Phóng viên: Theo quy định của Luật Giáo dục hiện hành, chuẩn nhà giáo được nâng lên, đồng nghĩa với việc đặt ra những yêu cầu cao hơn trong việc nâng cao trình độ. Về tổng thể, bộ trưởng đánh giá thế nào về chất lượng của lực lượng nhà giáo hiện nay?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
- Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Chưa bao giờ ngành giáo dục có được một lực lượng nhà giáo đông đảo như hiện nay, xét về số lượng, cơ cấu, quy mô từ bậc mầm non, cho tới đại học và giáo dục thường xuyên, kể cả lực lượng trực tiếp giảng dạy và quản lý. Đây là vốn quý nhất, tài sản lớn nhất của ngành để thực hiện những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó.
Ở thời điểm này, nhà giáo được đào tạo tốt hơn hẳn so với giai đoạn trước; được đào tạo cả trong và ngoài nước, cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được bồi dưỡng huấn luyện về phương pháp giảng dạy, tiếp cận các phương pháp sư phạm mới, khoa học giáo dục tốt nhất của thời đại. Đặc biệt với giảng viên đại học, tỉ lệ được đào tạo ở nước ngoài, số lượng người có trình độ tiến sĩ tăng đáng kể.
Những năm gần đây, tỉ lệ trường ngoài công lập từ mầm non đến đại học cũng gia tăng. Lực lượng nhà giáo cũng đông đảo hơn, cho thấy sự đầu tư từ nhiều phía.
Luật Giáo dục 2019 đặt vấn đề về nâng chuẩn, đặt ra yêu cầu cao hơn với việc nâng cao trình độ của nhà giáo. Một mặt, đây là áp lực nhưng mặt khác đã thúc đẩy thầy cô nâng cao trình độ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đổi mới chất lượng giáo dục.
Nhìn tổng thể, trên 1,6 triệu nhà giáo là những thầy cô rất tâm huyết với công việc và sự nghiệp trồng người. Họ đang tích cực khắc phục khó khăn, thách thức để vẫn yêu nghề, hy sinh vì học trò. Đội ngũ nhà giáo cũng đang không ngừng thể hiện tính sáng tạo, tinh thần tự học, tự vươn lên, thích nghi với các yêu cầu của thời kỳ công nghệ 4.0 để hoàn thành tốt công việc của mình.
Toàn ngành đang đứng trước thách thức rất lớn - thách thức của sự phát triển, đứng trước những áp lực của đổi mới. Song, những thách thức, áp lực ấy cũng là cơ hội để nhà giáo tiếp tục đổi mới, tiếp tục phát triển, tiếp tục trưởng thành.
Cần có nhiều chính sách đãi ngộ, chăm lo để giáo viên an tâm cống hiến. Trong ảnh: Cô trò Trường Tiểu học Lạc Long Quân, quận 11, TP HCM trong một tiết họcẢnh: TẤN THẠNH
* Đổi mới giáo dục phải đi đôi với việc chăm lo cho đội ngũ giáo viên. Trong thời gian tới, những chính sách nào sẽ được đưa ra để góp phần nâng cao đời sống giáo viên, thưa bộ trưởng?
- Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục và lực lượng nhà giáo, đặt giáo dục ở vị trí quan trọng, là một trong 3 đột phá chiến lược để phát triển đất nước, cung cấp nguồn nhân lực cho phát triển đất nước. Giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Ngày càng có thêm nhiều chính sách để phát triển, hỗ trợ, quan tâm tới nhà giáo. Tuy nhiên, trong việc triển khai đổi mới giáo dục, thầy cô luôn mong mỏi Nhà nước có thêm những chính sách để có thể hoàn toàn sống bằng lương, an tâm cống hiến, đặc biệt là đối với những giáo viên mới vào nghề, giáo viên trẻ. Đồng thời, cần có thêm những chính sách để bớt đi khó khăn cho những nhà giáo đang làm việc tại các khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Rất nhiều thầy cô đang cắm bản phải ở tạm vì không có nhà công vụ, trường học chưa kiên cố, dạy các lớp học 2-3 trình độ... Chẳng hạn, ở Hà Giang vừa qua, có vợ chồng thầy cô trên đường đi vào trường đã gặp tai nạn... Nhà giáo mong muốn cơ sở vật chất, hạ tầng dành cho phát triển giáo dục được tốt hơn, bảo đảm hơn, trường học được kiên cố hóa nhiều hơn, đỡ khó cho cả thầy cô và học trò. Có như vậy, công cuộc đổi mới giáo dục mới hiệu quả hơn, thầy cô gắn bó hơn.
Nghị lực, hy sinh của thầy cô là chuyện cần ghi nhận nhưng chúng ta cũng phải cố gắng để bảo đảm các điều kiện tốt nhất. Ngay cả ở những nơi chưa phải khó khăn, việc bảo đảm cơ sở vật chất với mức độ cơ bản như trang bị phòng học bộ môn, trang thiết bị phục vụ dạy và học..., vẫn còn cần thêm nhiều nữa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục kiến nghị, làm việc với các bộ, ngành liên quan về việc tăng phụ cấp ưu đãi, tìm mọi cách tăng thu nhập cho giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện làm việc của nhà giáo.
* Bộ trưởng gửi gắm điều gì đến đội ngũ giáo viên cả nước nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11?
- Nhà giáo là người làm công việc cao quý. Khó khăn, thách thức còn rất nhiều ở phía trước. Không có nghề vinh quang nào lại nhẹ nhàng, dễ dàng cả. Trong thời kỳ chuyển đổi, đổi mới với các yêu cầu rất cao, tôi mong toàn thể nhà giáo nỗ lực hơn nữa, tiếp tục thể hiện sự sáng tạo để ra sức hoàn thành thật tốt những mục tiêu của ngành. Thực hiện thật tốt những việc đó thì chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong công việc của mình.
Tôi chúc tất cả nhà giáo có một dịp 20-11 thật vui và hạnh phúc, thêm yêu nghề, yêu đời, làm tốt công việc của mình.
Nhân dịp này, tôi cũng muốn nhắn nhủ mỗi thầy cô cần có ý thức về trọng trách vinh quang của nghề giáo. Mỗi nhà giáo cần nhận thức rõ rằng chính thầy cô là những người sáng tạo, vị tha thông qua công việc cao quý của mình. Thầy cô phải làm cho mọi người thấy rằng đồng hành với tiến trình phát triển là niềm hạnh phúc của một nghề cao quý.
Nhà giáo cần phải là người dẫn đường, tạo dựng những con người có tư duy độc lập, dấn thân vì khát vọng tươi sáng của cá nhân, của đất nước, của nhân loại. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng của nhà giáo.
Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng tôi mong rằng mỗi giáo viên vẫn kiên trinh với nghề giáo, với sự vinh quang của nghề nghiệp và tiếp tục kiên trì vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao tặng bằng khen cho các nhà giáo tiêu biểu
Tuyên dương 200 nhà giáo tiêu biểu
Lễ tuyên dương 200 nhà giáo tiêu biểu trên toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.1982 - 20.11.2023) đã được Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 19-11.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, biểu dương, cảm ơn 200 nhà giáo - những tấm gương tiêu biểu đại diện hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước. Đây là những thầy cô đã đạt được nhiều thành công trong giảng dạy, có cách làm sáng tạo trong triển khai chủ trương, đường lối và các quyết sách của ngành giáo dục suốt thời gian qua. Dù trong hoàn cảnh nào, các nhà giáo này vẫn luôn giữ trọn đạo nghề, dành nhiều tâm sức cho sự nghiệp trồng người, kiến tạo nên các giá trị cao đẹp cho xã hội và cuộc sống.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đây cũng là dịp để xã hội chia sẻ và đồng hành với ngành giáo dục, cùng chung tay chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tin-ảnh: Y.Anh
Học viện Tài chính không ngừng đổi mới, lớn mạnh
Ngày 19-11, GS-TS, Nhà giáo Ưu tú, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Tài chính và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất (lần thứ ba) của học viện.
PGS-TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính, cho biết qua 60 năm xây dựng và phát triển, học viện đã đào tạo được khoảng 150.000 nhân lực chất lượng cao, trong đó có trên 500 tiến sĩ, gần 10.000 thạc sĩ kinh tế...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ xúc động, niềm tự hào khi trở lại mái trường được đào tạo, rèn luyện trong thời gian theo học khóa 12 (Khoa Kế toán). Chủ tịch Quốc hội bày tỏ lòng biết ơn công lao dạy dỗ, giáo dục, rèn luyện của nhà trường và thầy cô; đồng thời mong muốn Học viện Tài chính không ngừng đổi mới tư duy, thay đổi để thích ứng với yêu cầu của thời đại; là một trong những đơn vị tiên phong, đi đầu thực hiện tự chủ đại học hiệu quả nhất, đặc biệt là tự chủ về tài chính; phát huy nội lực, tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển nhà trường.
Tại buổi lễ, nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, lãnh đạo Học viện Tài chính đã tặng hoa tri ân các nhà quản lý, thầy cô qua các thời kỳ có nhiều đóng góp xây dựng và phát triển học viên, trong đó có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch Quốc hội cũng đã trao tặng 60 bộ máy tính cho Học viện Tài chính; trao 100 triệu đồng ủng hộ Quỹ Phát triển giáo dục tâm - tài - chính của học viện.
Bình luận (0)