Nếu quý III năm ngoái, kinh tế thành phố suy giảm gần 25% thì đến quý IV năm ngoái vẫn còn suy giảm 12%. Vì vậy, thời điểm ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, Chủ tịch UBND TP HCM đã có một cam kết rất quan trọng với cộng đồng doanh nhân để tạo niềm tin, là chính quyền đồng hành và thi đua với doanh nghiệp trong cung cấp dịch vụ công, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Từ đó cùng nhau đẩy mạnh tiến trình phục hồi và phát triển.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Dần 2022 thu hút đông đảo người dân TP HCM và du khách - Ảnh: ĐÔNG GIANG
Cùng với quyết tâm này, TP HCM cũng ban hành Chương trình phục hồi và phát triển bền vững cho giai đoạn 2022-2025, thực hiện ngay từ đầu năm 2022. TP HCM cũng đưa ra một quyết tâm quan trọng khác, là dù khó khăn đến đâu, mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phải đạt những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đã đặt ra. Điều này có nghĩa, thành phố phải chạy đua với thời gian để bù đắp 2 năm suy giảm kinh tế 2020 khi tốc độ tăng GRDP chỉ 1,4% và năm 2021 con số này là suy giảm 6,74%. Trong 4 năm còn lại, để đạt những mục tiêu đã đề ra, cuộc chạy đua về thời gian là rất lớn. Năm nay, kinh tế thành phố nếu đạt mức 6,5% thì xét về số tuyệt đối cũng chỉ tương đương năm 2019.
Chương trình phục hồi và phát triển bền vững TP HCM đang sử dụng 3 công cụ quan trọng, mang ý nghĩa đòn bẩy. Đầu tiên là nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế để hấp thụ nguồn vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Hiện có thuận lợi là Quốc hội đã ban hành một luật sửa 9 luật liên quan đến tất cả đời sống kinh tế; gói hỗ trợ tín dụng và tài khóa được Quốc hội thông qua tạo điều kiện cho thành phố thực hiện nhiệm vụ đề ra trong chương trình phục hồi. Trong năm nay, việc tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho TP HCM cũng được đặt ra đồng thời với việc triển khai các nội hàm của mô hình chính quyền đô thị...
Thứ hai, tăng cường đầu tư công, khắc phục những bất cập của hạ tầng kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông, chính quyền TP HCM vừa trình Chính phủ dự án đường Vành đai 3 nhằm tháo gỡ vấn đề phát triển vùng lâu nay bị nghẽn. Tập trung xây dựng nút giao thông An Phú, xử lý điểm nghẽn cho hạ tầng giao thông vào cảng Cát Lái trên đường Mai Chí Thọ, tập trung nối đường Vành đai 2 với các tuyến còn lại, giải bài toán giao thông kết nối thông suốt với các tỉnh, thành lân cận trong vùng, đặc biệt gắn với hệ thống cảng biển số 5 trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sử dụng đầu tư công cũng giải quyết những vấn đề về xã hội, an sinh xã hội đô thị, vừa giải quyết bài toán về đô thị vừa lan tỏa, kích thích tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, TP HCM đang triển khai Nghị quyết của Quốc hội về 2 gói hỗ trợ để phục hồi, tạo chuyển biến tốt nhất cho những doanh nghiệp đang làm tốt để họ tái cơ cấu, bứt phá cao hơn trong thời gian tới. Hỗ trợ doanh nghiệp đang khó khăn về dòng vốn, dòng tiền qua công cụ về tín dụng, thuế, phí… Cuối cùng, xử lý đồng bộ bài toán về an sinh xã hội.
Như vậy, trong tổng thể các chương trình phục hồi đi trên "ba chân" rất rõ, với mục tiêu trong 4 năm còn lại có thể bù đắp những mất mát trong 2 năm qua. Đặc biệt, hướng tới mục tiêu phát triển chung của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện vai trò điều phối chung về phát triển cả vùng, trước mắt là giao thông kết nối vùng như Chính phủ đã phân công.
Bình luận (0)