Hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, ông Lê Kính Trung, giám đốc một công ty bất động sản (BĐS) có trụ sở tại quận 5 (TP HCM), thừa nhận giai đoạn khó khăn nhất khi làm nhà ở chính là việc thực hiện các thủ tục liên quan đến nhà, đất.
Mỗi nơi hiểu mỗi kiểu
Từ khó khăn đó, ông Lê Kính Trung cho hay ông phải thường xuyên thuê một đơn vị khác làm thủ tục nhà, đất cho các công trình xây dựng của mình. "Phải thừa nhận là những năm gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM đã rút ngắn nhiều thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận (GCN) hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo hướng có lợi cho người dân và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, người dân, DN cũng chưa hưởng lợi được nhiều bởi vẫn còn đó tình trạng chồng chéo cũng như "kéo rê" của người thụ lý..." - ông Trung nhận xét.
Nếu đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM được chấp thuận thì nhiều thủ tục nhà, đất sẽ giảm 1/2 thời gian thực hiện
Vị giám đốc công ty BĐS nói theo quy định, đơn vị tiếp nhận hồ sơ sau khi thẩm định bắt buộc phải hoàn thiện trễ nhất là 15 ngày. Thế nhưng trên thực tế, khi người dân, DN làm thủ tục thì liên tục trả hồ sơ vì còn thiếu cái này, cái khác. "Nhiều quy định vẫn còn "nước đôi" nên muốn được hay không là do người quyết. Bằng chứng là hiện tại có những quy định Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) và UBND quận - huyện nơi này hiểu kiểu này, nơi khác hiểu kiểu khác. Chính vì vậy, bản thân tôi dù làm lâu năm trong lĩnh vực BĐS nhưng vẫn phải tốn tiền thuê dịch vụ" - ông Trung ngao ngán.
Tương tự, kể về hành trình đi làm thủ tục nhà, đất của bản thân, ông Lê Kiệt (46 tuổi; ngụ xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP HCM) chỉ biết lắc đầu mệt mỏi. Ông nói chỉ tính riêng thủ tục đăng bộ sổ hồng đã mất nửa năm mới xong. Ban đầu, ông trình hồ sơ trước dịp Tết nguyên đán 2021 cho Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Bình Chánh và được trả lời 10 ngày sẽ hoàn tất. Đến ngày hẹn thì ông nhận được thư xin lỗi và kèm theo giấy giới thiệu mang qua cơ quan thuế để nộp. Quy trình này người dân tự thực hiện và tiếp tục chờ đợi 15 ngày. Đến khi đóng thuế xong, phải mất thêm 5 ngày nhận thông báo từ đơn vị thuế và trả lại hồ sơ vì vướng những thủ tục về thế chấp ngân hàng. "Khi tôi thắc mắc thì chuyên viên cho rằng không đủ khả năng giải quyết và hướng dẫn liên lạc VPĐKĐĐ TP. Mãi cho đến cuối tháng 5 vừa qua - sau bao lượt "lên bờ xuống ruộng", mọi giấy tờ liên quan đến thửa đất vừa mới mua của tôi mới làm xong" - ông Kiệt bức xúc.
Theo ông, tâm lý của không ít người đi làm thủ tục nhà, đất hiện nay luôn trong tình cảnh hồi hộp như mua vé số, vì lúc tiếp nhận không ai nói gì nhưng sau đó lại nói thiếu cái này, thiếu cái kia. "Tôi mong thời gian xét duyệt hồ sơ sớm kéo giảm. Hơn cả, mong ngay khi tiếp nhận hồ sơ thì cán bộ cứ nói rõ luôn là hồ sơ đạt hay không để người dân bớt khổ" - ông Kiệt kiến nghị.
Gom về một mối
Trước những tồn tại trên, mới đây, Sở TN-MT TP đã đề xuất UBND HCM cho phép giải quyết gộp nhiều thủ tục liên quan đến hợp thửa, tách thửa, chứng nhận quyền sở hữu nhà ở/công trình không phải nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất.
Sở TN-MT TP phân tích năm 2018, UBND TP có ban hành quy định về bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, quy định cụ thể về thời gian giải quyết các thủ tục và thẩm quyền giải quyết hồ sơ liên quan đến việc hợp thửa đất. Theo đó, đối với hồ sơ hợp thửa đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thì thuộc thẩm quyền giải quyết ký cấp giấy của các quận, huyện. Thời gian giải quyết là 15 ngày. VPĐKĐĐ TP sẽ giải quyết các hồ sơ hợp thửa của tổ chức. Dù vậy, trên thực tế phần lớn người dân, DN có nhu cầu hợp thửa thì thường gắn liền với việc được chứng nhận nhà ở/công trình không phải nhà ở. Theo quy trình thì sau khi quận - huyện ký cấp GCN xong mất 15 ngày, người dân muốn được cập nhật tài sản trên đất (nhà ở/công trình không phải nhà ở) thì thuộc thẩm quyền giải quyết của VPĐKĐĐ TP. Thời gian giải quyết là 15 ngày. Như vậy, tổng thời gian giải quyết phải mất 30 ngày và 2 cơ quan khác nhau.
Để rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, Sở TN-MT kiến nghị TP cho phép VPĐKĐĐ TP giải quyết hồ sơ hợp thửa đất kết hợp với đăng ký thay đổi tài sản gắn liền với đất. Cụ thể, trường hợp người dân, DN được cấp phép xây dựng nhà ở trên nhiều thửa đất mà có nhu cầu đăng ký thay đổi tài sản thì VPĐKĐĐ TP thực hiện 2 thủ tục ghép là hợp thửa đất và cấp GCN quyền sở hữu nhà ở. Trường hợp người dân đề nghị tách thửa đất để hợp thửa với thửa đất liền kề và đã hoàn thành việc xây dựng nhà ở, nếu có nhu cầu thay đổi tài sản thì VPĐKĐĐ TP sẽ thực hiện 2 thủ tục ghép là tách thửa đất để hợp thửa với thửa đất liền kề và cấp GCN quyền sở hữu nhà ở.
Trường hợp người dân được cấp phép xây dựng công trình không phải nhà ở trên nhiều thửa đất và có nhu cầu thay đổi tài sản thì VPĐKĐĐ TP cũng sẽ thực hiện luôn 3 thủ tục ghép là hợp thửa đất, đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất (trong trường hợp không phải xin phép) và cấp chứng nhận sở hữu công trình nhà ở.
Một nội dung khác cũng tương tự là thủ tục chuyển quyền sử dụng đất gắn liền với hợp thửa đất. Sở TN-MT cho biết việc giải quyết 2 thủ tục này cũng mất 25 ngày và qua 2 cơ quan như trên (hợp thửa 15 ngày và chuyển quyền 10 ngày). Vì vậy, sở này đề xuất VPĐKĐĐ TP sẽ thực hiện 2 thủ tục ghép là cấp GCN cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất và hợp thửa đất để rút ngắn thời gian giải quyết còn 15 ngày.
"Những kiến nghị này dựa trên nhu cầu thực tế và bỏ bớt các thủ tục không cần thiết" - ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, nhấn mạnh.
Giảm thời gian sẽ lợi đủ đường!
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cho biết thủ tục phức tạp nhiều bước dẫn đến dự án đó kéo dài. Từ đó, nhà đầu tư cộng đồn vào chi phí nhà ở khiến giá nhà lên cao. Vì vậy, thủ tục giảm thì sẽ lợi đủ đường cho DN và người dân.
Trong khi đó, theo ông Lê Kính Trung, để tạo thuận lợi cho người dân và DN khi làm thủ tục nhà, đất thì cần phải đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực này. "Khi đó, người dân dễ dàng nộp hồ sơ theo mẫu. Khi trình hồ sơ sai hoặc thiếu sẽ được hệ thống báo và từ đó dễ dàng bổ sung. Điều này sẽ tránh được tình trạng người dân không biết hồ sơ của mình thiếu hoặc sai loại giấy tờ nào nên buộc phải liên tục tới lui cơ quan hành chính" - ông Trung đề nghị.
Bình luận (0)