Ngày 13-7, Sở Xây dựng TP HCM tổ chức hội nghị sơ kết cấp thành phố về kết quả thực hiện Chỉ thị 23/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; Kế hoạch 3333/2019 của UBND TP HCM về triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Kết quả ấn tượng
Ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, thông tin sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 23, Kế hoạch 3333, đến tháng 6-2023 trên địa bàn thành phố có 2.699 công trình vi phạm (bình quân 1,8 vụ/ngày), giảm 6,7 vụ/ngày; tỉ lệ giảm 78,5% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị 23 là 8,5 vụ/ngày. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, có 170 công trình vi phạm (bình quân 0,9 vụ/ngày), giảm 7,6 vụ/ngày; tỉ lệ giảm 89%.
Thông tin từ hội nghị cho thấy kết quả tích cực về quản lý trật tự xây dựng tại TP HCM
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bình Chánh, đánh giá công tác quản lý trật tự xây dựng ngày càng hiệu quả và đi vào nền nếp. Năm 2019 tổng số công trình vi phạm ở huyện là 132 với 71 sai phép và 61 không phép thì 6 tháng đầu năm 2023 chỉ có 4, gồm 2 sai phép và 2 không phép.
Về vướng mắc, theo ông Lê Hồng Đức, Đội phó Đội Thanh tra địa bàn quận Gò Vấp (thuộc Thanh tra Sở Xây dựng), trong một số trường hợp, quan điểm xử lý công trình vi phạm giữa nhiều cơ quan chức năng chưa thống nhất.
Trong khi đó, ông Lâm Nhựt Tú - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè - chia sẻ trên địa bàn có nhiều hộ dân ven kênh, rạch đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, được công nhận đất ở và nhà ở.
Theo quy định, người dân có nhà trước năm 2004 nằm trong hành lang bảo vệ trên bờ thì nhà được giữ nguyên hiện trạng và được phép sửa chữa, cải tạo theo quy mô hiện trạng cũ. Thực tế, có nhiều căn nhà xuống cấp trầm trọng buộc phải tháo dỡ toàn bộ để xây dựng lại nhằm bảo đảm an toàn nhưng do vướng quy định nên không được cấp phép. Điều này dễ dẫn đến tình trạng xây dựng không phép.
Cần thêm giải pháp
Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM Trần Hoàng Quân nhìn nhận những kết quả đạt được trong 4 năm qua đã thể hiện Chỉ thị 23 là quyết sách hữu hiệu trong lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.
Ông Trần Hoàng Quân chỉ ra 3 mặt “được” của Chỉ thị 23
Ông Trần Hoàng Quân chỉ ra 3 điểm "được" của chỉ thị là giúp kiểm soát, quản lý tốt tình hình trật tự xây dựng; kéo giảm số vụ vi phạm; sự đồng thuận của các cơ quan phối hợp. Đến nay gần như tất cả vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn đều được phát hiện.
Bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng cái mất cũng rất nhiều và "bài học xương máu" là mất cán bộ. Theo thống kê từ Thanh tra Sở Xây dựng, tính từ tháng 7-2019 tới nay đã xử lý từ phê bình đến buộc thôi việc 184 trường hợp. Có 108 trường hợp cán bộ ngành xây dựng bị xử lý, còn lại là cán bộ địa phương.
"Điều này cho thấy nếu làm tốt ngay từ đầu thì hạn chế mất mát này. Đào tạo con người là quá trình khó mà xử lý kỷ luật thì rất đau xót. Vì vậy, thời gian tới cần có giải pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng đó" - ông Trần Hoàng Quân nói, đồng thời yêu cầu chánh Thanh tra phối hợp với các địa phương rà soát lại trách nhiệm của quận, huyện và phường, xã. Qua đó, làm tốt hơn công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn.
Giám đốc Sở Xây dựng cũng nêu câu chuyện các địa phương, Đội Thanh tra địa bàn trăn trở về việc cắt điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Theo ông, việc này từng được đem ra bàn nhưng các cơ quan quản lý về dịch vụ điện, nước cho rằng là hợp đồng kinh tế nên khó cắt. Tuy nhiên, đặt trong tình huống xử lý vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng thì nên nghiên cứu phương án ấy. Đó là biện pháp để phối hợp thực hiện nghiêm Chỉ thị 23 chứ không có động cơ nào khác.
Gặp vướng bởi quy định
Một vấn đề nữa được nêu trong hội nghị, theo ông Phan Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi - địa phương gặp khó khăn khi thực hiện quy định về diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp theo Quyết định 60/2017 của UBND TP HCM.
Thực tế, phần lớn người dân có nhu cầu tách thửa để cho con, phân chia tài sản hoặc để chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện được do diện tích đất nhỏ hơn hạn mức quy định. Điều này dẫn tới tình trạng người dân chuyển nhượng, cho tặng không hợp pháp, hợp lệ và phát sinh tranh chấp về sau.
Đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng
Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP HCM về việc đơn giản thủ tục cấp phép xây dựng đối với công trình quy mô dưới 250 m2.
Theo đó, việc cấp phép xây dựng không cần bản vẽ như trước đây mà chỉ cần dạng sơ đồ, trong đó thể hiện theo khuôn viên được cấp chủ quyền, chiều cao mỗi tầng...
"Không cần ghi chi tiết vị trí phòng ăn, phòng ngủ để tránh trường hợp thanh tra, kiểm tra lại nói sao trong bản vẽ phòng ngủ, nhà vệ sinh ở đây mà giờ dời xuống dưới... dễ dẫn đến tiêu cực, nhũng nhiễu trong thanh tra, kiểm tra. Việc kết hợp này giúp người dân không phải tốn 2 lần làm bản vẽ cấp phép xây dựng và cấp giấy chủ quyền" - ông Trần Hoàng Quân nói về công cụ quản lý trong thời gian tới.
Bình luận (0)