Chiều 10-8, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Cụ thể, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án xin ý kiến UBTVQH về các phương án xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (điều 57).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết ngày 23-7, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì làm việc với các cơ quan chức năng về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Tại cuộc họp, các cơ quan tham dự đã thống nhất bổ sung phương án xác lập quyền sở hữu của nhà nước với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc theo thủ tục giải quyết vụ việc, vụ án dân sự tại tòa án để xin ý kiến UBTVQH, Bộ Chính trị và báo cáo QH.
Ngoài 2 phương án: thu thuế thu nhập cá nhân và xử phạt hành chính, nhiều đại biểu QH còn đề nghị xác lập quyền sở hữu của nhà nước (phương án 3) theo thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo Ảnh: TTXVN
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án đề nghị UBTVQH báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến về 2 phương án: thu thuế thu nhập cá nhân và xác lập quyền sở hữu của nhà nước thông qua thủ tục tố tụng dân sự.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này phải do tòa án quyết định. Nếu tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình hợp lý về nguồn gốc với cơ quan kiểm soát tài sản thì đưa vụ việc ra tòa để tòa phán quyết. Tòa thấy nếu hợp lý thì là của người kê khai; còn nếu không hợp lý, không có cơ sở, lúc đó tòa mới quyết thuộc sở hữu của nhà nước.
"Chưa ra tòa mà đã quyết tài sản đó thuộc sở hữu của nhà nước thì căn cứ cơ sở pháp luật nào? Tôi thấy ngay vế đầu ở đoạn 1 trong phương án này là không hợp lý, ai mà chịu?" - Chủ tịch QH đề nghị bỏ cụm từ "thuộc sở hữu nhà nước" trước khi có phán quyết của tòa.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhận xét nếu quy định như báo cáo của Ủy ban Tư pháp, người dân sẽ cảm nhận rằng ngay từ đầu đã công nhận tài sản đó thuộc sở hữu của nhà nước rồi, sẽ cảm thấy không khách quan và cần gì phải tranh tụng nữa.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết các nước phòng, chống tham nhũng tích cực nhưng họ rất coi trọng công cụ thuế. Người ta quản lý chặt chẽ tất cả thu nhập của công dân. "Do đó, về thu nhập, không phân biệt thu nhập đó là hợp pháp hay bất hợp pháp. Cứ là thu nhập thì phải nộp thuế. Còn nếu trốn thuế thì sẽ bị xử phạt; trốn thuế nhiều có khung hình sự" - đại biểu Hiển bày tỏ.
"E không có vụ nào ra tòa"
Phó Ban Nội chính trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng phương án thông qua tố tụng dân sự sẽ khả thi nếu cơ quan quản lý về kê khai tài sản có năng lực thực sự và vị trí độc lập. Nếu tính độc lập của cơ quan quản lý kê khai tài sản như hiện nay, khi luật này ban hành, e sẽ không có vụ nào được đưa ra tòa.
Nếu chọn phương án thứ 2 là đánh thuế, ông Học cho biết không ủng hộ vì nếu đánh thuế là đã thừa nhận tài sản không giải trình được nguồn gốc là hợp pháp. Do đó, đại biểu này chọn phương án xử phạt hành chính, vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật vừa có thể xử phạt bằng với mức phạt thuế là 45%.
Bình luận (0)