Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho thấy số ca nhiễm trung bình theo ngày trên địa bàn TP HCM cao nhất vào tuần lễ từ ngày 23 đến 29-7 với 4.916 trường hợp và giảm dần vào các tuần kế tiếp từ ngày 13 đến 17-8 với 3.837 trường hợp.
Số ca F0 trong cộng đồng ngày 16-8 (chiếm 53% so với tổng số ca mắc) cao hơn số ca F0 trong khu phong tỏa (chiếm 41%). Đến ngày 17-8, số ca F0 tại cộng đồng tiếp tục tăng lên từ 53% - 72% tổng số ca mắc. Đây là lần đầu tiên số ca trong cộng đồng tại thành phố cao hơn số ca đã được cách ly kể từ ngày 9-7.
Bác sĩ Trạm cấp cứu dã chiến 115, huyện Bình Chánh, TP HCM đang hướng dẫn người nhà cách chăm sóc F0 tại nhà. Ảnh: Huế Xuân
Lý giải về nguyên nhân số ca F0 trong cộng đồng tăng, PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y Dược TP HCM, cho biết có 2 lý do, từ việc tiếp nhận F0 và do không xét nghiệm những người F0 không đầy đủ.
Giải thích về việc vì sao thành phố ngưng xét nghiệm cộng đồng, theo BS Dũng, không phải tự nhiên ngưng mà do F0 lây lan cộng đồng nhiều, bệnh viện quá tải. Những bệnh nhân vào các cơ sở y tế là có triệu chứng, người lớn tuổi, có bệnh nền... cần phải thở ôxy. Nhóm người này thường phải có hệ thống y tế chăm sóc, có sự hỗ trợ của tình nguyện viên.
Sở Y tế cho biết với nhiều giải pháp can thiệp đồng bộ sớm được triển khai trong giai đoạn từ ngày 15-8 đến 15-9, nhất là việc bổ sung thuốc kháng virus dạng uống cho người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ dùng ở tầng 1 (Molnupiravir) và thuốc kháng virus dạng truyền tĩnh mạch cho người bệnh có triệu chứng mức trung bình/nặng ở tầng 2 (Remdesivir), cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, TP HCM sẽ kiểm soát được dịch bệnh.
Để quản lý, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho F0 đang cách ly tại nhà, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức vừa yêu cầu UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện sử dụng "Hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19" và "Hệ thống khai báo y tế điện tử" của TP HCM để theo dõi, cập nhật dữ liệu các trường hợp F0 cách ly tại nhà trên địa bàn và thành lập ngay Tổ phản ứng nhanh tại mỗi phường, xã, thị trấn. Nhiệm vụ của Tổ phản ứng nhanh là theo dõi, cập nhật thường xuyên dữ liệu các trường hợp F0 cách ly tại nhà trên địa bàn; kịp thời phát hiện từ xa (qua điện thoại) người bệnh có triệu chứng nặng cần được hỗ trợ; phối hợp và tiếp nhận thông tin từ mạng lưới Thầy thuốc đồng hành và các tổ chức tình nguyện khác trong xử lý các yêu cầu hỗ trợ tư vấn, chăm sóc y tế từ đối tượng F0 đang cách ly tại nhà...
Bình luận (0)