Ngày 14-6, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP HCM đã giám sát về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn thành phố và hiệu quả, tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách thành phố đối với một số đơn vị.
Nhiều bất cập cần tháo gỡ
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP HCM, trong tổng số 110 dự án (tổng mức đầu tư hơn 39.000 tỉ đồng) được tiếp nhận từ năm 2019 đến nay, đơn vị đã hoàn thành theo đúng tiến độ 96/110 dự án. Tỉ lệ giải ngân năm 2019 đạt 95%, năm 2020 đạt 95,8% và năm 2021 đạt 97%. Tuy nhiên, có một số dự án vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu hồi, giao đất nên bị kéo dài. Cách thực hiện và quản lý dự án giữa các ban quản lý dự án thuộc các sở cũng khác nhau, sau khi sáp nhập phải mất nhiều thời gian để thống nhất, hoàn thiện quy trình thực hiện.
Bất cập này cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nêu rõ, đó là theo quy định hiện nay, các dự án chuyên ngành được giao về cho sở quản lý chuyên ngành thực hiện những bước đầu hoặc tham gia vào quá trình lập hồ sơ xin điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đã được thông qua. Đây là nhiệm vụ khá nặng nề đối với sở chuyên ngành.
Cụ thể, theo quy định trước đây, một dự án từ giai đoạn khởi điểm đề xuất và quá trình triển khai đều do một đơn vị thực hiện là chủ đầu tư (ban quản lý dự án khu vực quận, huyện, thành phố hoặc Ban Quản lý dự án chuyên ngành thuộc TP HCM) lập, thực hiện từ đầu đến khi quyết toán dự án.
Thế nhưng, theo quy định mới thì giai đoạn đầu của một dự án được giao cho sở chuyên ngành, trong khi chưa cho hướng dẫn cụ thể về chi phí thực hiện, công tác tổ chức phối hợp và công tác quản lý theo dõi nguồn kinh phí. Trong giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025, lĩnh vực GD-ĐT được cấp thẩm quyền thành phố thông qua chủ trương đầu tư đối với 721 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 58.200 tỉ đồng, trong đó có 415 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Trong khi đó, Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) thành phố đang thực hiện 3 dự án chuyển tiếp theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Do khởi công trễ vì dịch Covid-19 nên tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chỉ đạt hơn 91%; còn 5 tháng đầu năm 2022 tỉ lệ giải ngân đạt hơn 71%, phấn đấu cả năm đạt trên 95%. Lực lượng TNXP thành phố kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp nhu cầu bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với dự án xây dựng khu nhà ở tập thể công vụ - Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 và dự án xây dựng khu nhà ở tập thể công vụ - Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, tổng vốn đầu tư gần 78 tỉ đồng.
Buổi giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP HCM về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn thành phố
"Đặt mình vào vị trí người dân"
Đồng tình báo cáo của các đơn vị, đại biểu Ngô Thành Tuấn, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TP HCM, nhìn nhận việc giải ngân vốn đầu tư công thường bị vướng ở khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Do đó, đại biểu Tuấn kiến nghị cần thực hiện giám sát chuyên đề đối với công tác này để tìm ra giải pháp hiệu quả thì các dự án mới đẩy nhanh được tiến độ.
Bên cạnh đó, đại biểu Tuấn lưu ý các chủ đầu tư nên thực hiện ngay từ giữa năm, tránh dồn việc giải ngân vốn vào cuối năm. Thực tế cho thấy đầu năm tỉ lệ giải ngân rất thấp nhưng đến cuối năm "siết" lại thì đa số đạt hơn 90%, gây áp lực cho Kho bạc Nhà nước thành phố. Riêng đối với quy định các dự án chuyên ngành được giao về cho sở chuyên ngành quản lý, đại biểu Tuấn gợi ý các đơn vị liên quan cần đánh giá so với quy trình cũ có ưu điểm gì hoặc khó khăn gì để kiến nghị điều chỉnh.
Đại biểu Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM), cũng cho rằng nên xem lại quy trình, chỗ nào chưa ổn, cách làm đã hợp lý và hiệu quả chưa để "tránh đơn vị thụ hưởng không cảm nhận được gì đối với công trình", tránh lãng phí sử dụng vốn đầu tư công.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP HCM Lê Trương Hải Hiếu thông tin nhu cầu đầu tư của thành phố giai đoạn 2021-2025 gần 700.000 tỉ đồng nhưng trung ương điều tiết chỉ khoảng 142.000 tỉ đồng. Vì vậy, việc xây dựng các tiêu chí để xác định dự án nào cần thực hiện trước, dự án nào sau là cần thiết.
Đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Hiếu nói ở hầu hết dự án đều triển khai chậm. Do đó, ông Hiếu đề nghị phải sớm khắc phục tình trạng này. Cán bộ, công chức cần đặt mình vào vị trí người dân để đẩy nhanh việc giải quyết kiến nghị, nguyện vọng của người dân...
"Nợ" 193 tỉ đồng đầu tư bệnh viện dã chiến
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố, cho biết trong đợt dịch Covid-19, theo lệnh khẩn cấp của UBND TP HCM, ban được giao làm chủ đầu tư 56 dự án xây dựng bệnh viện dã chiến trên toàn thành phố với tổng chi phí sơ bộ là 283 tỉ đồng. Hầu hết bệnh viện xây trên chung cư, trường học... nên chi phí chủ yếu là lắp đặt đường ống thở, máy móc, thiết bị, thuê bồn ôxy. Riêng giường bệnh do ngành y tế phụ trách. Đến nay, Kho bạc Nhà nước đã thanh toán được hơn 90 tỉ trong tổng số 283 tỉ đồng, chiếm khoảng 32%, còn nợ doanh nghiệp 193 tỉ đồng do chưa được bố trí vốn.
Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp thành phố đã hoàn tất hồ sơ 56 dự án trình Sở Xây dựng để báo cáo UBND thành phố, kiến nghị HĐND thành phố trong kỳ họp sắp tới nhằm ghi vốn thanh toán cho doanh nghiệp.
Bình luận (0)