Ngày 1-4, UBND TP HCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II/2023. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp.
Khơi thông các động lực
Thay mặt UBND TP HCM báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai cho biết kinh tế thành phố đã chuyển biến và đạt một số kết quả tích cực, thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng, trong đó 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng khá.
Thu ngân sách nhà nước ước đạt 124.700 tỉ đồng, đạt 26,6% dự toán năm. Số lao động được giải quyết việc làm và số chỗ việc làm mới tăng nhẹ so với cùng kỳ. Ngành du lịch tiếp tục duy trì phát triển và đạt mức tăng trưởng cao cả về doanh thu và số lượng khách.
Tuy nhiên, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) chỉ ước đạt 360.600 tỉ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Với con số này, tăng trưởng của TP HCM thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương gồm TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, xếp hạng 56/63 địa phương.
Đáng chú ý, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở TP HCM rất thấp. Cụ thể, đến ngày 24-3 chỉ mới được 952 tỉ đồng, đạt 2% tổng số vốn được giao là hơn 43.440 tỉ đồng. TP HCM đặt mục tiêu giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công để làm "vốn mồi", dẫn dắt cho đầu tư xã hội nhưng kết quả này khiến mục tiêu tăng trưởng của thành phố gặp nhiều trở ngại.
Từ quý IV/2022, nhiều chuyên gia đã đưa ra dự báo tình hình kinh tế sẽ tiếp tục biến động, khó lường trong những tháng đầu năm 2023. Nhưng mức tăng trưởng 0,7% là con số bất ngờ, gây áp lực lên mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà thành phố đã đặt ra trong năm là 7,5% - 8%. Chính vì thế, nhiều phát biểu trong phiên họp đã tập trung phân tích nguyên nhân và nêu giải pháp để đưa kinh tế thành phố tăng trưởng trở lại.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia theo dõi TP HCM trong nhiều năm, nói dù đã được dự báo nhưng ông vẫn bất ngờ với con số tăng trưởng 0,7%. Kể từ khi có Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị vào năm 1982, đây là lần đầu tiên mức tăng trưởng của kinh tế thành phố giảm sút mạnh.
"Tôi suy nghĩ rất nhiều. Nhiều người hỏi tôi điều gì làm thành phố có mức tăng trưởng thấp như vậy" - TS Trần Du Lịch trăn trở.
Mổ xẻ sâu về suy giảm tăng trưởng kinh tế của thành phố, TS Trần Du Lịch phân tích có 3 động lực mà Chính phủ và thành phố đã thống nhất đề ra để kéo nền kinh tế trở lại nhưng thành phố chưa làm được. Một là, giải ngân vốn đầu tư công. Quý I/2023, TP HCM chỉ giải ngân được 2%. Thành phố đã bỏ lỡ công cụ kích thích nền kinh tế là đầu tư công.
Hai là, TP HCM chưa hấp thụ được vốn. "Đây là vấn đề tôi đã đề xuất lên lãnh đạo TP HCM trong năm 2022 với 10 nhóm giải pháp, trong đó cần công khai, minh bạch toàn bộ các dự án đang tồn đọng, cái nào làm, cái nào không làm nhưng đến nay vẫn chưa có. Vậy công cụ hấp thụ vốn chúng ta đã không thực hiện được" - TS Trần Du Lịch nói và cho biết động lực thứ ba là phát triển thị trường nội địa. Chưa bao giờ tổng doanh thu dịch vụ bán hàng của TP HCM thấp hơn cả nước, chỉ bằng 1/3.
"Ba trụ cột thúc đẩy nền kinh tế - liều thuốc sau thời kỳ bạo bệnh, TP HCM đều không sử dụng hiệu quả" - TS Trần Du Lịch nêu quan điểm và kể qua làm việc với 40 doanh nghiệp (DN), họ đều nói rằng TP HCM hiện nay không có gì để làm.
"Nhiều việc đang đứng tại chỗ thì làm sao thành phố phát triển được. Chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề để giải quyết hiệu quả" - TS Trần Du Lịch nói và bày tỏ tin tưởng vào khoảng quý III/2023, kinh tế TP HCM sẽ khởi sắc trở lại. Cùng với truyền thống năng động, sáng tạo; vị thế như đã khẳng định trong Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; giải quyết được những vấn đề trì trệ, gỡ được đầu tư công, đầu tư tư nhân, minh bạch trong đầu tư để tạo niềm tin, hấp thụ được vốn…, thành phố sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn.
Toàn cảnh phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ, giải pháp quý II/2023 do UBND TP HCM tổ chức, ngày 1-4 Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Vững tin đứng dậy đi tiếp
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận dự báo tình hình năm 2023 sẽ đối mặt nhiều khó khăn, thách thức nên thành phố đặt ra chỉ tiêu GRDP thấp hơn so với năm trước. Thế nhưng, trong quý I/2023, chỉ số này giảm sâu hơn dự tính.
"Kết quả này khiến chúng ta phải nhìn lại, phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển trong thời gian tới" - Bí thư Thành ủy thành phố chỉ đạo.
Theo Bí thư Thành ủy thành phố, "sức khỏe" kinh tế thành phố chưa thực sự phục hồi sau cơn bạo bệnh, đó là hậu quả của một sự bật dậy còn gượng gạo do căn bệnh cũ còn để lại. Do vậy, từng ngành, từng lĩnh vực của thành phố cần ngồi lại đánh giá một cách nghiêm túc nhất những việc đã làm, từ đó đề ra những kế hoạch, nhiệm vụ cho những quý còn lại của năm 2023 và những năm còn lại của nhiệm kỳ.
Nhìn trực diện vào tăng trưởng kinh tế quý I thấp kỷ lục, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói dù thành phố đã làm rất nhiều việc nhưng kết quả chưa như mong muốn, khi tình hình cả nước và nhất là thành phố gặp quá nhiều khó khăn.
"Con số tăng trưởng GRDP 0,7% gây nhiều tranh cãi trong mấy ngày qua. Điều gì đang xảy ra tại TP HCM? TP HCM đang gặp vấn đề gì? Tôi nghĩ tất cả chúng ta ở đây đều đã nghe những câu hỏi này và đã suy nghĩ rất nhiều, rất trăn trở" - Chủ tịch UBND thành phố nói.
Chính vì thế, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tất cả sở, ngành, quận, huyện suy nghĩ một cách nghiêm túc, hành động quyết liệt để sớm thoát khỏi tình trạng này, tiếp tục vươn lên.
"Khó khăn của đại dịch COVID-19 rất lớn nhưng chúng ta đã đứng dậy, khó khăn lần này không nhỏ nhưng chắc chắn chúng ta phải đứng dậy đi tiếp" - Chủ tịch UBND thành phố quán triệt.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh TP HCM có rất nhiều việc, việc cũ chưa giải quyết xong, việc mới đã phát sinh nhưng thành phố không rối, không loay hoay bởi đã đề ra các chương trình, kế hoạch trọng tâm, trọng điểm, kiểm tra và bảo đảm tiến độ, kết quả cụ thể. Với khối lượng, độ rộng lớn của nhiệm vụ, cường độ, năng suất làm việc cũng tăng cao hơn.
Chỉ đạo cụ thể các đầu việc cho các sở, ngành, quận, huyện thực hiện trong quý II và cả năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh phải chấm dứt ngay tình trạng sở này chờ sở kia. Nếu đơn vị được xin ý kiến không phản hồi thì coi như đồng ý. Đồng thời, mỗi quý, mỗi tháng cần tổng hợp danh sách đơn vị không có ý kiến trả lời để UBND TP HCM có hình thức nhắc nhở. Ngoài ra, vừa qua thành phố cũng có tình trạng cùng một vấn đề mà văn bản "chạy ra chạy vô" các sở nhiều lần, làm cho công việc của địa phương tồn đọng.
"Các sở: Quy hoạch và Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND thành phố cần chú ý giải quyết ngay những việc tồn đọng" - Chủ tịch UBND thành phố nhắc nhở, đồng thời yêu cầu các đơn vị sớm tháo gỡ khó khăn những dự án bất động sản; giải quyết thủ tục hành chính để dự án chạy, dòng vốn lưu thông; đẩy mạnh đầu tư công, nhất là ở dự án đường Vành đai 3 và các công trình trọng điểm khác. Đây là những vấn đề quan trọng nhất cần tháo gỡ ngay để thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng trở lại.
Nhấn mạnh lần nữa các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới đã được chỉ ra, Chủ tịch Phan Văn Mãi yêu cầu từng cơ quan, sở, ngành, địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải rà soát lại công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM:
Minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản
Trong quý II và những quý còn lại của năm 2023, TP HCM sẽ tập trung giải quyết những nhóm việc trễ hạn của quý I, kiên quyết không để việc trễ hạn của quý I, quý II chuyển qua quý III. TP HCM cũng khẩn trương nghiên cứu, trình HĐND thành phố ban hành một số chính sách đặc thù trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ DN, người dân thông qua những công cụ tài khóa thuộc thẩm quyền thành phố.
Song song đó, thành phố đẩy mạnh chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023; triển khai cách làm minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản (BĐS); có phương án xử lý các dự án chậm triển khai, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất cũng như nhà đầu tư.
Một đầu việc rất quan trọng khác là trong quý II, TP HCM tiếp tục chủ động làm việc với các cơ quan trung ương về dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội để hoàn thiện báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5-2023. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết mới ngay sau khi được Quốc hội thông qua.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM:
Triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất
Để tháo gỡ khó khăn cho các DN, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2%. Tính riêng địa bàn TP HCM, đến nay Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các ngân hàng đã giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất hơn 14.000 tỉ đồng, hỗ trợ DN trong các ngành như công nghiệp chế biến, hàng không, kho bãi, nông - lâm - thủy sản...
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục giảm chi phí đầu vào, giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, tăng cường phối hợp với Sở Công Thương thành phố để xử lý khó khăn cho DN. Thành phố cũng có 2 gói tín dụng ưu đãi cho DN. Hơn nữa, vừa qua các ngân hàng trên địa bàn TP HCM đã đăng ký gần 100.000 tỉ đồng để hỗ trợ nhóm người yếu thế, thu nhập thấp, công nhân, sinh viên.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai chương trình cho vay theo 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên, trong đó liên tục hạ lãi vay để kích cầu tín dụng.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA):
Giải ngân đầu tư công quá thấp
Nguyên nhân chính khiến tăng trưởng của TP HCM giảm vì giải ngân đầu tư công quá thấp, đồng thời rất nhiều dự án BĐS chưa được gỡ vướng. Hiện có 156 dự án của 121 chủ đầu tư đang gặp vướng mắc.
Là ngành tác động đến hơn 40 ngành nghề khác nhau, tác động lớn đến sự tăng trưởng của thành phố nhưng BĐS chưa được khai thông để đẩy mạnh phát triển như kỳ vọng.
Một số tập đoàn, DN BĐS đang rất khó khăn, thậm chí có thể mất thanh khoản, phải thực hiện các giải pháp "đau đớn" để tồn tại trước. Một số DN thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất - kinh doanh, tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. Một số phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động hoặc giảm lương tác động đến người lao động.
"Đói vốn" nên có DN phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc sản phẩm BĐS, nhà ở với chiết khấu sâu, thậm chí đến 40% giá hợp đồng.
Ng.Phan - S.Nhung ghi
Bình luận (0)