Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng nên tính toán sáp nhập để thu gọn đầu mối tỉnh và bộ ngành. Ông đề xuất những tỉnh có số dân dưới 800.000 người có thể xem xét để sáp nhập với nhau. Với các cơ quan trung ương, có thể sáp nhập để giảm khoảng 3-4 bộ ngành so với hiện nay. Nếu đề xuất này được thực hiện sẽ tinh giản được hàng ngàn cán bộ, công chức, từ đó giảm chi thường xuyên hàng ngàn tỉ đồng. Đó là chưa kể tiết kiệm được khoản ngân sách cùng tài sản công.
Đề xuất trên lập tức thu hút sự quan tâm rộng rãi, bởi bộ máy hành chính đang trở thành một vấn đề cấp bách khi ngày càng phình to, ngốn tới gần 2/3 nguồn ngân sách. Bộ máy hành chính cồng kềnh dẫn tới rất nhiều hệ lụy khác. Ai cũng thấy rằng con số 22 bộ và cơ quan ngang bộ hiện nay là không tương xứng với quy mô kinh tế còn nhỏ cũng như số dân của Việt Nam. Bởi với quy mô kinh tế lớn hơn gấp bội cùng số dân vượt trội nhưng nước Mỹ cũng chỉ có 15 bộ, trong khi Nhật Bản là 16 bộ…
Thế nên, ngay sau khi có đề xuất của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã lên tiếng phản hồi. Ghi nhận đề nghị của vị dân biểu, vị tư lệnh ngành nội vụ cho biết có nội dung có thể làm ngay được là rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, sắp xếp lại các bộ ngành.
Không hợp lý và lãng phí nhiều nguồn lực ngân sách khi có nhiều tỉnh quy mô dân số chưa tới 1 triệu người nhưng cũng có bộ máy, biên chế cùng trụ sở, xe cộ… chẳng khác những tỉnh vài ba triệu người. Sáp nhập những tỉnh số dân ít hay các bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng là cần thiết và giúp tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng nhưng lại không hề đơn giản.
Trước đây, cũng đã có những lần tiến hành sáp nhập rồi lại chia tách cả các bộ ngành ở trung ương cũng như các tỉnh. Mỗi lần như vậy đều có những xáo động và tốn kém không ít. Thế nên, cần việc sáp nhập các bộ, ngành và tỉnh hiện nay cần xem xét thấu đáo, khoa học, đặc biệt là việc sáp nhập các tỉnh.
Một tỉnh không chỉ phụ thuộc vào quy mô dân số mà còn là đặc điểm địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội… Thực tế trước đây cho thấy có những tỉnh sau khi sáp nhập có quy mô dân số cũng như diện tích không phải lớn nhưng phát sinh rất nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là đoàn kết nội bộ. Mà mất đoàn kết là bị triệt tiêu sức mạnh quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ, phát triển.
Sáp nhập là việc làm quan trọng để thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là nâng cao hiệu năng, năng suất của bộ máy hành chính, tinh gọn mà làm việc tốt hơn.
Bình luận (0)