Văn phòng UBND TP HCM vừa có thông báo truyền đạt ý kến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoà Bình gửi các Sở Văn hoá - Thể thao, Giao Thông Vận tải và Tài chính đối với Đề án quảng cáo trên xe buýt trên địa bàn
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình giao Sở Giao Thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức đàm phán với doanh nghiệp về gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng quảng cáo trên xe buýt thành phố. Đồng thời, nghiên cứu, tham mưu UBND TP HCM điều chỉnh phương án quảng cáo phù hợp với tình hình phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng và nhu cầu khai thác quảng cáo thực tế.
TP HCM vẫn tiếp tục thực hiện quảng cáo trên thân xe buýt (Ảnh: Tấn Thạnh)
Chỉ đạo này được đưa ra theo kiến nghị của Sở Tài chính, sau khi Sở Giao Thông Vận tải đề xuất tạm ngưng đấu giá quảng cáo trên xe buýt để điều chỉnh theo đà phát triển vận tải công cộng và nhu cầu quảng cáo tại TP HCM.
Theo Sở Tài chính, việc triển khai đề án quảng cáo trên xe buýt từ năm 2018 đến nay đã tạo được nguồn thu cho ngân sách nhà nước hơn 57,3 tỉ đồng. Số tiền này chưa tính khoản đóng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng là hơn 16,1 tỉ đồng nhằm bù đắp kinh phí trợ giá xe buýt.
Bên cạnh đó, đề án bao gồm các tuyến xe buýt có trợ giá và không trợ giá. Đối với những tuyến buýt không trợ giá, doanh nghiệp vận tải, chủ xe được hưởng trọn vẹn nguồn thu từ quảng cáo sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính. Do đó, việc dừng đề án sẽ tác động đến nguồn thu của các doanh nghiệp vận tải, chủ xe của những tuyến không trợ giá.
Trước đó, Sở Giao Thông Vận tải đã đề xuất tạm ngưng đấu giá quảng cáo trên xe buýt vì "chưa hiệu quả". Việc này thể hiện qua việc từ năm 2017 đến hết năm 2019 chỉ chọn được một đơn vị trúng đấu giá với 25/101 tuyến buýt, đạt tỉ lệ 24%. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện đề án được cho là phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có nguyên nhân do xe buýt thuộc quyền sở hữu của các xã viên hợp tác xã vận tải.
Bình luận (0)