Quê tôi, cái cù lao lẻ loi giữa dòng sông Hậu, tháng 9 tựu trường cũng là thời điểm mênh mông nước nổi. Mới thấy bầy gà cục ta cục tác ngoài sân, quanh qua ngoảnh lại, chúng đã rút nhau lên hàng ba, còn khoảng sân thì lênh láng nước.
Anh em, chú cháu học chung một lớp
Có đêm nước lên đột ngột, đầu hôm còn để đôi dép dưới nền nhà, khuya dậy, chân xuống chưa chạm đất đã ướt nhẹp, nước tràn từ đằng trước ra đằng sau. Sáng ra đi tìm, chiếc còn vướng ngạch cửa, chiếc đã trôi tới bụi tre, rồi nồi niêu xoong chảo, cái ở ngoài hè, cái dính mé mương.
Cũng chính vì vậy mà thuở đó, con nít xứ này khi vào lớp 1 (hồi ấy không có nhà trẻ mẫu giáo như bây giờ), không có tính tuổi, hễ đứa nào lội rành, qua mấy cái bọng mà không chới với thì cha mẹ mới cho đi học. Bởi thế mà mấy anh em, chú cháu… cùng học chung một lớp là chuyện bình thường. Lớp 1 mà có đứa bảy tuổi, tám tuổi, mười, mười một…, thậm chí mười ba tuổi vẫn chưa qua được lớp 2.
Như thằng Thao, con ông Tưng, ở sát nhà tôi. Hai thằng cùng tuổi con Mèo, năm đó lên 8 thì cùng vào lớp 1. Ngày đầu đi học, mới tới cây cầu giữa xóm, thằng Thao đã trượt chân té xuống sông. Mặc dù biết bơi nhưng ngay dòng nước đang lên, chảy xiết, trồi lên thụp xuống, hụp lặn mấy bận, thằng Thao vẫn chưa với tới bờ. Chúng tôi la làng, cũng may ông Năm Lại đang thả lưới bên kia, bơi qua đẩy nó vô bờ nhưng tập vở thì trôi hết. Hay tin, ông Tưng chạy băng ra, giận quá giật cây viết còn dắt trên túi áo thằng Thao quăng luôn xuống sông: "Khỏi học hành gì hết, dốt hổng có chết, chứ nếu hồi nãy tụi nó hổng la lên, ông Năm không bơi qua kịp thì mày đi chầu bà thủy rồi con". Thế là năm học kết thúc với thằng Thao ngay trong ngày đầu tiên tới trường.
Năm sau, mon men tới lớp được vài bữa, Thao buồn buồn: "Ba tao kêu theo ghe xuống Năm Căn bắt ba khía, mai mốt về học lại". Một cái "mai mốt" kéo dài theo chuyến đi hàng mấy tháng trời. Khi về thì đã gần hết học kỳ I, đành chờ tới mùa tựu trường năm sau. Cứ vậy thằng Thao loay hoay với lớp 1, bởi chưa khi nào nó học được tròn năm. Cho đến khi chúng tôi học xong lớp 5, chuyển xuống trường xã để vào cấp 2 thì thằng Thao tuyên bố: "Tụi bây đi hết rồi, từ nay tao cũng không thèm học nữa". Vậy là nó đành khép lại giấc mơ vào lớp 2 sau 5 năm đến trường!
Ngày trước, người dân phải đắp bờ mỗi mùa nước nổi để giữ cho vườn không bị ngập
Chiếc xuồng này (tiếng địa phương gọi là trẹt) đưa bao học sinh đến trường một thời
Nước nổi theo thủy triều nơi cửa biển
Trở lại với tháng tựu trường trong mùa nước nổi ở xứ cù lao Sóc Trăng quê tôi. Khác với vùng thượng nguồn - miệt trên An Giang, Đồng Tháp - mỗi mùa nước về là lênh láng cả tháng trên đồng, ở đây hạ nguồn - nơi Cửu Long hòa mình ra biển Đông nên "nước nổi" cũng theo thủy triều lên xuống, ngày hai buổi lớn ròng. Lớn thì chót vót đọt cây, ròng thì sát tận đáy sông.
Nghe ầm ầm, dòng nước cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về, cùng lúc nước từ hai cửa biển Định An, Trần Đề tràn lên. Nơi sông - biển gặp nhau hòa làm một, chính là mảnh đất giữa sông Hậu - Cù lao Dung quê tôi. Nước từ hai phía "đụng" nhau, cứ thế mà dồn lại dâng cao, lăm le như muốn nuốt chửng cái cù lao nhỏ bé. Khi đã tới đỉnh điểm thì bắt đầu ròng. Những cột nước hồi nãy còn cao năm bảy thước, hung hãn vỗ vào thân đê, chực chờ tràn bờ giờ đã biến mất, chỉ còn lại dòng sông trơ đáy. Nhưng cũng chỉ vài giờ sau, nước lại đục ngầu dâng cao, cái cù lao nhỏ bé lại nhấp nhô giữa dòng sông Hậu.
Cứ vậy, bao đời nay, mùa nước nổi đã là người bạn không mời mà tới. Mà tới rất đúng hẹn nữa chứ: "Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ". Có nghĩa là tháng 7 âm lịch nước sẽ rục rịch, chực chờ nhảy khỏi bờ, bắt đầu vào mùa nước nổi. Cái kinh nghiệm dân gian, bài học đúc kết từ thực tiễn của ông cha, như lời "sấm truyền" đời này sang đời khác. Để rồi từ tháng 5 tháng 6, là người dân quê tôi lại bắt tay đắp bọng, be bờ để chờ ngăn nước.
Nhưng có năm lũ về lớn quá "Ông tha mà bà không tha", bao nhiêu công sức chuẩn bị chẳng là gì trước sự nổi giận của bà thủy. Nước đột ngột dâng cao tràn bờ vỡ đê, chẳng mấy chốc cả làng phủ một màu trắng xóa, nước ngập hàng ba, tràn cả đường làng, rẫy mía… Xóm làng nhận ra nhau nhờ những cái nóc nhà nhô cao.
Nước ngoài sông còn hai buổi lớn ròng nhưng khi đã phá đê vượt bờ vào nội đồng thì ứ lại, phải mất cả ngày mới rút ra hết được. Có lúc đợt triều cường này chưa rút xong thì đợt khác lại ập tới. Cái đoạn đê vỡ vừa gia cố, đất còn chưa kịp khô lại bị nước ồ ạt dập vào, lại vỡ, nước lại trắng làng. Người dân quê tôi sợ nhất là lúc này: "lũ chồng lũ", giống như đồng bào miền Trung lo nhất khi "bão chồng bão"…
Một khu tái định cư cho người dân Cù lao Dung
Ngồi trên giường đợi xuồng đưa đi học
Những lúc như vậy, chúng tôi đi học bằng xuồng, mỗi xóm cử ra một hai người bơi xuồng đưa rước học trò tới lớp. Những khoảng sân mới hôm qua, hôm kia còn là chỗ nhảy lò cò, đốc lon… hôm nay đầy nước. Xuồng vào tới hàng ba, thậm chí bơi luôn vô nhà để rước từng đứa học trò đang ngồi đợi sẵn trên giường. Rồi xuôi theo đường làng hôm trước còn tung tăng lội bộ, giờ đi bằng những mái dầm khoát mạnh tay của các bậc phụ huynh.
Tuổi thơ hồn nhiên thích thú làm sao khi được đến trường trong mùa nước nổi như vậy. Nhất là khi qua những vườn đu đủ toàn thân đã chìm sâu trong màn nước bạc chỉ còn ló đọt nhưng vẫn cố giữ những trái chín vàng, khi xuồng bơi ngang, tụi tôi chỉ cần đưa tay ra là hái. Những cụm mía đường ngọt lịm, đã mấy ngày ngâm mình trong nước, đưa tay nhổ nhẹ là lên cả cụm, mặc sức chia nhau, cả đám cười vang…
Tiếng cười tuổi thơ trong vắt, giòn tan trên sông nước, có biết đâu mẹ cha đang ruột đau như cắt: "Nước rút rồi biết cây trái có còn sống nổi không. Năm nay đói rồi con ơi!".
Cũng giống như đồng bào miền Trung, bao mùa quần quật, dựng được mái nhà tươm tất, bão đi qua cuốn sập. Ở vùng đất giữa sông này, mấy tháng gieo trồng chăm bón nào đậu nào cà, nào đu đủ…, cũng đắp bọng, be bờ ngăn nước… nhưng năm nào lũ cao quá đỗi, chẳng kịp trở tay, biết bao mồ hôi công sức phút chốc cuốn theo dòng nước bạc.
Nhưng nhịp đời vẫn sinh sôi, những đứa trẻ rồi cũng lớn khôn theo từng mùa nước nổi. Hết trường làng, trường xã rồi tỏa ra trăm hướng sinh nhai. Có đứa học cao làm kỹ sư, thầy giáo; cũng có đứa xong cấp 1, cấp 2 thì nghỉ hẳn. Loay hoay vài năm dựng vợ gả chồng rồi về cấy trồng trên những rẫy màu, liếp vườn mà hết đời ông đến đời cha đã quần quật hàng trăm năm qua. Và rồi sinh con đẻ cái, tháng tựu trường lại bơi xuồng đưa con đi học như cha mẹ mình ngày xưa…
Riêng tôi hết lớp 9 thì theo dì Út ra thị xã học tiếp cấp 3 rồi vào đại học, trở thành công chức nhà nước. Thỉnh thoảng, giỗ Tết lại về thăm quê... Thoáng cái đã 30 năm, tóc đã phai màu.
Mừng vui trước những đổi thay tốt đẹp của quê hương nhưng mỗi bận về thăm trong mùa Vu lan tháng 7 âm lịch, khi sông Hậu bắt đầu đục ngầu, báo hiệu bà thủy sắp nổi giận, hay tháng 9 tụi nhỏ rạo rực tựu trường, tôi lại nhớ những ngày đi học mùa nước nổi quá chừng. Nhớ thời gian khó để thêm trân quý những gì đang có hôm nay.
Hết ngập nước nhờ đê bao
30 năm hay 300 năm, cái cù lao vẫn ở giữa sông, nhưng thay cho những bờ cơi, bờ đê tháng 5 tháng 6 cả làng xúm nhau gia cố bằng thủ công, người đào kẻ đắp ngày nào, giờ là hệ thống đê bao tả hữu được nhà nước đầu tư hàng chục tỉ đồng tạo nên bức tường thành vững chắc khép kín cù lao, lại được bồi thêm hằng năm bằng cơ giới nên tháng 7 âm lịch nước chỉ chập chững chân đê. Chẳng còn cảnh vỡ bờ cả làng trắng xóa... Cùng với điện - đường - trường - trạm, bộ mặt làng quê và cuộc sống người dân quê tôi đã có biết bao thay đổi.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)