Tết đến xuân về là dịp mà ai cũng háo hức mong chờ, nhất là trẻ thơ. Còn gì hạnh phúc bằng giây phút đoàn viên sum vầy bên gia đình. Thế nhưng, với nhiều bạn nhỏ, mùa xuân này đã hoàn toàn khác những năm trước, khi người thân yêu của các em đã vĩnh viễn không còn nữa.
Người ra đi để lại khoảng trống vô bờ, người ở lại phải gắng gượng bước tiếp. Khi đó, sự lan tỏa ân tình và sẻ chia với những tâm hồn tổn thương chưa bao giờ là vô ích.
Chị Lê Thị Thúy Hằng thay chồng nuôi dạy 2 con Ảnh: Quốc Thắng
Chương trình "Tình thương cho em" do Báo Người Lao Ðộng tổ chức đã và đang thực hiện điều ấy, trở thành nhịp cầu nối những tấm lòng vàng đến với bao em thơ vừa trải qua biến cố cuộc đời. Ðể mùa xuân này, dẫu thiếu vắng hơi ấm mẹ cha, các em cũng vơi đi nỗi đơn độc bơ vơ.
Trong vòng chưa đầy một tháng, 3 người yêu quý nhất của em Ð.G.H (phường 14, quận Gò Vấp, TP HCM) là ông bà ngoại và mẹ đã lần lượt ra đi. Ngày "Tình thương cho em" đến với H. vào tháng 10-2021, đôi mắt thăm thẳm buồn của cậu học sinh lớp 11 là ấn tượng khiến hầu hết thành viên trong đoàn đều cảm thấy khó quên và xót xa.
Cha mẹ chia tay khi Ð.G.H còn rất nhỏ. Ông bà ngoại và mẹ đã dành những điều tốt đẹp nhất để H. không thua sút bạn bè. Những tưởng cậu bé hiền ngoan sẽ được trưởng thành trong vòng tay những người thân thương nhưng mái ấm bất ngờ vỡ tan khi Covid-19 tấn công. Phần học bổng và những lời thăm hỏi động viên ân cần từ "Tình thương cho em" đã đến với H. rất kịp lúc, khi em đang bị ám ảnh nặng nề vì mất mát.
May mắn là Ð.G.H còn có dì dượng hết lòng cưu mang, xem em như con ruột sau bước ngoặt u ám ấy. Trở lại thăm H. và trò chuyện với ông Trần Thế Hùng, tôi thấy ấm lòng bởi sự chăm sóc, bù đắp mà gia đình người dượng này dành cho em.
Nhớ về món quà nghĩa tình của "Tình thương cho em", ông Hùng bày tỏ sự cảm kích và cho rằng đó là sự hỗ trợ quý báu mà gia đình ông rất trân trọng. Nụ cười đã dần trở lại trên gương mặt cậu thiếu niên, dẫu còn ít ỏi. Ông Hùng quả quyết vợ chồng ông sẽ nỗ lực nuôi dưỡng H. nên người.
Với chị Nguyễn Thị Hồng Diễm (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM), cơn ác mộng Covid-19 thật khó nguôi ngoai. Chồng qua đời khi anh chị vừa kỷ niệm ngày cưới. Người mẹ trẻ gồng mình nuôi 2 con nhỏ dại. Nhiều khi mỏi mệt, buồn tủi chỉ muốn buông xuôi, nghĩ đến con đang tuổi "ăn chưa no lo chưa tới", chị lại tự nhủ phải mạnh mẽ vượt qua.
Chị Diễm bộc bạch: "Nhờ "Tình thương cho em", tôi như được tiếp thêm động lực trong hành trình sắp tới, khi vừa làm mẹ vừa làm cha. Tôi biết mình không đơn độc và những hoàn cảnh yếu thế như mẹ con tôi sẽ không bị lãng quên".
Ðại dịch đã khiến bao trẻ em mất đi chỗ dựa quan trọng nhất trong đời. Nhiều đứa trẻ thơ ngây, hồn nhiên còn chưa nhận thức sự chia lìa mãi mãi là như thế nào. Với P.G.B (6 tuổi) và anh trai là P.G.H (9 tuổi) ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM, cha các bé đang phải đi bệnh viện nên vắng nhà.
Cùng mắc Covid-19 hơn 2 tháng trước, chồng chị Phạm Thị Hồng Liên đã trở nặng và không qua khỏi ngay khi chị còn cách ly ở nơi khác. Gia đình muốn chị an tâm điều trị nên đành giấu tin dữ. Hôm trở về, chị bàng hoàng ngã quỵ khi thấy di ảnh chồng.
Chồng chị Liên vốn là kỹ sư, trụ cột kinh tế trong nhà. Anh mất đi đột ngột khiến chị chới với, không còn tha thiết gì với cuộc sống. Hai con ngày ngày đều đặn thắp nhang để mong cha sớm về ăn Tết. Mỗi lần nghe bé B. hỏi: "Con đã thắp hết bó nhang, sao ba chưa về?", lòng chị quặn đau như có ai xát muối nhưng phải cố nén tiếng khóc chực chờ vỡ òa.
Món quà từ "Tình thương cho em" là sự khích lệ kịp thời, xoa dịu nỗi đau sâu sắc trong lòng người phụ nữ nhỏ bé này. Chị Liên thổ lộ: "Tôi thật lòng tri ân tình cảm của các nhà hảo tâm. Ðó là sự an ủi tinh thần, như thể bàn tay chìa ra đúng lúc vực tôi dậy, nhắc tôi ráng vượt lên để nuôi dạy các con".
Tết này, gia đình chị Liên vắng bóng người chồng, người cha gương mẫu, hết lòng vì vợ con. Nhưng chị biết mình phải bản lĩnh, nghị lực để vượt qua giai đoạn đầy thử thách này, vì các con và cũng vì không muốn phụ lòng những ai đã quan tâm, san sẻ khó khăn.
Ðã gần 5 tháng trôi qua từ ngày chồng về thế giới bên kia, khoảnh khắc đớn đau ấy vẫn in hằn trong tâm trí chị Lê Thị Thúy Hằng. Anh là nhân viên kinh doanh ở một công ty tại quận Phú Nhuận, TP HCM. Khi dịch bệnh bùng phát, 3 mẹ con chị đều mắc Covid-19 rồi hồi phục. Sau đó, đến lượt chồng chị nhiễm bệnh và không may qua đời.
Nội ngoại hai bên đều già yếu và ở quê xa, một mình chị Hằng xoay xở làm việc kiếm tiền và nuôi nấng, dạy dỗ 2 con. Áp lực đè nặng sau cú sốc quá lớn khiến chị không muốn tin vào thực tại. Song, chị cố gắng giấu kín nỗi đau để các con không lo lắng thêm.
Trong những ngày chới với đối diện bao khốn khó, tin 2 con được nhận học bổng từ "Tình thương cho em" khiến chị Hằng vô cùng xúc động. Chị bày tỏ: "Các con ăn học nên người là tâm nguyện của vợ chồng tôi. Phần quà từ chương trình, tôi sẽ chắt chiu để trang trải chuyện học hành cho con chứ không dùng vào chuyện gì khác".
Ðại dịch Covid-19 đã khiến bao trẻ thơ lâm cảnh mồ côi. Với tấm lòng nhân ái, sẻ chia, nhiều cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đã chung tay đồng hành cùng "Tình thương cho em" nhằm bù đắp phần nào thiệt thòi và mong các em có một tương lai tươi sáng.
"Tình thương cho em" không phải là phép mầu, ngày một ngày hai có thể thay đổi số phận các em. Song, ánh lửa thắm đượm tình người tỏa lan từ chương trình đã phần nào làm vơi bớt đau thương, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin, để trẻ mồ côi vì Covid-19 biết bên các em luôn có chúng ta, giúp các em nuôi dưỡng hy vọng, vững tin vào tương lai.
Bình luận (0)