Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành Tổ chức xây dựng Đảng ngày 19-1, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá trong toàn bộ hệ thống các cơ quan tham mưu của Đảng thì Ban Tổ chức Trung ương và Ban tổ chức các cấp có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng.
Theo Tổng Bí thư, trong thời gian qua, Ban Tổ chức Trung ương và các cấp đã khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự sau Đại hội XII, tham mưu phân công công tác đối với các Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; tham mưu để Bộ Chính trị, Ban Bí thư điều động, phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Đặc biệt, toàn ngành đã tham mưu để Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bộ Chính trị, Ban Bí thư trên cơ sở tham mưu của ngành tổ chức đã ban hành nhiều quy định, quy chế trong công tác xây dựng Đảng, góp phần chỉnh đốn Đảng trên tinh thần lấy "xây" là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, lấy "chống" là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.
Tiếp tục tham mưu, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, XII, bước đầu đã có sự chuyển biến ngày càng rõ nét của các cấp, các ngành trong đấu tranh phòng, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự hội nghị - Ảnh: Thành Văn
"Hai năm qua và đặc biệt là năm 2017, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra, góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng, đóng góp có hiệu quả vào thành tựu chung của đất nước" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bên cạnh những thành tích đã đạt được, ngành Tổ chức Xây dựng Đảng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục. Cụ thể, vẫn còn một số cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp uỷ chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng Đảng; vai trò nêu gương, phê bình và tự phê bình còn chưa cao, cá biệt có nơi vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, vi phạm các nguyên tắc bảo vệ chính trị nội bộ... Chính vì những khuyết điểm này nên tình hình vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, đáng báo động.
Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp giữa các bộ, ngành. Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn bất cập. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước rất lớn; dẫn đến chi thường xuyên ngày càng tăng, chiếm tỉ trọng cao trong tổng chi ngân sách Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả.
"Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?... Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào?"- Tổng Bí thư đặt câu hỏi.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua kết quả công tác tham mưu của ngành Tổ chức xây dựng Đảng cho thấy công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về xây dựng Đảng chưa được chú trọng đúng mức; chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ chưa đồng đều, còn hạn chế; chất lượng nắm tình hình, năng lực nghiên cứu, dự báo và sự tích cực, chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất còn chưa cao...
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư lưu ý toàn ngành Tổ chức Xây dựng Đảng tích cực, chủ động chuẩn bị nội dung trình các Hội nghị Trung ương sắp tới, mà trước mắt là Đề án "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" để trình Hội nghị Trung ương 7.
Ngoài nhiệm vụ trọng tâm này, ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần bắt tay vào chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 với quan điểm kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Khắc phục những hạn chế, bất cập và phù hợp với dự báo phát triển trong tương lai của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư nhấn mạnh việc kiểm điểm, đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ phải tiến hành một cách nghiêm túc, dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ và trung thực, thực sự là cơ hội quý để chia sẻ, học tập lẫn nhau, là một dịp tổng duyệt lại đội ngũ.
Đồng thời, chủ động tham mưu xây dựng Quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt, thường vụ cấp uỷ, ban chấp hành các cấp, nhất là quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng và những nhiệm kỳ tiếp theo để có thể lựa chọn được các đồng chí xứng đáng nhất, thực sự có đức, có tài, trong đó lấy đức làm gốc.
Tổng Bí thư yêu cầu ngành chú trọng đến công tác cán bộ thường xuyên; đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy trình, quy định, quy chế liên quan đến công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ một cách dân chủ, công khai, minh bạch. Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tổ chức, cán bộ. Thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế; hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao nhiệm vụ cho toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải khẩn trương củng cố, kiện toàn bộ máy hoạt động của mình một cách tinh gọn, phù hợp; đồng thời, gắn với tinh giản biên chế, xây dựng cơ chế vận hành hiệu lực, hiệu quả; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng tổ chức, cơ quan; cái gì chưa phù hợp thì phải kịp thời thay đổi, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện.
"Chúng ta phải có dũng khí, dám thẳng thắn bảo vệ cái đúng, kiên quyết can ngăn cái sai, chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen nào không trong sáng. Kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ"- Tổng Bí thư chỉ đạo.
Bình luận (0)