Sáng ngày 8-11, bà Phạm Thị Việt Nga, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cùng với các phòng, ban của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã tới Di tích lịch sử quốc gia chùa Quan Thánh (phường An Hưng, TP Thanh Hóa) để kiểm tra, làm rõ thông tin danh thắng quốc gia này đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng thời gian qua.
Chùa Quan Thánh trên núi Nhồi nằm trong Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia năm 1992
Ghi nhận tại hiện trường cho thấy có hơn 10 bài văn, thơ tạc trên vách đá, hình khắc tượng người, các linh vật (voi, ngựa) trên vách đá tại chùa Quan Thánh đã bị tô sơn mới, lòe loẹt đủ sắc màu, làm thay đổi yếu tố gốc vốn có của di tích.
Việc xâm hại di tích này còn rất nghiêm trọng khi một văn bia ghi chữ nho đã bị khoan, đục lỗ làm hư hỏng 2 chữ trong văn bia.
Di tích quốc gia Di tích lịch sử quốc gia chùa Quan Thánh hiện đã bị tô sơn mới làm biến dạng yếu tố gốc
Đáng nói, rất nhiều ký tự chữ cổ trên vách đã đã được tô vẽ lại, trong đó có nhiều ký tự chữ nho đã bị vẽ sai, dẫn đến việc không thể dịch thuật đúng nghĩa của những bài văn, bài thơ.
Kiểm tra thực tế tại đây, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa) cho biết việc tô vẽ lại các bài thơ, văn trên bia đã là vi phạm rất nghiêm trọng, không những làm thay đổi yếu tố gốc mà khiến cho việc dịch thuật ra chữ quốc ngữ cũng khó khăn, dẫn tới méo mó không đúng với các bài thơ, văn gốc vốn có.
Chữ "thần" đã được tô sơn mới, không còn vẻ cổ kính rêu phong vốn có đã tồn tại hàng trăm năm qua
Dấu tích khoan làm biến dạng 2 chữ cổ trên vách đá
Di tích quốc gia chùa Quan Thánh bị tô sơn mới, làm biến đổi yếu tố gốc nhưng điều lạ là chính quyền địa phương (được UBND TP Thanh Hóa giao quản lý trực tiếp chùa Quan Thánh) lại không hề hay biết.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Đình Lợi, Phó chủ tịch UBND phường An Hưng, Trưởng Ban quản lý di tích phường An Hưng, thừa nhận có việc các bài thơ, chữ, hình tượng người và các linh vật bị tô sơn mới. Tuy nhiên, ông Lợi nói không biết sự việc diễn ra từ bao giờ mà chỉ cho biết chung chung "đã diễn ra nhiều năm trước".
Tượng người, linh vật và các bài thơ, văn khắc trên đá đã được sơn mới, viết lại chữ
"Chúng tôi thường xuyên kiểm tra và biết việc tô sơn mới này có lâu rồi, thế nhưng anh em bộ phận văn hóa cứ nghĩ đơn giản nên không làm báo cáo. Chiều nay 8-11 chúng tôi sẽ cho họp Ban quản lý di tích và cho mời người trông coi (bà Lê Thị Thịnh, người địa phương) tới làm việc. Hiện vẫn chưa biết ai là người tô sơn việc này, có thể họ làm trộm vào buổi chiều, buổi tối" - ông Lợi thông tin.
Bà Phạm Thị Việt Nga, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Thanh Hóa, cho biết đối với việc làm biến dạng chữ viết khắc trên đá ở chùa Quan Thánh, khi phát hiện sự việc, UBND TP đã có kiểm tra ngay lập tức, yêu cầu Chủ tịch UBND phường An Hưng báo cáo, giải trình chi tiết việc để cho tô sơn mới di tích khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, vì đây là di tích quốc gia.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, kiểm tra thực tế và đánh giá việc tô sơn mới, viết lại chữ trên vách đá đã làm biến dạng yếu tố gốc
"Tự viết lại các chữ trên bia đá mà không được các cơ quan chuyên môn thẩm định, cho phép là việc làm xâm hại yếu tố gốc của di tích. Chúng tôi đáng giá đây là sự việc nghiêm trọng nên sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tìm người trực tiếp viết lên các bia đá này và quá trình tổ chức thực hiện phường kiểm tra giám sát đến đâu, có kịp thời báo cáo hay không. Đây là một sự việc hết sức đáng tiếc" - bà Nga nói.
Bà Phạm Thị Việt Nga, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Thanh Hóa (bìa trái) và đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa kiểm tra thực tế di tích sáng ngày 8-11
Chùa Quan Thánh nằm trong Cụm di tích nghệ thuật và thắng cảnh núi An Hoạch (người địa phương quen gọi là núi Nhồi, phường An Hoạch (nay là phường An Hưng, TP Thanh Hóa) đã được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích Quốc gia năm 1992.
Đây là một thắng cảnh đẹp, gắn với nhiều truyền thuyết và có nhiều bài thơ, văn của nhiều "tao nhân mặc khách" xưa khi qua đây các khắc trên vách núi. Trước đây, khu vực này núi non trùng điệp, thanh bình, nhưng hiện cụm di tích này gần như trơ trọi giữa một đại công trường khai thác đá, xẻ đá bao quanh.
Bình luận (0)