Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định việc điều trị F0 tại nhà có kiểm soát sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam; giúp người bệnh được tiếp cận y tế một cách nhanh chóng, chủ động, từ đó góp phần giảm tải trong điều trị, giảm tử vong. Trên cơ sở trao đổi và thống nhất với TP HCM, Bộ Y tế và Tập đoàn Vingroup, chương trình thí điểm sẽ triển khai theo mô hình 3 tại chỗ: xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ.
Cụ thể, 3 hoạt động chính là: Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; cung cấp hộp thuốc home-based care (trong đó có thuốc kháng virus Molnupiravir, cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe), đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe cho bệnh nhân; cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan. Việc cung cấp và sử dụng thuốc trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế.
Việc điều trị F0 tại nhà có kiểm soát kỳ vọng giúp người bệnh được tiếp cận y tế nhanh chóng, giảm tải trong điều trị, giảm tử vong
Trước khi triển khai diện rộng, từ ngày 16 đến 22-8, Bộ Y tế sẽ triển khai thí điểm diện hẹp với các bệnh nhân thể nhẹ và vừa để đánh giá, giao Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Phổi Trung ương triển khai. Nếu hiệu quả tốt, sau ngày 22-8 sẽ triển khai cho các F0 tại cộng đồng. Trước khi tham gia, F0 sẽ phải điền vào phiếu chấp nhận tự nguyên tham gia chương trình. Sau khi dùng thuốc, các bệnh nhân được theo dõi hằng ngày về tình trạng sức khỏe và các tác dụng phụ có thể có, bằng cách sử dụng nhật ký bệnh nhân điện tử (qua cuộc gọi được lập trình từ hệ thống do Bộ Y tế quản lý). Dựa trên kết quả tổng kết, đánh giá tại TP HCM, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục mở rộng sang các địa phương khác có số F0 lớn.
Trước đó, Bộ Y tế đã đồng ý cho các địa phương có ca mắc tăng nhanh được phép để F0 đủ điều kiện được cách ly, điều trị tại nhà, bao gồm các trường hợp không triệu chứng, tải lượng virus thấp, không bệnh nền.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), phân tích dịch tễ cho thấy khoảng 80% ca mắc không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ, còn lại 20% là những người có biểu hiện vừa, trung bình, trong số này có 5% chuyển biến nặng và 0,5-1% diễn tiến rất nặng. Để thích ứng với tình hình mới, trong hơn 3 tháng qua, Bộ Y tế liên tục cập nhật các chiến lược điều trị mới, bổ sung nhiều loại thuốc vào phác đồ. Cụ thể, trước đây khi số lượng bệnh nhân ít, điều trị bệnh nhân Covid-19 được phân 3 tuyến: nặng điều trị ở tuyến trung ương, trung bình ở bệnh viện tỉnh và nhẹ ở bệnh viện huyện. Sang giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng tháp điều trị mới nhằm giảm tỉ lệ tử vong xuống mức thấp nhất.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê cho rằng nếu việc thí điểm thành công, khi đó, mỗi gia đình trở thành một "home-based care", một phòng y tế. Bộ Y tế đang xây dựng chi tiết các hướng dẫn, coi đây chính là tầng thấp nhất trong tháp điều trị 3 tầng.
Bình luận (0)