Ngày 15-11, Thường trực HĐND TP HCM đã tổ chức phiên giải trình về tình hình vận hành và phát triển hệ thống xe buýt trên địa bàn TP. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì phiên giải trình.
Xem lại chính sách, sớm có làn đường riêng
Tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Trần Quang Lâm đưa ra nhiều con số đáng lo ngại. Trong 8 tháng đầu năm, khối lượng vận tải xe buýt đạt 131 triệu lượt, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2018 và chỉ đạt hơn 50% kế hoạch năm 2019.
Giai đoạn 2014-2018, hành khách đi xe buýt có giảm 6,6% mỗi năm, dù mỗi năm TP chi khoảng 1.000 tỉ đồng để trợ giá xe buýt. Lý giải việc này, ông Lâm khẳng định nguyên nhân chính do kẹt xe. Trong 7 tháng đầu năm 2019, có 330.000 chuyến chậm hơn 15 phút do ảnh hưởng của các điểm ùn tắc giao thông.
Trong 8 tháng đầu năm, khối lượng vận tải xe buýt đạt 131 triệu lượt, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2018 và chỉ đạt hơn 50% kế hoạch năm 2019. Ảnh: TẤN THẠNH
Bà Tống Thị Thu Thanh, Phó Chủ nhiệm HTX Vận tải Quyết Thắng - đơn vị đang quản lý 168 xe buýt, cho biết doanh nghiệp khó khăn nên phải giảm tuyến, giảm chuyến mà càng cắt giảm thì càng mất khách vì khách phải chờ lâu. "Ngay đến sinh viên nghèo tưởng chừng luôn ủng hộ xe buýt thì nay số lượng cũng giảm. Tuyến 56 của đơn vị dù đối tượng phục vụ chính là sinh viên nhưng cũng đang lỗ trầm trọng. Chúng tôi sẽ báo với Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP HCM ngưng hoạt động tuyến này" - bà Thanh nói.
Ông Nguyễn Văn Triệu, Chủ nhiệm HTX Vận tải 19-5, kiến nghị có làn đường riêng cho xe buýt. Bên cạnh đó, Sở GTVT cần cải thiện hệ thống trạm dừng, nhà chờ. Đồng tình, đại biểu (ĐB) Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng muốn hút khách không còn cách nào khác phải nâng chất lượng phục vụ và làm thế nào để xe buýt chạy nhanh hơn. Ông Quang đề nghị Sở GTVT nghiên cứu kỹ việc tổ chức làn đường riêng cho phương tiện này.
Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Trương Trung Kiên chỉ ra sản lượng hành khách giảm có nguyên nhân chi phí thu về không đủ để vận hành nên các đơn vị vận tải có tình trạng bỏ tuyến, giảm chuyến, rút thời gian hoạt động, hoạt động cầm chừng. Có tuyến còn có nguy cơ ngưng hoạt động.
Trước thực trạng trên, nhiều ĐB nêu quan điểm TP HCM cần thay đổi cách tính trợ giá xe buýt để tăng tính cạnh tranh giữa các đơn vị vận tải, bởi phải cạnh tranh thì mới tăng được chất lượng và từ đó tăng thu nhập tài xế. ĐB Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, băn khoăn: "Tiền trợ giá không giảm, giá vé có tăng nhưng sao các doanh nghiệp vận tải vẫn than gặp khó khăn". ĐB Võ Thị Ngọc Thúy đề nghị trợ giá theo đối tượng, theo tuyến đường. Hiện các tuyến nội thành đang bị lỗ do cự ly ngắn, khách ít; trong khi đó, khách đi cự ly dài phần lớn là sinh viên, người già, người lao động.
Gấp rút sắp xếp lại
Tiếp thu ý kiến ĐB, Giám đốc Sở GTVT TP cho biết sẽ nghiên cứu làn đường dành riêng cho xe buýt; sắp xếp lại các tuyến buýt hiện hữu và tổ chức mạng lưới phù hợp nhu cầu đi lại của người dân từng khu vực, thời điểm... Về lâu dài, sẽ phát triển, mở rộng các tuyến xe buýt đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đô thị vệ tinh, đầu mối giao thông và kết nối với các loại hình vận tải hành khách khối lượng lớn khác. Ngoài ra, TP cũng bố trí ngân sách trợ giá phù hợp với phương án vé và phương pháp trợ giá, khuyến khích đơn vị vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút hành khách. "Hầu hết các nước đều đang phải trợ giá cho hệ thống vận tải hành khách công cộng để giảm phương tiện cá nhân. Nếu giảm trợ giá thì phải tăng giá vé để tăng doanh thu. Tuy nhiên, như vậy thì khó cạnh tranh" - ông Lâm nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan, từ năm 2010, lãnh đạo TP đã xác định phát triển xe buýt và phương tiện vận tải khối lượng lớn là nhiệm vụ rất quan trọng. TP đang phát triển các phương tiện giao thông khối lượng lớn nhưng xe buýt vẫn giữ vai trò rất quan trọng, có tính chủ đạo, là phương tiện chiến lược để phát triển các hệ thống giao thông công cộng. Ông Võ Văn Hoan nhìn nhận: "Đây là thời điểm xe buýt tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động tiêu cực nếu không có những giải pháp chấn chỉnh, tạo điều kiện mạnh mẽ hơn để xe buýt phát triển". Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết sẽ tiếp tục rà soát lại chính sách trợ giá, xã hội hóa đầu tư, đổi mới phương tiện. TP sẽ phê duyệt sử dụng đất, ưu tiên đất dành cho phát triển giao thông công cộng, phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng. Các địa phương có trách nhiệm xử lý các hành vi lấn chiếm trạm dừng, nhà chờ xe buýt. Bên cạnh đó, TP cũng thực hiện giải pháp kiểm soát xe cá nhân lưu thông, chuyển dần các xe vận chuyển hàng hóa lưu thông vào ban đêm để hạn chế ách tắc giao thông.
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP xây dựng các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn; duy trì và tiến tới tăng sản lượng hành khách xe buýt. Đồng thời quan tâm chỉ đạo chấm dứt tình trạng móc túi trên xe buýt.
Xe buýt cần hướng tới thanh toán thông minh
Nhiều ĐB cho rằng xe buýt cần hướng tới thanh toán thông minh. ĐB Lê Trương Hải Hiếu nói: Đến một chị buôn bán nhỏ còn biết trang bị phương tiện để khách mua hàng có thể thanh toán điện tử. Xe buýt cũng vậy, chúng ta có thể tạo sự tiện lợi để tối đa hóa tiện ích. Tất cả phương thức thanh toán điện tử nào cũng có thể thực hiện trên xe buýt chứ không riêng gì vé điện tử.
Ông Hiếu cũng đề xuất cần trang bị phương tiện để hành khách chấm điểm phục vụ của tài xế, nhân viên các tuyến xe buýt giống như cán bộ, công chức đang được người dân chấm điểm về thái độ, kết quả phục vụ.
Bình luận (0)