xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tình quê giữa phố

LƯƠNG DUY CƯỜNG

Dân các nơi tụ về TP HCM mang theo truyền thống của quê hương bản xứ, góp phần vào sự đa dạng của một thành phố hiện đại và năng động, tâm hồn người TP HCM vì thế thêm nhân ái, nghĩa tình.

Nhớ dạo Xuân 2015, tôi được các bậc cao niên giao liên lạc với Ban Chấp hành Hội Đồng hương Quảng Bình ở TP HCM (gọi là hội tỉnh) để thành lập hội đồng hương cho xã quê mình. Hội tỉnh ký quyết định ngay, rồi cử đoàn để khi chúng tôi tổ chức đại hội thì đến trao.

Mọi chuyện suôn sẻ, duy có một việc mà suýt "bể" đại hội. Ấy là các cụ làng tôi dứt khoát ghi trên phông sân khấu là "Đại hội lần thứ nhất Đồng hương Lệ Sơn tại TP HCM và vùng phụ cận", trong khi quyết định của hội tỉnh là thành lập "Hội Đồng hương xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình". Lệ Sơn là tên "cúng cơm" thuở lập làng nhưng không ghi đúng tên hành chính thì không trao quyết định được. Vì chuyện này mà hội tỉnh không trao quyết định và đến tận giờ, dù hoạt động tốt nhưng hội đồng hương xã tôi vẫn đứng ngoài tổ chức hội tỉnh.

Tình quê giữa phố - Ảnh 1.

Mâm cỗ dâng cúng tổ tiên dịp tất niên tại chùa Cao Lao Hạ (quận Thủ Đức) Ảnh: Lê Mạnh Hùng

Kể chuyện này để thấy dân Quảng Bình quê tôi với hàng chục ngàn người đang sinh sống tại TP HCM và vùng phụ cận, dù đã qua rất nhiều thế hệ nhưng tính cố kết làng xã vẫn rất sâu đậm. Không chỉ Lệ Sơn, nhiều xã khác cũng lập hội đồng hương và đều lấy tên "cúng cơm" mà gọi, nôm na nhưng ấm cúng.

Quảng Bình là nơi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) - danh tướng thời Chúa Nguyễn Phúc Chu mở cõi Nam Bộ với việc xác lập chủ quyền cho người Việt tại Đồng Nai, Gia Định vào năm 1698 - xuất thân. Nhưng thực ra, dân quê danh tướng này (xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) lại không phải đông nhất trong cộng đồng dân cư các làng xã của Quảng Bình ở Nam Bộ. Điều đó cho thấy việc người Quảng Bình đông áp đảo tại TP HCM so với dân các tỉnh, thành khác là do những biến động về dân cư chứ không phải vì kiểu "con ông cháu cha" kéo nhau mà vào.

Đơn cử 3 làng tiêu biểu nhất của Quảng Bình ở TP HCM để hiểu thêm điều nêu trên: Thọ Đơn (xã Quảng Thọ), Thuận Bài (xã Quảng Thuận - cùng thuộc thị xã Ba Đồn ngày nay) và Cao Lao Hạ (xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch).

Thọ Đơn nổi tiếng nghề mộc. Sử ghi khoảng năm 1850, do thiên tai quá nhiều, ông thợ trứ danh của làng là Nguyễn Chư vào Nam tìm kế sinh nhai. Thấy đất Gia Định trù phú, bình an, ông ở lại lập nghiệp. Người làng cũng theo vào, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước.

Thuận Bài nổi tiếng về nghề điện. Địa chí Thuận Bài ghi cuối thế kỷ XIX, khi đời sống khó khăn quá, ông Trần Văn Mâu vào Nam và làm ở Nhà đèn Chợ Quán. Người Thuận Bài từ đó theo chân ông và lập nên rất nhiều xóm nhà đèn sản xuất bóng đèn, dây điện… ở TP HCM, mà xóm Lách (còn gọi là xóm Nhà Đèn - ở Tân Định, quận 1, TP HCM) là một ví dụ. Bảng hiệu tiệm điện của họ thường có chữ Quảng để nhớ về nơi ra đi.

Tình quê giữa phố - Ảnh 2.

Nghi thức cúng chạp tại tổ đường của làng Thọ Đơn tại TP HCM Ảnh: Lê Mùi

Trong khi đó, Cao Lao Hạ nổi tiếng về nghề xây dựng. Địa chí làng ghi con cháu họ vào Nam đến nay đã trên 150 năm. Dân Cao Lao Hạ bây giờ ở miền Nam đếm không xuể, tính cả doanh nhân trong nghề xây dựng.

Dân các làng xã từ Quảng Bình vào Nam là đi ra từ vùng quê nghèo, lắm thiên tai nên chọn con đường chịu khó chịu khổ, chịu học để vượt lên số phận. Nhờ vậy mà thế hệ nào cũng có những người con xuất sắc để các làng xã tự hào, lấy đó làm gương cho con cháu noi theo.

Nếu dân Vạn Ninh tự hào có danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh được TP HCM tri ân bằng việc đặt tên đường và xây dựng khu đền thờ hoành tráng thì dân Bảo Ninh (TP Đồng Hới) tự hào có cha con song tướng của làng chài này: Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Minh Như, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 7 và con trai ông là Trung tướng Võ Minh Lương, đương nhiệm Tư lệnh Quân khu 7. Nếu Cao Lao Hạ tự hào đã sinh ra nhà thơ Lưu Trọng Lư được TP HCM xây dựng khu lưu niệm và đặt tên đường thì Thuận Bài có người con - xuất thân từ gia đình nghề thợ điện - là liệt sĩ Trần Đình Xu (1921-1969), nguyên Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định, được đặt tên đường ở trung tâm quận 1…

Khi tạm an cư, điểm chung của các làng này là lập ngay hội tương tế để tương trợ nhau và giúp đỡ người đi sau, làm đầu mối hỗ trợ quê nhà khi lụt bão. Có những trường hợp như gia đình ông Phan Hải (quận 3), giúp đến vài chục tỉ đồng xây dựng hạ tầng cho quê nhà là làng Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch.

Hầu hết hội tương tế các làng đều có trụ sở, như Thọ Đơn có tổ đường của làng ở quận 3. Ngày chạp hay dịp lễ, Tết là con cháu của làng tụ hội về đây bàn chuyện phước đức. Từ nghi thức cúng giỗ và sinh hoạt văn hóa do các ban tế tự thực hiện mà con cháu sinh ra ở TP HCM thấm dần truyền thống quê nhà. Dân Lệ Thủy còn lập cả CLB Hò khoan để con cháu không quên một sinh hoạt văn hóa của quê nhà, nay đã thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Rồi từ đóng góp của con cháu, nhiều làng lập được quỹ khuyến học, quỹ từ thiện, xây cả nghĩa trang rộng lớn ở vùng ven TP HCM để khi ai mất không về được quê thì vẫn có nơi nằm lại.

Ngoài cấp tỉnh, đồng hương nhiều làng còn xây được cả chùa để thờ tự, như chùa Cao Lao Hạ ở quận Thủ Đức. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi mất được an táng cạnh mộ mẹ tại nghĩa trang chùa Quảng Bình (quận Thủ Đức). Trịnh Công Sơn sinh ở Huế nhưng bà nội nhạc sĩ là con gái duy nhất của cố Đinh Xuân Thịnh (nguyên chánh văn phòng Bộ Lại thời vua Hàm Nghi, Đồng Khánh và Thành Thái) - là dân làng Vĩnh Lộc, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn.

Cho nên, dù sống giữa TP HCM với nhà cao chọc trời, bê-tông cốt thép, khói bụi công nghiệp… nhưng con em Quảng Bình xa xứ vẫn thấy ấm tình quê kiểng.

Dân các nơi tụ về TP HCM mang theo truyền thống của quê hương bản xứ, góp phần vào sự đa dạng của một thành phố hiện đại và năng động, tâm hồn người TP HCM vì thế thêm nhân ái, nghĩa tình.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo