Ngày 12-5, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) chủ trì hội thảo tham vấn "Kế hoạch phát triển GTVT bằng phương tiện giao thông điện tại thành phố". Hội thảo đưa ra thực trạng, thách thức và góp ý cho kế hoạch hành động phát triển phương tiện giao thông điện tại TP HCM thời gian tới.
TP HCM có nhiều cơ hội
Báo cáo sơ bộ về thực trạng giao thông tại TP HCM, GS-TS Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng nhóm tư vấn - cho biết TP HCM là một trong những đô thị lớn của thế giới, có lượng phát thải khí nhà kính cao. Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do khí thải từ phương tiện giao thông
Mặt khác, Việt Nam đã cam kết giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 bằng nguồn lực trong nước và có thể giảm tiếp đến 27% với sự hỗ trợ của quốc tế. Mới đây, Chính phủ đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26)… Do vậy, việc cắt giảm lượng khí thải là cần thiết.
Theo GS-TS Lê Anh Tuấn, TP HCM có nhiều cơ hội để thực hiện kế hoạch phát triển giao thông điện như: ban hành đề án phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân, đề án thu phí ôtô vào trung tâm thành phố hay chương trình hành động chống biến đổi khí hậu… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước bắt đầu sản xuất các dòng phương tiện điện, khuyến khích người tiêu dùng trải nghiệm. Đơn cử, tại TP HCM đã có gần 500 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) và nhiều người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện, ôtô điện.
GS-TS Lê Anh Tuấn cho biết theo kết quả khảo sát tại 13 quận của TP HCM với trên 3.000 phiếu, khoảng 44% DN vận tải có nhu cầu chuyển sang phương tiện điện và 13,2% người dân có nhu cầu chuyển từ xe máy thường sang xe máy điện. Từ thực tế này, nhóm tư vấn đề xuất kịch bản phát triển giao thông điện cho TP HCM theo 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn khởi động (2022 - 2030) sẽ phát triển 20% xe máy điện, 20% ôtô cá nhân, 50% xe buýt và 10% taxi điện; giai đoạn tăng trưởng (2030 - 2040) phát triển 50% xe máy, 60% ôtô con, 100% xe buýt và 20% taxi điện. Tỉ lệ này sẽ tăng tương ứng 90%-100% đến năm 2050 (giai đoạn tăng trưởng ổn định).
Nhóm tư vấn cũng đề ra các giải pháp như: Nhà nước tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, tuyên truyền vận động người dân, DN; kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng lưới điện… Đến năm 2025, xây dựng và ban hành định mức kỹ thuật; đến năm 2030, xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, thống nhất tiêu chí trạm sạc; đến năm 2035, dừng đăng ký mới với xe buýt sử dụng động cơ đốt trong; đến năm 2040, dừng cấp mới với xe dùng động cơ diesel, xe máy dùng động cơ đốt trong; đến năm 2050, dừng đăng ký mới với tất cả xe sử dụng động cơ đốt trong.
Xe buýt điện ngày càng thu hút khách
Nhiều thách thức
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho rằng kế hoạch phát triển giao thông điện tại TP HCM là bước khởi đầu quan trọng cho sự chuyển đổi về phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính để môi trường thành phố ngày càng trong sạch hơn.
"Tuy nhiên, chuyển đổi giao thông điện không chỉ đơn thuần là thay xe chạy xăng bằng xe điện mà phải đồng bộ hệ thống hạ tầng như trạm sạc, bến bãi... Việc chuyển đổi cần nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan của thành phố tham gia để ban hành các chính sách, pháp lý cũng như quy hoạch. Cụ thể là quy hoạch trạm sạc, tiêu chuẩn kỹ thuật cho trạm sạc trên toàn quốc; cơ chế, chính sách về giảm, miễn thuế, giảm giá mua sắm phương tiện… Sở GTVT TP HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn nghiên cứu để xây dựng cơ chế và phương án tổng thể cho dự án phát triển GTVT bằng phương tiện giao thông điện tại thành phố" - ông Bùi Hòa An nhấn mạnh.
Đề xuất giải pháp tài chính, ông Nguyễn Hồng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính (HFIC), cho biết nguồn vốn hỗ trợ phát triển hạ tầng trạm sạc của TP HCM có thể được huy động qua hình thức phát hành trái phiếu xanh hoặc chương trình tín dụng xanh của ngân hàng thương mại, với khoảng 216 tỉ đồng cho 36 trạm sạc. Theo ông, TP HCM nên điện hóa xe buýt trước, vì đây là phương tiện công cộng phổ biến, đang vận hành trên hạ tầng được nhà nước đầu tư, có cơ sở pháp lý rõ ràng, nguồn vốn cụ thể.
"DN có thể vay mua xe buýt điện qua chương trình tín dụng xanh, nhà nước hỗ trợ lãi vay 100% cho xã viên, thời gian trả trong vòng 8 năm" - ông Nguyễn Hồng Văn nêu ý kiến.
Xe buýt điện thu hút khách
Sau hơn 2 tháng đưa vào hoạt động, tuyến xe buýt điện D4 (Bến xe buýt Sài Gòn - Vinhomes Grand Park) do Vinbus khai thác dần thu hút khách. Hành khách lên xe không chỉ trải nghiệm phương tiện xanh mà còn phục vụ nhu cầu mỗi ngày của mình như đi làm, mua sắm... Nhiều hành khách cho biết họ thích xe buýt điện bởi sự an toàn, tiện lợi, giảm ô nhiễm môi trường, không tiếng ồn.
Theo kế hoạch, Vinbus sẽ tiếp tục mở thêm 4 tuyến xe buýt điện phục vụ người dân TP HCM trong thời gian tới.
Bình luận (0)