Trả lời phỏng vấn của Báo Người Lao Động, nói về dự án đường cao tốc Bắc - Nam, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt vấn đề tại sao chúng ta lại không mặn mà với các doanh nghiệp (DN) trong nước. Bởi căn cứ các quy định hiện nay của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đối với lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) thì rất khó có thể tìm được một NĐT trong nước có thể đáp ứng được các tiêu chí đặt ra, nhất là tiêu chí về vốn. Điều đó cũng có nghĩa gần như chặn đứng cơ hội tiếp cận cho các NĐT trong nước trên chính sân chơi của mình. Có nhiều NĐT trong nước đã thể hiện có năng lực thi công qua các công trình đã thi công trước đây nhưng lại gặp ngay rào cản về nguồn vốn phải có theo quy định.
Thực tế, với số vốn 63.716 tỉ đồng nếu chia ra cho 8 dự án thành phần không phải là một con số quá lớn để đến nỗi không có một NĐT nào trong nước có thể đáp ứng được. Cái chính ở đây là sẽ hiếm hoặc không có một NĐT trong nước nào dám mạo hiểm bỏ ra từng đó vốn cho một dự án BOT giao thông mà vốn đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu, lại mang tính rủi ro cao nếu không có các quy định phụ để bảo đảm cho dự án được thông suốt tới lúc kết thúc.
Đường cao tốc Bắc - Nam có một lợi thế mà không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có được, đó là nguồn cung cấp nguyên vật liệu chính để thi công vô cùng phong phú, thuận tiện, trải dài trên suốt tuyến. Nguồn nhân công địa phương dồi dào sẵn có. Các NĐT làm các dự án cao tốc trong nước hiện nay cũng đã làm chủ được hầu hết các công nghệ, kỹ thuật thi công đòi hỏi sự phức tạp, mà trước đây chúng ta hầu như phụ thuộc vào các NĐT nước ngoài.
Nếu Bộ GTVT có thể sửa đổi lại các quy định trước đây, như hạ tiêu chí về vốn đầu tư, cho phép chia nhỏ các gói thầu, cũng như cho phép các NĐT trong nước được kêu gọi hợp vốn, hợp danh, miễn sao bảo đảm các nhà thầu chính, nhà thầu phụ của từng gói thầu phải đáp ứng được hồ sơ năng lực thi công thì có thể kêu gọi được các NĐT có tiềm năng trong nước tham gia... Còn với các NĐT nước ngoài, nhất là đối với các NĐT Trung Quốc, nếu chỉ xét chủ yếu trên tiêu chí nguồn vốn, chúng ta rất dễ sa vào bẫy bỏ thầu giá thấp, nguồn vốn đầu tiên bảo đảm nhưng trong quá trình thi công lại phát sinh rất nhiều yếu tố tiêu cực, kéo theo nhiều hệ lụy không lường trước... Nên chăng chúng ta siết chặt yêu cầu về kỹ thuật, tiến độ nhưng nới lỏng tiêu chí về nguồn vốn để bảo đảm cho NĐT trong nước có thể tham gia. Để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và tiến độ, chúng ta có thể chỉ định một công ty tư vấn, giám sát nước ngoài có năng lực, kinh nghiệm đảm nhiệm khâu này.
Sau khi đã thay đổi một số quy định hiện có thì chúng ta vẫn có thể kêu gọi đấu thầu rộng rãi. Thu hút sự quan tâm của các NĐT trong lẫn ngoài nước nhưng vẫn nên ưu tiên cho các NĐT trong nước, như là một quá trình để các DN trong nước tự học hỏi, lớn mạnh dần lên, không phải chỉ trông chờ vào các NĐT nước ngoài, nhất là với các NĐT Trung Quốc như hiện nay.
Bình luận (0)