày. Nhưng với mẹ, dường như bắc lên bếp ấm nước sau lúc thức giấc mỗi sáng hay sau bữa cơm chiều đã thành quán tính. Bà làm điều ấy một cách tự nhiên, chẳng nề hà than thở mà lắm lúc còn giành phần về mình để loay hoay ấm bếp với niềm vui. Như thể mẹ hiểu mọi thứ sau đó sẽ tuần tự diễn ra êm đềm khi người nội trợ yên lòng nhìn tách trà ấm khói trong tay chồng.
Và rồi, từ cái bếp bắt đầu đỏ lửa ấy, sau tiếng nước sôi reo là tiếng vo gạo, tiếng thớt chạm dao, tiếng chày giã cối, tiếng chén đĩa lịch kịch cùng thanh âm rộn ràng cho bữa trưa, bữa tối, kéo thêm ra tiếng cười đùa chọc ghẹo quây quần bên mâm cơm sau một ngày bận bịu.
Anh em tôi lắm lúc không thấm thía niềm vui giản dị này của mẹ nên cứ mải can ngăn không cho bà đụng đến bếp gas, ấm chén. Chúng tôi lo vì mẹ không còn khỏe, lúc nhớ lúc quên, chân bước chẳng còn vững. Chẳng ai yên tâm để bà đun nước nấu ăn, dù biết đó là thói quen làm mẹ vui. Mỗi lần đi đâu về chợt thấy mẹ mon men bên gian bếp thì đứa nào cũng nhăn nhó và tức khắc đến dìu mẹ ra ngoài, đặt bà ngồi vào lòng ghế xa-lông ở phòng khách, mở vội cải lương hay hát bội và ép mẹ ngồi xem để bà đừng bận tâm đến chuyện bếp núc.
Nhưng dù sang sảng "Lưu Bình Dương Lễ" hay "Phạm Công Cúc Hoa", những vở mẹ ưa thích, thì lúc này mẹ cũng chỉ khiên cưỡng dán mắt qua loa vào màn hình vì chiều lòng mấy đứa con mình. Cái vui của mẹ lúc này chính là nghe tiếng nước reo trong chiếc ấm dần sôi, là gian bếp rộn với khay trà tươm tất dưới giàn mướp xanh lá trong tiết trời se lạnh. Có thể đó là lúc hiện ra trong mẹ dáng cha tôi thư thả nâng chén trà tỏa khói.
Mấy tháng rồi tôi ở xa, chẳng thể về bên mẹ, cứ nhói tim mỗi lần nghe giọng bà hồn nhiên trong điện thoại của chú em: "Chớ bây làm chi mà ở miết trong nớ rứa hè? Mau mà về tìm cái ấm nước dùm mẹ chứ mấy đứa em con, tụi nó giấu biệt đâu rồi!". Lúc nhớ lúc quên nên mẹ chẳng hay bao đổi thay biến động quanh mình. Trong thế giới của mẹ bây giờ không hề có dịch bệnh, không cách ly, chẳng phong tỏa. Bầu trời của mẹ luôn yên bình.
Mẹ ơi, ráng chờ ít bữa nữa con về. Con sẽ tìm cái ấm ấy để được cùng mẹ đun nước vào mỗi ban mai, nghe tiếng nước reo trong nắng sớm ngày xuân.
Bình luận (0)