Ngày 7-12, HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc kỳ họp thứ 4. Đây là kỳ họp thường kỳ cuối năm để xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các tờ trình của UBND thành phố cùng nhiều vấn đề quan trọng. Dự phiên khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên.
Tìm hướng đi mới phù hợp
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất - kinh doanh, sinh kế và đời sống của người dân trong cả nước, đặc biệt là tại TP HCM. Qua gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, TP HCM cơ bản được kiểm soát được dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội bắt đầu khởi sắc trở lại. "Chính vì vậy, đây là kỳ họp rất quan trọng của HĐND TP HCM để đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện những nỗ lực, cố gắng của thành phố trong thời gian qua. Đồng thời, tìm ra hướng đi mới phù hợp, nhất là trong giai đoạn TP HCM tích cực hoàn thành việc xây dựng kế hoạch tổng thể phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới và tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội" - Chủ tịch HĐND TP HCM nhấn mạnh.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022. Theo báo cáo, do tác động nghiêm trọng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, GRDP năm 2021 trên địa bàn ước giảm 6,78% so với cùng kỳ và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đáng mừng là trong điều kiện dịch bệnh, một số ngành vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Đặc biệt, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 370.483 tỉ đồng, đạt 101,3% dự toán năm 2021. Theo ông Lê Hòa Bình, năm 2022, TP HCM đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) đạt 6%-6,5%.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên (bên trái) trao đổi với đại biểu HĐND TP HCM
UBND TP HCM cũng trình lên HĐND thành phố nhiều nội dung quan trọng. Nêu tờ trình về ước thực hiện thu chi ngân sách năm 2021 và dự toán chi ngân sách năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình cho biết UBND thành phố dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 là 386.568 tỉ đồng, tăng 5,9% so với dự toán năm 2021 và tăng 4,3% so với ước thực hiện năm 2021. TP HCM dự kiến tổng mức vay năm 2022 là 10.919 tỉ đồng, bảo đảm trong mức dư nợ và bội chi của ngân sách địa phương. Trong đó, vay để bù đắp bội chi ngân sách là 9.929 tỉ đồng và vay để trả nợ gốc là 989 tỉ đồng. UBND TP HCM cũng trình HĐND thành phố thống nhất hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 giữ nguyên như năm 2021; kiến nghị tiếp tục miễn học phí cho tất cả học sinh, kể cả trường ngoài công lập, trong học kỳ II năm học 2021-2022...
Cụ thể hóa bằng giải pháp khả thi
Phát biểu tại kỳ họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá kỳ họp này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, liên quan đến việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2021-2025, hướng đến mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ XI.
Do đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị HĐND TP HCM phát huy dân chủ, trí tuệ, tập trung thảo luận sâu, kỹ các vấn đề. Cụ thể về nhiệm vụ, giải pháp năm 2022, Bí thư Thành ủy nói hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM đã cơ bản thống nhất với mục tiêu tổng quát và 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 từ 6%-6,5%. "Đây là chỉ tiêu phấn đấu rất cao, một quyết tâm rất lớn trong bối cảnh của thành phố, nhằm đáp ứng sự khát khao hồi phục và phát triển thời gian tới, HĐND thành phố cần cụ thể hóa bằng những giải pháp mang tính khả thi và hiệu quả" - Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bí thư Nguyễn Văn Nên chỉ đạo quan tâm thảo luận, cho ý kiến cụ thể việc xây dựng và triển khai chiến lược y tế, trọng tâm là củng cố hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng; tăng cường nhân lực y tế; nâng cao ý thức của mọi người trong phòng chống dịch.
Bí thư Thành ủy nhận định TP HCM trải qua một giai đoạn đầy khó khăn do đại dịch và đang đối diện với các thử thách rất lớn buộc phải vượt qua. Thành phố đặt quyết tâm chính trị rất cao để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố khi xác định chủ đề năm 2022: "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp" và với mức tăng trưởng đề ra để phấn đấu từ 6%-6,5%, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, khó lường, xuất hiện biến thể mới Omicron đang làm đau đầu các nhà khoa học.
"Tôi tin tưởng các đại biểu HĐND TP HCM sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đề xuất nhiều giải pháp đột phá cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2022, cũng như các năm tiếp theo để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XI" - ông Nguyễn Văn Nên bày tỏ.
Hướng đến mô hình "nhà trọ kiểu mới"
Thông báo về hoạt động tham gia xây dựng chính quyền TP HCM năm 2021, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Tô Thị Bích Châu đề nghị trong quá trình triển khai kế hoạch xây dựng hơn 18.000 căn hộ cho công nhân, người lao động giai đoạn 2021-2025, UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp LĐLĐ thành phố và UBND các cấp khảo sát, xây dựng và triển khai ngay chương trình cải thiện điều kiện chỗ ở, hướng tới mô hình "nhà trọ kiểu mới".
Bình luận (0)