Nhiều năm qua, người dân cho rằng dùng hộ khẩu để quản lý nhân khẩu nhưng cần xác định đây chỉ là nghiệp vụ của ngành công an. Hiện nay, nhiều ngành, nhiều nơi đang lợi dụng hộ khẩu như một điều kiện và đã đẩy hộ khẩu vượt khỏi mục đích quản lý con người mà ngành công an đặt ra.
Tiến tới thẻ công dân điện tử
Trao đổi với phóng viên trước một số ý kiến cho rằng nên bỏ hộ khẩu hoặc điều chỉnh việc bắt buộc phải có hộ khẩu khi giải quyết các thủ tục hành chính hay dịch vụ công, ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, cho rằng bộ không đưa ra quan điểm bỏ hay không bỏ loại giấy tờ nào.
Theo ông Hiển, Bộ Tư pháp đã xây dựng đề án đơn giản hóa các loại giấy tờ cho công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giai đoạn 2013-2020. Cụ thể, những loại giấy tờ đơn giản hóa là giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, các giấy tờ liên quan đến cư trú. "Sau khi có dữ liệu quốc gia về dân cư, bộ sẽ đề xuất cắt giảm các giấy tờ để tạo thuận lợi cho công dân và công tác quản lý. Mục tiêu đề án này được giao là đến năm 2020 nghiên cứu có một thẻ công dân điện tử" - ông Hiển cho biết.
Ông Hiển khẳng định để giảm giấy tờ nào hay bỏ giấy tờ nào cũng cần cả quá trình. "Các giấy tờ hiện nay liên thông với nhau. Mỗi loại giấy tờ đang thực hiện một chức năng trong công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, cũng như quản lý cư trú" - ông Hiển nhấn mạnh.
Hiện nay, trong nhiều thủ tục hành chính, nhiều nơi người dân phải mang theo hộ khẩu
Quản lý theo cá nhân
Lãnh đạo Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 - Bộ Công an) cho rằng hộ khẩu hiện nay còn liên quan đến nhiều lĩnh vực, công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Muốn bỏ hộ khẩu thì phải điều chỉnh các quy định pháp luật theo hướng quản lý theo cá nhân thay vì quản lý theo hộ gia đình như hiện nay.
Theo lãnh đạo C72, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung nguồn vốn và Bộ Công an đang khẩn trương hoàn tất các công việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Lãnh đạo C72 cho biết hiện dữ liệu về dân cư đã có sẵn một số nguồn như tàng thư căn cước của Bộ Công an, dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp, bảo hiểm... Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng sẽ tiến hành thu thập các thông tin còn thiếu qua việc phát phiếu trực tiếp đến người dân. Từ đó, hoàn thiện đầy đủ thông tin của tổng dân cư trên cả nước và tiến hành nhập liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Lãnh đạo C72 kỳ vọng sau khi hoàn thiện hệ thống sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho người dân, giảm tải tối thiểu việc người dân phải mang quá nhiều loại giấy tờ, trong đó có sổ hộ khẩu.
Theo C72, người dân khi đến các cơ quan nhà nước để giải quyết thủ tục hành chính chỉ cần cung cấp 3 thông tin: họ tên, mã số định danh và nơi ở. Trong đó, mã số định danh là thông tin quan trọng nhất, mỗi mã số chỉ gắn với người duy nhất. Từ đây sẽ trích xuất những thông tin liên quan đến lý lịch người đó, không cần mang theo hộ khẩu.
Theo lãnh đạo C72, dữ liệu thông tin của tổng dân số Việt Nam sẽ được đưa vào hệ thống công nghệ thông tin với các máy chủ đặt ở TP Hà Nội và TP HCM, sau đó kết nối đến các tỉnh - thành, quận - huyện và xã - phường. Dự kiến đầu năm 2019, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ vận hành, sau đó sẽ kết nối với các bộ, ngành, địa phương để quản lý nhà nước. Với tiến trình này, hộ khẩu sẽ được giảm trong các thủ tục hành chính cho người dân.
Bình luận (0)