Từ 0 giờ ngày 1-4, cuộc tổng điều tra dân số (TĐTDS) và nhà ở với quy mô toàn quốc đã chính thức bắt đầu, với sự tham gia của hơn 122.000 điều tra viên. Quy mô của cuộc điều tra rất lớn, ước tính lên tới 94 triệu người với trên 26 triệu hộ.
Lợi ích sát sườn người dân
Sáng 1-4, tại TP Hà Nội, Ban Chỉ đạo TĐTDS và nhà ở trung ương đã tổ chức lễ ra quân với sự tham gia của hơn 122.000 điều tra viên, tiến hành thu thập thông tin của trên 94 triệu người tại 26 triệu hộ dân, với khoảng 217.600 địa bàn điều tra khắp cả nước, gồm cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bãi ngang ven biển...
Đây là cuộc TĐTDS và nhà ở lần thứ 5 kể từ cuộc điều tra đầu tiên năm 1979, có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TĐTDS nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ. Kết quả của cuộc TĐTDS sẽ là căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 2011 - 2020; đồng thời là cơ sở để Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2030…
Cũng theo ông Lâm, TĐTDS và nhà ở năm 2019 sẽ thu thập thông tin trên 2 nhóm phiếu: phiếu điều tra toàn bộ và phiếu điều tra mẫu. Khoảng 90% các hộ được điều tra sẽ trả lời 22 câu hỏi về các nội dung liên quan đến dân số như: di cư; trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật; khuyết tật; hôn nhân; mức độ sinh, chết và phát triển dân số; đăng ký khai sinh của trẻ em; lao động - việc làm; nhà ở; điều kiện sinh hoạt cơ bản của hộ dân cư... Nhóm phiếu điều tra chọn mẫu phức tạp hơn và mẫu được tiến hành trên 10% dân số cả nước, với 65 câu hỏi. Ngoài các câu có trong phiếu điều tra toàn bộ, còn có thêm các nhóm thông tin khá nhạy cảm liên quan đến dân số; lịch sử sinh của nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi; thông tin về người chết; thông tin về nhà ở…
Thời gian thu thập thông tin của cuộc tổng điều tra là 25 ngày, bắt đầu từ 1-4. Kết quả sơ bộ được công bố vào tháng 7-2019, kết quả điều tra mẫu được công bố vào quý IV/2019, kết quả điều tra toàn bộ được công bố vào quý II/2020.
Thay đổi nhiều chính sách quan trọng
Nhận định về tình hình biến động dân số và nhà ở toàn quốc trong 10 năm qua, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho rằng: "Năm 2009, dân số nước ta là 85,8 triệu người. Đến năm 2019, dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 10 triệu người. Cách đây 10 năm, 22 triệu hộ có nhà ở, trong đó 40% (hơn 10 triệu hộ) sống trong nhà kiên cố, khoảng 5% (1,6 triệu hộ) sống trong nhà tạm bợ. Với điều kiện kinh tế, đời sống thay đổi liên tục trong một thập kỷ qua, tỉ lệ người có nhà ở kiên cố sẽ tăng lên, thay đổi rất nhiều sau cuộc điều tra" - ông Tân kỳ vọng. Theo ông Tân, việc TĐTDS và nhà ở là cơ hội để tất cả người dân đều được tính đến như là một chủ thể của sự phát triển KT-XH, không ai bị bỏ lại phía sau.
Bình luận (0)