xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM cần cơ chế đặc thù để phát triển

Trường Hoàng - Phan Anh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "TP HCM phát triển được thì cả nước phát triển tốt, nếu TP có gì trở ngại sẽ ảnh hưởng phát triển chung cả nước"

Ngày 23-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các bộ, ngành trung ương đã có buổi làm việc với TP HCM về tình hình kinh tế - xã hội và một số vấn đề về tăng trưởng.

Bổ sung vốn cho dự án trọng điểm

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh TP HCM có vị trí quan trọng không chỉ đối với miền Nam mà còn cả nước. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm của TP đạt chỉ tiêu đề ra rất quan trọng đối với kinh tế - xã hội của cả nước.

TP HCM cần cơ chế đặc thù để phát triển - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với cán bộ lãnh đạo TP HCM Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo TP phân tích những mặt nổi bật, tồn tại của TP, thảo luận để có quyết sách cụ thể, nhất là các chính sách phát triển, xử lý giải quyết. "TP phát triển được thì cả nước phát triển tốt, nếu TP có gì trở ngại sẽ ảnh hưởng phát triển chung. TP không chỉ là trung tâm kinh tế khoa học xã hội của cả nước mà còn cạnh tranh trong khu vực ASEAN" - Thủ tướng khẳng định.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm thay mặt lãnh đạo UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung. Cụ thể, kiến nghị Thủ tướng bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương cho 2 dự án trọng điểm của TP giai đoạn 2017-2020 gồm: dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên; dự án cải thiện môi trường nước TP, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2. TP cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận việc giải ngân vốn ODA đối với các dự án thực hiện theo hiệp định đã ký kết và tiến độ của dự án nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

TP kiến nghị Chính phủ chấp thuận hỗ trợ từ ngân sách trung ương để thực hiện một số dự án đầu tư quan trọng trên địa bàn giai đoạn 2017-2020 trong lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi có quy mô lớn mà ngân sách TP chưa thể cân đối được. Cụ thể, bố trí 9.963 tỉ đồng từ nguồn vốn của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước cho 36 dự án chống ngập cấp bách; chấp thuận bổ sung 10.000 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống cảng sông, cảng biển (như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước) để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, kiến nghị Thủ tướng một số chính sách liên quan để đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm; thủ tục đầu tư các dự án thoát nước, giảm ngập; cơ chế quản lý, tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập; việc sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp của TP...

Đổi mới cách làm quy hoạch

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP tập trung tháo gỡ các nút thắt như đường Vành đai 2, Vành đai 3, sân bay Tân Sơn Nhất và một số công trình giao thông khác.

"Cùng với TP, các bộ, ngành trung ương gắn trách nhiệm của mình vào thách thức của TP. Trung ương không đứng ngoài cuộc những thách thức của TP, phân cấp tạo cơ chế cho TP" - Thủ tướng nói và đề nghị TP tạo việc làm, thu nhập ngày càng cao cho mọi người dân, thực thi mục tiêu công bằng, không để người dân nào đứng bên lề sự phát triển. Chú trọng phát triển TP bền vững, cạnh tranh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho dân và đưa tỉ trọng dịch vụ tăng nhanh.

Thủ tướng còn đề nghị TP tiếp tục hoàn thiện quy hoạch với tầm nhìn xa và đổi mới cách làm quy hoạch. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; TP HCM phải dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính, về cơ chế một cửa, lấy thước đo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để phục vụ. Tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển doanh nghiệp. Cùng với Hà Nội, TP HCM cần tiên phong là trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước, trung tâm y tế quốc tế...

Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị của TP. Về kiến nghị tổ chức SEA Games 31, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan chọn TP HCM hoặc Hà Nội.

Hạ tầng giao thông của TP HCM kém xa Hà Nội

Tại buổi làm việc với UBND TP HCM sáng 23-6, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá hạ tầng giao thông đường bộ của TP HCM kém xa Hà Nội, khó phát triển kinh tế. Các dự án vành đai, metro chậm trễ làm ảnh hưởng tổng quan hạ tầng giao thông toàn vùng. Vì vậy, TP cần bổ sung quy hoạch, chủ động làm sớm các dự án quan trọng (như tàu điện ngầm), các dự án lớn ở nội đô và các đường vành đai.

Thanh tra toàn bộ đất quốc phòng ở TP HCM

Phát biểu tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo TP HCM, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết Bộ Quốc phòng đã lệnh dừng tất cả hạng mục ở sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất để kiểm tra. Thượng tướng Lê Chiêm cho hay dự án sân golf này triển khai từ năm 2007, được 8 bộ và Thủ tướng phê duyệt. Quan điểm của Bộ Quốc phòng là ưu tiên phát triển hàng không dân dụng. Hiện Bộ Quốc phòng đang thanh tra toàn bộ đất quốc phòng trên địa bàn TP HCM, chỗ nào cần sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng thì giữ, cái nào không cần sử dụng, theo yêu cầu của TP thì bàn giao cho TP để phát triển kinh tế. "Bộ có chủ trương quân đội không làm kinh tế, tập trung xây dựng quân đội cách mạng chính quy tinh nhuệ, hiện đại. Tất cả doanh nghiệp quân đội phải cổ phần hóa, thoái vốn hết. Hiện nay, các doanh nghiệp quốc phòng ở TP không nhỏ, chúng tôi kiên quyết làm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng" - ông Chiêm cho hay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo