xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tờ áp-phích, buổi xem phim và trận bóng làng

TRẦN HỮU VINH

Chỉ tờ giấy thô với những nét phấn được viết nắn nót, nội dung ngắn gọn, áp-phích gắn với những hoạt động văn hóa tinh thần sôi nổi một thời ở thôn quê

Những buổi đi học hay đi chơi, nhìn thấy những dòng chữ được viết bằng phấn trên những tờ giấy màu là lòng rạo rực bởi những tờ áp phích ấy thường ghi nội dung quảng cáo những buổi chiếu phim màn ảnh rộng, những buổi diễn văn nghệ hay một trận đá bóng của đội bóng xã nhà…

Thông báo đơn sơ mà gây náo nức

Nhìn những tờ áp-phích ấy, bọn trẻ con chúng tôi háo hức lắm, đọc đi đọc lại không chán. Áp-phích thường được dán trên các bức tường dọc sông Vạn, con đường mọi người đi chợ. Áp-phích còn được dán ở ngã ba Trung Phú, nơi tất cả trẻ con đều phải qua đây đến trường. Có lẽ, những người tổ chức đã nhắm đến bọn trẻ vì đây là những tuyên truyền viên tích cực nhất, nhiệt tình nhất mà lại không mất phí. Bọn trẻ luôn là những khán giả đông đảo cho mọi hoạt động văn hóa - thể thao của xã.

Đơn giản chỉ là "Thông báo: 21 giờ tối nay, tại chợ Vạn, phim màn ảnh rộng "Bông hồng vàng", phim chiến tranh đặc sắc của Rumani, giá vé… mời bà con đến xem".

Chợ Vạn, một bãi đất rộng bao quanh là hói nước, chỉ một lối đi vào chợ cũng là cửa soát vé. Người ta phải chôn tạm mấy cái cọc làm cửa chắn để soát vé. Tuy tạm bợ nhưng khó ai có thể lọt qua nhưng với bọn trẻ chúng tôi thì không có gì là không thể.

Chợ Vạn, những hàng dừa cao, ban ngày tỏa bóng mát nhưng không có tác dụng gì trong đêm. Những chiếc lều quán xiêu vẹo, tả tơi sợi rơm, mái rạ bởi nắng mưa lại có thể che cho bà con khi những cơn mưa bất chợt kéo đến. Chúng tôi sợ nhất là mưa, không sợ ướt mà sợ không được xem trọn bộ phim vì mưa thì đoàn chiếu bóng sẽ dừng ngay vì sợ hỏng phim và máy móc. Và cứ thế, không nhớ hết bao nhiêu bộ phim như: "Chim vành khuyên"; "Chiến trường chia nửa vầng trăng"; "Bông hồng vàng"; "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Cánh đồng hoang"; "Biệt động Sài Gòn"… đã được chiếu cho người dân xem. Mỗi đêm như thế, hàng trăm con người hồi hộp theo dõi từng số phận, mãn nhãn trước những pha hành động, những cảnh chiến đấu bi tráng…

Cũng bằng hình thức quảng cáo giản đơn mà hiệu quả ấy, có đến khoảng dăm chục đoàn văn công khắp Bắc, Trung, Nam đã về lưu diễn tại Diễn Vạn. Có khi một tháng 2 đoàn. Còn nhớ những cái tên: Đoàn Nghệ thuật cải lương Đất Biển, Sông Hương, Hương Sen, Bông Sen Trắng, Hương Giang, Minh Phương, Hương Biển, Đoàn kịch nói Nghệ An, đoàn chèo, các đoàn xiếc… đã làm nao nức lòng người bằng các tiết mục đặc sắc. Đáp lại, người dân Diễn Vạn quê tôi luôn chen nhau đứng xem kín cả một bãi chợ, rồi sau này là sân ủy ban nhân dân xã, các đoàn về lưu diễn thường chỉ 3 đêm nhưng có khi ở lại 1 tuần, diễn hết các vở mà họ có thể dàn dựng rồi mới đi mà không lo ế ẩm.

Tờ áp-phích, buổi xem phim và trận bóng làng - Ảnh 1.

Cảnh xem phim ở quê ngày trướcẢnh: TƯ LIỆU

Tờ áp-phích, buổi xem phim và trận bóng làng - Ảnh 2.

Một trận đấu bóng đá ở nông thôn

Trốn vé và mất dép

Cuối chiều, nhà nào cũng ăn cơm sớm để bọn trẻ con xách ghế lên bãi xí phần. Nhiều gia đình còn đưa những manh chiếu ra trải, bọn trẻ vừa canh chỗ vừa chơi vui vẻ. Tối đến, trai thanh gái lịch, người lớn con nít nườm nượp kéo về trung tâm xã. Người ta đem theo nước uống, đồ ăn nhẹ như khoai, sắn, lạc luộc, ngô rang, lúa rang, trong bãi cũng có rất nhiều hàng bày bán bánh kẹo, trái cây, kem…

Chúng tôi thuộc lứa nhỡ nên không được miễn vé nhưng cũng không bao giờ mất vé. Hoặc là đi kèm với người lớn hoặc là chui qua cổng, leo qua tường. Tại sân ủy ban, 2 bên là cửa soát vé, ở giữa là một cổng lớn, cổng lớn có cánh cửa to làm bằng thanh gỗ lớn cách mặt đất chừng 20 phân, thế là cái khoảng trống chừng 20 phân ấy đủ cho bọn con nít chui qua dù không thoải mái lắm. Nhiều đứa giữ thể diện không chui vì sợ mất phẩm giá thì chọn phương án trèo tường. Bức tường khá cao, chừng 2 m nhưng không thể nào cao bằng ý chí của những đứa trẻ không tiền hoặc để dành tiền mua quà ăn vặt.

Tôi nhiều lần vì chen qua cửa trốn vé mà đứt dép hoặc mất dép. Mất dép không có đi cũng không sao nhưng sợ nhất là về bị bố mẹ mắng, thậm chí bị ăn đòn nên cố công tìm kiếm. Có lần đi xem văn công mất dép, hôm sau lang thang lên xóm chợ thì thằng Hồng - con bà Bốn, gặp tôi nó bảo: "Mi bị mất dép à, đưa tiền đây tau cho chuộc". Không biết vì sao mà nó biết tôi mất dép trong cái buổi lộn xộn ấy. Một đôi dép nếu đem đổi chỉ được 1 que kem, nó đòi tôi 200 đồng được 4 que kem; nhưng nếu phải mua đôi dép mới cũng mất mấy ngàn. Không nhớ tôi đã xoay đâu ra chừng ấy tiền để chuộc dép.

Tối đến, người lớn vào ngồi ở những manh chiếu do con cháu xí phần sẵn từ chiều, những người còn lại vây quanh sân khấu kín mít. Tôi còn nhớ nhiều đoạn trong vở cải lương khiến người xem lặng đi trong nước mắt. Tôi còn bé nhưng cũng không kiềm chế được cảm xúc. Biết mình khóc, tôi nhìn sang Minh, đứa cháu họ cùng tuổi, thấy nó cũng khóc, tôi trêu: "Mi khóc à". Nó lau nước mắt rồi nói trớ: "Con muỗi vô mắt".

Cứ thế, ngày nối ngày, năm nối năm, những vở cải lương, kịch nói đã lấy đi rất nhiều nước mắt của những người dân vẫn tưởng những cảnh đời trên sân khấu là có thật, những ông Tiên, ông Bụt vẫn luôn ở quanh mình.

Những trận bóng nhớ đời

Cũng tại sân ủy ban xã, tờ áp-phích "15 giờ chiều nay, ngày… tháng… năm…, đội bóng đá xã Diễn Vạn giao hữu với đội bóng đá xã Diễn Bích, tại sân vận động Đồng Hà. Mời bà con tới xem và cổ vũ". Đơn giản, ngắn gọn vậy thôi nhưng dân mộ điệu túc cầu kéo về sân vận động Đồng Hà - một bãi đất tương đối phẳng, chỗ có cỏ, chỗ không, đứng ngồi vây chung quanh mà reo hò cổ vũ.

Thời ấy, đầu những năm 1990, Diễn Vạn mới lập lại đội bóng đá. Bên cạnh những hảo thủ như Đình, Nhu, Giáp, Nhất, Hùng, Thịnh… thì không biết tìm ai thay người. Ông huấn luyện viên đưa cả ông Cung cày liễn (lúc ấy làm công an viên) vô làm cầu thủ chạy loằng ngoằng khắp sân làm khán giả được nhiều phen cười nghiêng ngả.

Áp-phích: "Đón xem bóng đá, 15 giờ, tại sân vận động xã Diễn Kỷ, đội tuyển bóng đá Diễn Vạn - đội tuyển bóng đá Diễn Kỷ, chung kết giải bóng đá huyện Diễn Châu". Mới khoảng 13 giờ 30 phút, người dân 2 xã đã đến chật cứng sân vận động Diễn Kỷ, một sân vận động vào loại to, rộng và đẹp nhất, nhì huyện thời đó. Trận đấu diễn ra căng thẳng, quyết liệt nhưng không kém phần đẹp mắt. Tôi đặc biệt ấn tượng với cầu thủ Bình của Diễn Kỷ, một cầu thủ nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn và đầy kỹ thuật. Tiếc là Bình bị thay ra giữa trận đấu do chấn thương. Diễn Vạn lại có một đội hình đồng đều, lối chơi dựa vào thể lực sung mãn nhưng rất nhiều cầu thủ có kỹ thuật điêu luyện như Đình, Nhất, Giáp; hàng hậu vệ lực lưỡng với sự có mặt của Nhu, bên cánh có Thắng vừa nhanh vừa rất khỏe, ngoài ra còn có Hùng, Thịnh đều là những cầu thủ trứ danh của bóng đá phong trào công an, quân đội một thời. Trận đó Diễn Vạn giành chiến thắng 1-0 và lên ngôi vô địch.

Áp-phích, một tờ giấy thô, màu xanh, đỏ, tím, vàng, những nét phấn được viết nắn nót, nội dung ngắn gọn là hình thức quảng cáo sơ khai ở mỗi vùng nông thôn. Áp-phích, nó đã từng làm thổn thức bao trái tim, tâm hồn người già, người trẻ, bởi nó gắn với những hoạt động văn hóa tinh thần sôi nổi một thời ở thôn quê. 

Những trận đấu giữa Diễn Vạn với Diễn Bích đều là những trận đấu không thể nào quên. Ngày ấy, Diễn Vạn còn thua xa Diễn Bích, hễ ra sân là Diễn Vạn bao giờ cũng bị thủng lưới 2-3 trái. Diễn Bích có một cầu thủ chân vòng kiềng đi bóng như Messi ngày nay, làm chao đảo hàng hậu vệ to con của Diễn Vạn. Sau một số trận giao hữu với thị trấn Đô Lương, thị trấn Diễn Châu, Diễn Hạnh, Diễn Ngọc, với Đoàn Cải lương Minh Phương..., đội bóng đá Diễn Vạn nhanh chóng trưởng thành. Năm 1994, Diễn Vạn đã vượt qua những đội mạnh như Diễn Bích, Diễn Ngọc, Thị trấn, Diễn Hạnh... để lọt vào trận chung kết tranh chức vô địch toàn huyện Diễn Châu.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Tờ áp-phích, buổi xem phim và trận bóng làng - Ảnh 4.
Tờ áp-phích, buổi xem phim và trận bóng làng - Ảnh 5.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo