xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM chuyển nhanh tiền hỗ trợ đến tay người dân

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nhiều địa phương ở TP HCM đang làm ngày, làm đêm để kịp trao tiền hỗ trợ đến tay người khó khăn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất

Chiều 9-8, vừa hỏi thăm tiến độ giải ngân gói hỗ trợ đợt 2 cho người khó khăn, ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, đã nói đây là vấn đề được quận quan tâm đặc biệt. "Ngay sau khi UBND TP HCM phê duyệt gói hỗ trợ đợt 2, quận lập tức lên kế hoạch để có thể chuyển tiền nhanh nhất đến những người được thụ hưởng" - ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết.

Tăng tốc tối đa

Theo chủ tịch UBND quận Bình Tân, đến nay địa phương đã thống kê xong và tiến hành trao tiền cho nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo. Riêng việc thống kê số lượng người lưu trú, công nhân gặp khó khăn, những ngày này, quận Bình Tân lập nhiều tổ công tác, chia thành từng nhóm nhỏ gõ cửa từng nhà, từng khu trọ để thống kê và chi tiền hỗ trợ. "Nhờ xác định rõ ngay từ đầu nên công tác chi hỗ trợ cho người gặp khó khăn được đẩy nhanh tối đa. Tính đến chiều 9-8, hơn 90% người dân đã nhận tiền hỗ trợ đợt 2" - chủ tịch UBND quận Bình Tân thông tin. Ông nói thêm vừa chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng hoàn thành chi hỗ trợ và nắm bắt thêm thông tin những trường hợp khó khăn khác (không nằm trong nhóm hỗ trợ đợt này - PV) để quận tính toán hỗ trợ với phương châm không để ai thiếu đói do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tương tự, ngay từ sáng 7-8, phường 6 và 14, quận Tân Bình đã tổ chức trao tiền và quà cho các nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp theo quy định của gói hỗ trợ đợt 2. Cùng ngày, nhiều phường trên địa bàn quận đã gấp rút thực hiện kế hoạch hỗ trợ.

Ðại diện UBND quận Tân Bình cho biết dự toán kinh phí hỗ trợ đợt 2 cho các nhóm đối tượng này là hơn 45,3 tỉ đồng. Trong đó, dự toán hỗ trợ cho người lao động tự do hơn 28,1 tỉ đồng (hơn 18.000 người), hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do dịch bệnh hơn 4,3 tỉ đồng (hơn 2.900 hộ) và dự toán kinh phí hỗ trợ hộ lao động nghèo gặp khó khăn do dịch bệnh hơn 12,9 tỉ đồng (hơn 8.600 hộ).

Cũng theo đại diện UBND quận Tân Bình, do tình hình giãn cách xã hội hiện tại nên công tác giải ngân gặp nhiều khó khăn nhưng không phải vì thế mà chậm trễ. Để đẩy nhanh tiến độ, đưa tiền kịp đến với người khó khăn, hầu hết các phường trên địa bàn quận đều cử các tổ công tác "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để trao tiền và quà thay vì mời người dân đến trụ sở nhận. "Việc trao tặng sẽ được tổ chức theo đặc thù từng phường, các phường sẽ tổ chức đưa tiền và quà đến tận tay người khó khăn cả ngày lẫn đêm để người dân gặp khó khăn được giúp đỡ kịp thời nhất" - đại diện UBND quận Tân Bình khẳng định.

Ở phường Ðông Hưng Thuận, quận 12, thiếu tá Nguyễn Ngọc Ðặng, cảnh sát khu vực, cho biết nhiều người đang rất cần tiền nên địa phương đã gấp rút lập danh sách để họ nhận được trợ cấp theo chính sách. Bên cạnh phần hỗ trợ theo quy định thì UBND, Công an phường cũng vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những người bị mất thu nhập, người già, người khuyết tật trên địa bàn.

Nói về việc chi hỗ trợ đợt 2, ông Lê Ðình Thịnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - cho biết ngay khi UBND TP phê duyệt, xã phân công nhiều cán bộ làm việc ngày đêm, cùng ban nhân dân các ấp rà soát, lên danh sách thống kê gửi về UBND huyện. "Dù nhiều người dân về quê tránh dịch, cũng như danh sách phải cập nhật thêm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ lao động nghèo sống trong khu phong tỏa, khu cách ly… nhưng với quyết tâm cao, xã đã làm xong danh sách và đã trình lên huyện" - ông Thịnh thông tin. Ông nói người dân đang chờ thì cán bộ không có lý do gì không làm mọi việc để phục vụ.

Hình ảnh cán bộ tất bật hoàn thiện thống kê, tiến hành chi hỗ trợ cho người khó khăn như đã nêu trên đang diễn ra khắp các phường - xã trên địa bàn TP HCM. Liên hệ đến đâu, chúng tôi cũng nghe được câu trả lời: Ðang tập trung tối đa để chi tiền cho người dân một cách nhanh nhất.

TP HCM chuyển nhanh tiền hỗ trợ đến tay người dân - Ảnh 1.

UBND quận Bình Tân, TP HCM chi tiền hỗ trợ cho người gặp khó khăn trên địa bàn. Ảnh: BÁCH HỢP

Hơn cả kỳ vọng

Ðược nhận trợ cấp trong gói hỗ trợ đợt 1 với số tiền 1,5 triệu đồng vào giữa tháng 7, bà Lương Thị Sú (62 tuổi, mua ve chai; xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) cho biết nhờ số tiền đó gia đình bà đã vượt qua phần nào khó khăn. "Nay được thông báo nhận tiền hỗ trợ đợt 2, tôi không biết nói gì hơn ngoài việc chỉ mong xong đợt hỗ trợ này, thành phố sẽ khống chế được dịch bệnh. Hết dịch, tôi sẽ căng sức đi làm để không "làm phiền" đến thành phố nữa" - bà Sú xúc động nói. Tương tự, bà Nguyễn Thị Út (60 tuổi, xã Bà Ðiểm, bán vé số) từng nhận gói hỗ trợ đợt 1 cũng cho hay biết tin được nhận hỗ trợ đợt 2 đã không khỏi xúc động. "Nói thật, cái tình của thành phố đối với người khó khăn đã vượt qua khỏi kỳ vọng của bản thân tôi và nhiều người" - bà Út tâm sự.

Sáng 9-8, tại trụ sở UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, ông Nguyễn Văn Tính cầm thư mời đến phường để nhận gói hỗ trợ đợt 2. Cầm trên tay số tiền 1,5 triệu đồng ông cho biết khá bất ngờ về số tiền này. Từ quê lên TP HCM làm nghề bán hủ tiếu gõ chỉ về đây ở hơn nửa năm, do bận rộn nên chưa đăng ký tạm trú thế nhưng vẫn được gọi tên nhận tiền. Ra về, ông Tính còn được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường tặng thêm túi thực phẩm trong đó có rau xanh. "Nghĩa tình này tôi không bao giờ quên" - ông Tính chia sẻ trước khi lên xe máy trở về nhà trọ.

Trong khi đó, không kịp để chúng tôi hỏi, anh Nguyễn Văn Tèo (cũng tạm trú phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) đã vội khoe số tiền 1,5 triệu đồng vừa nhận. "Ðợt này, tôi sẽ mua thịt heo, hột vịt, mấy con cá ngừ để kho, trữ ăn dần" - anh Tèo cho biết. Theo anh, đối với nhiều người, số tiền 1,5 triệu đồng không lớn nhưng với anh và bà xã thì lại vô cùng quý giá, bởi cả tháng qua cả hai phải ở nhà để thực hiện nghiêm giãn cách xã hội nên không có đồng ra đồng vào.

Theo UBND phường Bình Hưng Hòa B, ông Tính, anh Hòa là những người cuối cùng trong danh sách nhận hỗ trợ và địa phương đã hoàn thành 100% việc trao tiền. Tổng số người khó khăn được nhận tại phường này là hơn 850 người. Tương tự, phường Tân Tạo cũng trao tiền cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và 1.746 lao động khó khăn.

Trong đợt dịch vừa qua, gia đình chị Nguyễn Thu Thủy (SN 1989; ngụ phường Ðông Hưng Thuận, quận 12) thực sự rơi vào khó khăn. Vợ chồng chị vay mượn gia đình mở quán cơm trong một con hẻm ở chợ Cây Sộp. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng qua, gia đình chị Thủy gần như kiệt quệ vì quán đóng cửa, thu nhập không có và phát sinh nhiều chi phí. Mặc dù chủ nhà đã đồng ý giảm cho chị 1 tháng tiền thuê mặt bằng nhưng không biết khi nào tình hình mới ổn định nên vợ chồng chị quyết định chấm dứt hợp đồng và chủ nhà thương tình trả lại 2 tháng tiền cọc.

Ngồi nhà bó gối, vợ chồng chị Thủy còn phải lo cho 2 con còn nhỏ và phụ mẹ nuôi cha bị tai biến ở quê nên khó khăn chồng chất. Mới đây, chị có tên trong danh sách được nhận 1,5 triệu đồng cùng một phần quà 500.000 đồng từ chính quyền mà rưng rưng nước mắt. "Tôi không biết nói gì hơn ngoài việc cảm ơn sự quan tâm của nhà nước. Trong lúc khó khăn này, tôi trân quý từng đồng, mong sao dịch bệnh sớm chấm dứt để vợ chồng tôi còn tìm kế sinh nhai, không phải làm phiền đến nhà nước" - chị Thủy nói. 

Ðể việc hỗ trợ đợt 2 đến đúng đối tượng, UBND TP HCM yêu cầu việc chi cho 3 nhóm đối tượng phải thực hiện theo nguyên tắc không trùng lắp, không bỏ sót. Việc chi hỗ trợ phải hoàn tất trước ngày 10-8, với tổng số tiền hơn 900 tỉ đồng.

Nghệ An cũng bắt đầu hỗ trợ lao động tự do

Ngày 9-8, Thường trực HÐND tỉnh Nghệ An đã thống nhất chủ trương cho phép UBND tỉnh ban hành quyết định "Quy định chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh".

Theo đó, người lao động làm các công việc sau sẽ được hỗ trợ, gồm: người thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ, môtô 2 bánh, xích lô, ba gác, xe đẩy tại các chợ, nhà ga, cảng sông, cảng biển, cảng hàng không, bến xe; thợ hồ, thợ xây; xe ôm, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; bán báo lưu động, đánh giày; bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; phụ xe ôtô chở khách. Ngoài ra, người làm công việc thuộc một số dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, bao gồm: quán bar, karaoke, vũ trường, xông hơi, mát-xa, spa, phòng tập gym, yoga, bi-a, dịch vụ trò chơi điện tử, điểm truy cập internet.

Dự kiến, mức hỗ trợ là 50.000 đồng/ngày/người nhưng không quá 1,5 triệu đồng/người/lần hỗ trợ.

Ð.Ngọc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo