xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM nỗ lực mở thêm trường lớp

PHƯƠNG NAM

Nếu các địa phương tại TP HCM không quyết liệt tháo gỡ khó khăn về trường lớp thì mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố sẽ khó thành hiện thực

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, trong năm 2023, ngành GD-ĐT thành phố dự kiến đưa vào sử dụng 48 dự án trường học với 672 phòng học mới, trong đó số phòng học tăng thêm là 371. Tuy nhiên, so với nhu cầu, quy mô trường lớp các cấp hiện nay của TP HCM vẫn chưa đáp ứng.

Địa phương nào cũng thiếu trường lớp

Báo cáo về tình hình trường lớp sau khai giảng năm học 2023-2024 của Sở GD-ĐT cho thấy trong ngày đầu năm học mới, TP HCM đưa vào sử dụng 27 dự án với 441 phòng học mới. Trong đó, cấp mầm non có 68 phòng học, tăng 68 phòng; tiểu học 197 phòng học, tăng 117 phòng, THCS 88 phòng học, tăng 39 phòng và các khối khác 88 phòng học, tăng 58 phòng.

Tính đến tháng 8-2023, TP HCM đã đạt 294 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, trong năm học 2023-2024, TP HCM tiếp tục bảo đảm 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học nhưng tỉ lệ học sinh (HS) được học 2 buổi/ngày nhìn chung còn thấp, nhất là ở một số quận, huyện.

Đối với bậc học mầm non và THPT, nếu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, mục tiêu phấn đấu 100% HS học 2 buổi/ngày gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, trên phạm vi toàn thành phố, tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học mới đạt 80,66%, THCS 76,03%. Nhiều quận, huyện có tỉ lệ HS học 2 buổi/ngày thấp (dưới 50%), như các quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình.

Liên quan việc giải quyết tình trạng thiếu hụt trường lớp, theo Sở GD-ĐT, trung bình hằng năm, mỗi bậc học ở TP HCM tăng 10.000 - 15.000 HS. Tổng số phòng học của thành phố tính đến năm 2022 là 47.623. Để đáp ứng nhu cầu, TP HCM đang cần bổ sung 8.889 phòng học ở tất cả bậc học, từ mầm non đến THPT, nâng tổng số phòng học đến năm 2025 lên 56.512.

Dù vậy, triệc triển khai các dự án giáo dục, mở thêm trường lớp đang gặp nhiều trở ngại. Đến cuối tháng 12-2022, TP HCM có 117 dự án giáo dục chậm thực hiện do nhiều nguyên nhân, như: bồi thường giải phóng mặt bằng, chưa duyệt kế hoạch, chưa bố trí vốn, chưa làm hồ sơ, chưa thu hồi đất, điều chỉnh dự án... Trong đó, nhiều nhất là cấp tiểu học với 49 dự án, mầm non 36 dự án.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM cho rằng tình trạng thiếu trường lớp dẫn đến việc dồn HS, nhất là khối tiểu học; quy mô sĩ số từ 45 HS/lớp trở lên khá phổ biến. Điều này hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy. Đó là chưa kể điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều thiếu thốn. Việc gia tăng HS dẫn đến tăng cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế cũng làm tăng nguồn chi của ngân sách.

Sở GD-ĐT cho rằng nếu các địa phương tại TP HCM không quyết liệt tháo gỡ khó khăn về trường lớp thì mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố sẽ khó thành hiện thực.

TP HCM nỗ lực mở thêm trường lớp - Ảnh 1.

Quận Tân Bình đang cần xây thêm nhiều trường học để giải quyết tình trạng thiếu trường lớp. Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Phan Huy Ích (phường 15, quận Tân Bình) trong giờ sinh hoạt ngoài trờiẢnh: Tấn Thạnh

Tân Bình: Mở thêm trường, mong từng ngày

Một trong những địa phương đang đối mặt tình trạng thiếu trường lớp nhất ở TP HCM là quận Tân Bình.

Báo cáo của UBND quận Tân Bình cho thấy quận này đang thiếu 4 trường mầm non, 11 trường tiểu học và 10 trường THCS. Trong khi đó, các năm qua, việc tăng dân số cơ học trên địa bàn khá cao khiến tình trạng thiếu trường lớp càng trở nên trầm trọng. Chỉ riêng khối lớp 6, trong năm học 2023 - 2024, quận tăng thêm khoảng 1.000 HS. Tình trạng thiếu trường lớp ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Phan Văn Quang, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, cho hay nhằm bảo đảm chỗ học cho HS và 100% HS tiểu học học 2 buổi/ngày như mục tiêu đề ra trong năm học 2023-2024 và những năm sắp tới, UBND quận đã chỉ đạo ngành giáo dục tăng sĩ số HS/lớp so với điều lệ trường học - tiểu học 35-44, THCS 45-48. Song song đó, quận thực hiện tuyển sinh phân tuyến theo liên phường. Đối với cấp tiểu học, ưu tiên lớp 1, 2, 3, 4 học 2 buổi/ngày. Nếu thiếu phòng học thì lớp 5 thực hiện 1 buổi/ngày, lớp 6 học 1 buổi/ngày.

Theo ông Quang, ngoài các giải pháp căn cơ như trên, việc xây dựng trường lớp trên địa bàn quận Tân Bình là nhu cầu cấp bách mà chính quyền địa phương và người dân mong mỏi từng ngày. Điều này cũng đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Tân Bình lần thứ XII nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Chương trình 16-CTr/QU, ngày 2-4-2021).

Trên cơ sở đó, thời gian tới, quận Tân Bình sẽ triển khai xây dựng một số trường, trong đó có cụm trường học tại phường 6, gồm: Trường Mầm non Sơn Ca (20 phòng học), Trường Tiểu học Hùng Vương (30 phòng học) và Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (45 phòng học). Việc xây dựng cụm trường học tại phường 6 theo chuẩn trường quốc gia, bảo đảm các chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân, bảo đảm chỗ học cho HS và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, như đã đề ra tại Quyết định 07/2022/QĐ-UBND của UBND TP HCM. 

Đầu tư 3 trường học tại phường 6, quận Tân Bình

Theo đại diện UBND quận Tân Bình, việc đầu tư 3 trường học - gồm Trường Mầm non Sơn Ca, Trường Tiểu học Hùng Vương và Trường THCS Mạc Đĩnh Chi - theo chuẩn quốc gia tại phường 6 là nhu cầu cấp thiết.

Quận Tân Bình hiện có 24 trường mầm non, 26 trường tiểu học và 13 trường THCS, trong đó chỉ 9 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. So với quy định, quận Tân Bình chưa đáp ứng tiêu chí 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học của giai đoạn 2017-2025. Hiện nay, sĩ số HS trên một lớp học ở Tân Bình cao hơn so với quy định; chưa bảo đảm HS học 2 buổi/ngày. Do đó, việc đầu tư xây dựng thêm các trường học theo quy hoạch đã được UBND TP HCM phê duyệt trên địa bàn quận Tân Bình là rất cấp bách.

Trên cơ sở đó, HĐND TP HCM mới đây đã ban hành nghị quyết và bố trí vốn trên 1.156 tỉ đồng (trong đó, chi phí hỗ trợ là 572,986 tỉ đồng, chi phí xây lắp 583 tỉ đồng) để đầu tư xây dựng cùng lúc 3 trường học nói trên tại khu đất công trình công cộng thuộc phường 6 để phục vụ nhu cầu học tập của con em người dân địa phương nói riêng và quận Tân Bình nói chung.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo