xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trăn trở tiền lương giáo viên

Văn Duẩn - Minh Chiến - Huy Thanh

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết khi cải cách chính sách tiền lương, sẽ xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp

Ngày 7-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) chất vấn thành viên Chính phủ về các nhóm vấn đề: Nội vụ, an ninh trật tự, thanh tra, tòa án, kiểm sát, kiểm toán.

Ưu tiên cho tiền lương nhà giáo

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) và ĐB Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) chất vấn Bộ trưởng Nội vụ về mức lương giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, còn rất thấp, trong khi áp lực công việc rất lớn; nhân viên trường học tiền lương cũng rất thấp. Khi cải cách chính sách tiền lương, có giải pháp nào để cải thiện tiền lương của nhóm đối tượng này?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng thu nhập nhà giáo hiện nay gồm lương theo chức danh nghề nghiệp và phụ cấp. Lương nhà giáo đã cải thiện hơn trước nhưng so với tính chất đặc thù nghề nghiệp thì vẫn còn thấp. Thời gian tới, khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang, bảng lương khối hành chính sự nghiệp. "Bộ Nội vụ cũng sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát các quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề giáo để tăng lên mức cao nhất" - bà Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Đối với nhân viên trường học, Bộ trưởng Nội vụ cho biết hiện nhân viên trường học gồm thủ quỹ, kế toán, văn thư với 150.000 viên chức. Chế độ lương của những người này hiện rất thấp, chưa bảo đảm lương tối thiểu vùng theo quy định. Theo Bộ trưởng, bộ sẽ đề nghị địa phương tổng rà soát nhân viên trường học, có phương án sắp xếp đúng danh mục vị trí việc làm để cải cách tiền lương với nhóm này. Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh trước QH, nhân viên trường học là viên chức, không được hưởng phụ cấp công vụ 25% nên nếu cải cách tiền lương mới, có thể sẽ bị thiệt thòi. Trong khi địa phương, bộ, ngành chưa hướng dẫn thi thăng hạng viên chức. Lộ trình thời gian tới là sẽ xét thăng hạng cho nhân viên là viên chức trường học.

ĐB Trần Kim Yến (đoàn TP HCM) nêu thực trạng tinh giản biên chế cơ học và cào bằng gây ảnh hưởng lớn đến ngành giáo dục, nhiều nơi thiếu giáo viên trong khi tuyển dụng rất khó khăn. "Giáo viên nghỉ việc ngày càng nhiều do thu nhập thấp, không bảo đảm cuộc sống? Bộ Nội vụ có giải pháp gì?". Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện thể chế như Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo để có giải pháp bảo đảm số lượng, chất lượng, đời sống nhà giáo; sửa định mức giáo viên và mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục mầm non đến đại học. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính rà soát, thúc đẩy cơ chế tự chủ mầm non, tiểu học, đại học.

Liên quan đến lộ trình cải cách tiền lương, ĐB Trần Thị Thu Hằng (đoàn Đắk Nông) nhấn mạnh đây là nội dung được cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người làm công ăn lương hết sức quan tâm. Giải pháp nào để thực hiện cải cách chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương?

Nêu các điểm mới dự kiến trong cải cách chính sách tiền lương tuần lần này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết Nghị quyết 27 nêu rõ 6 vấn đề mới: Xây dựng 5 bảng lương theo vị trí việc làm, quy định mức lương thấp nhất khu vực công bằng mức lương thấp nhất khu vực doanh nghiệp, mở rộng quan hệ tiền lương, cơ cấu lại giữa lương cơ bản 70%; phụ cấp 30% và thưởng 10%; song song đó là chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.

Trăn trở tiền lương giáo viên - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, trả lời chất vấn của đại biểuẢnh: PHẠM THẮNG

Không có vùng cấm với tham nhũng

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, ĐB Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) đề nghị cho biết giải pháp trong việc tiếp tục điều tra các vụ án tham nhũng trong thời gian tới là như thế nào để bảo đảm các tiêu chí: không bỏ lọt tội phạm đồng thời không hàm oan người vô tội?

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết từ thực tế điều tra đến truy tố, xét xử nghiêm đối tượng tham nhũng đã thực hiện tốt phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. Việc này đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho nhà nước; không để cho đối tượng trốn ra nước ngoài và cũng không dám trốn ra nước ngoài. "Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trở thành xu thế không thể đảo ngược" - Bộ trưởng Công an khẳng định.

Nêu các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết trước tiên, tập trung hoàn thiện thể chế, không sơ hở thiếu sót để các đối tượng lợi dụng phạm tội. Các cơ quan chỉ đạo rà soát, bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực, nhất là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương; quy định cụ thể và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp "sân sau", không để hình thành các đối tượng có thể thao túng được nhiều cơ quan như một số vụ án xảy ra vừa qua, ví dụ vụ Việt Á, "chuyến bay giải cứu"... "Chúng tôi chưa bắt đối tượng nào liên quan đến các vụ án tham nhũng mà họ không nhận tiền. Ở đâu đó có chuyện rằng bây giờ xử lý quá thì cán bộ sợ, không dám làm là không phải" - Bộ trưởng Công an khẳng định và cho rằng việc xử lý cán bộ nhận hối lộ được nhân dân rất đồng tình.

Nêu thực trạng lộ, lọt thông tin cá nhân đang xảy ra phổ biến, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, ĐB Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về giải pháp căn cơ để khắc phục. Bộ trưởng Tô Lâm nhận định tình trạng mua bán, lộ dữ liệu cá nhân ở Việt Nam hiện nay "rất nghiêm trọng"; tình trạng tội phạm xâm nhập đánh cắp dữ liệu cá nhân rất lớn. Năm 2023, Bộ Công an xử lý hàng chục triệu vụ xâm phạm cơ sở dữ liệu. Năm 2024, bộ sẽ đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ Luật Hình sự sẽ được bổ sung tội danh làm lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân. "Người dân cũng sẽ được tuyên truyền nâng cao ý thức tự bảo vệ dữ liệu cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân nếu pháp luật không quy định bắt buộc" - Bộ trưởng nói.

Hôm nay (8-11), QH dành 90 phút đầu giờ sáng để tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động - thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn. 

Tăng cường 50.000 công an chính quy xuống phường, xã

Trả lời chất vấn của ĐB Tô Thị Bích Châu (đoàn TP HCM) về giải pháp để cảnh sát khu vực bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của mình nếu vẫn cắt giảm biên chế cơ học đối với cảnh sát khu vực như các ngành khác, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đến nay, ngành công an đã điều động trên 50.000 công an chính quy tăng cường xuống cấp xã, phường. Chủ trương của ngành công an là không giảm cảnh sát khu vực, không giảm lực lượng chính quy bố trí cho cấp phường, xã, mà điều động công an từ các cấp trung ương, tỉnh, huyện để tăng cường cho cấp cơ sở; đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý địa bàn, tiếp xúc với nhân dân để nâng cao hiệu quả công tác.

Có nơi không muốn phân cấp vì sợ mất quyền lực

Chiều 7-11, phát biểu trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền là vấn đề quan trọng, bởi địa phương biết những gì tốt nhất cho mình, giúp cải cách thủ tục hành chính rất lớn.

Phó Thủ tướng cho biết bí thư một tỉnh miền núi phía Bắc đã nắm tay ông và cảm ơn vì đã giải quyết việc chuyển mục đích sử dụng rừng làm đường giao thông. "Đồng chí nói có tới 24 lần làm thủ tục hành chính mới được giải quyết. Thực sự tôi cũng bất ngờ với thông tin này. Tuy vậy, nơi này nơi khác vẫn không muốn phân cấp, vẫn muốn ôm. Nếu không phải vì lợi ích thì đâu đó cũng sợ mất quyền lực của mình" - Phó Thủ tướng nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo