Đối với Việt Nam, tính đến đầu tháng 12 đã có hơn 320 doanh nghiệp (DN) lữ hành ngưng hoạt động, ngành du lịch Việt Nam ước tính thiệt hại khoảng 23 tỉ USD…
Theo đánh giá của UNWTO, phải đến quý III/2021 du khách quốc tế mới tăng trở lại. Nhanh nhất phải cần khoảng 3-4 năm, ngành du lịch thế giới mới hồi phục hoàn toàn.
Trong bối cảnh này, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã cùng các địa phương, DN nỗ lực, tập trung triển khai các hoạt động và thực hiện nhiều giải pháp để ứng phó với dịch Covid-19, sớm phục hồi hoạt động du lịch trong nước. Cụ thể là tổng hợp kiến nghị của các hiệp hội du lịch, DN kinh doanh du lịch, tham mưu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và người lao động hoạt động trong ngành.
Ngành du lịch tiếp tục kiến nghị có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay, áp dụng đến tháng 12-2021 vì hiện nay DN du lịch không phát sinh doanh thu nên không có khả năng trả lãi. Kiến nghị ngành ngân hàng hỗ trợ DN bằng cách tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ vay, khoanh nhóm nợ, không tính lãi vay quá hạn...
Hiện tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp, việc kinh doanh lữ hành quốc tế trước mắt chưa thực hiện được. Tổng cục Du lịch đã dự kiến triển khai các nhiệm vụ nhằm phục hồi hoạt động du lịch trong năm 2021.
Cụ thể, tiếp tục kiến nghị với các bộ, ngành liên quan nhằm hỗ trợ DN du lịch phục hồi sau dịch. Chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương triển khai tốt chương trình kích cầu du lịch nội địa; liên kết hợp tác với địa phương, hãng hàng không, cơ sở dịch vụ du lịch xây dựng sản phẩm kích cầu trọng tâm để đẩy mạnh thu hút thị trường khách nội địa…
Tổng cục Du lịch với vai trò của mình sẽ nghiên cứu thị trường và xu hướng thị trường để hỗ trợ địa phương khảo sát, xây dựng sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch.
Dù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay, uy tín và thương hiệu của du lịch Việt Nam vẫn được quốc tế đánh giá cao. Năm 2020, Việt Nam đã được Tổ chức World Travel Awards vinh danh lần thứ 2 liên tiếp là Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á; Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á… Những danh hiệu này góp phần khẳng định sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Để du lịch có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành du lịch, trong đó có các DN rất cần nhận được sự quan tâm của bộ, ban ngành, Ngân hàng Nhà nước nhằm kịp thời hỗ trợ DN du lịch sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bình luận (0)