Tối 18-5, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi họp báo về thông tin nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Rất cấp thiết
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh tính cấp thiết của việc ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017. Theo ông, nghị quyết này sau 5 năm thực hiện đã được tổng kết và báo cáo Quốc hội. TP HCM đề nghị có nghị quyết mới thay thế và Quốc hội cho phép kéo dài Nghị quyết 54 đến hết năm 2023, đồng thời TP HCM cùng Chính phủ chuẩn bị nghị quyết mới trình Quốc hội càng sớm càng tốt.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi họp báo về thông tin nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 vào ngày 18-5
Theo ông Phan Văn Mãi, với những đặc thù của TP HCM thì trong khuôn khổ pháp luật hiện tại có những lĩnh vực, những mảng chưa thể bao quát, điều phối được hết và đòi hỏi khung pháp lý phù hợp để tháo gỡ những vướng mắc, tạo ra không gian phát triển. "Chúng tôi đánh giá nghị quyết mới khi được ban hành sẽ khắc phục những hạn chế của Nghị quyết 54 hiện hữu, giúp thành phố tháo gỡ nhiều hơn, tạo động lực lớn hơn, mạnh hơn để thúc đẩy phát triển đầu tàu kinh tế TP HCM. Ngoài ra, cuối năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM. Theo đó, nếu kỳ họp thứ 5 này Quốc hội thông qua nghị quyết mới thì chúng ta kịp thời thể chế hóa được Nghị quyết 31 để tạo khuôn khổ pháp lý để triển khai" - Chủ tịch UBND thành phố nói.
Theo ông Phan Văn Mãi, nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với khoảng 43 nội về dung cơ chế, chính sách và được chia ở 4 nhóm. Cụ thể, các cơ chế, chính sách đã được quy định tại Nghị quyết 54; những nội dung tương tự đã được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương và phù hợp với thành phố; những nội dung đang được đưa vào các dự thảo luật sửa đổi; các cơ chế, chính sách mới. "Những cơ chế, chính sách này sẽ giúp thành phố tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, đặc biệt là huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; đồng thời phân cấp, phân quyền cho thành phố chủ động hơn, kịp thời hơn trong giải quyết các thủ tục, nhất đối với TP Thủ Đức" - Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết Chủ tịch Quốc hội yêu cầu TP HCM phải hết sức quan tâm, tập trung xây dựng năng lực thực thi. Vì vậy, HĐND TP HCM, HĐND TP Thủ Đức, UBND TP HCM, các sở, ban, ngành phải rất tập trung củng cố, xây dựng đội ngũ để đủ sức cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội đã lưu ý TP HCM rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 54, cụ thể hóa tổ chức thực hiện.
Phối hợp tốt hơn
Cũng theo Chủ tịch UBND TP HCM, trong quá trình thực hiện nghị quyết mới thì các sở, ngành thành phố phải nỗ lực nhiều hơn, phối hợp đồng bộ hơn, tốt hơn. Bên cạnh đó rất cần sự năng động, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, viên chức thành phố.
"Tôi tin rằng không chỉ cán bộ, công chức mà cả người dân thành phố đều có sự nỗ lực của mình. Trước những thách thức của nhiệm vụ thì phải phấn đấu thực hiện, vượt qua khó khăn và tiếp tục đưa thành phố phát triển. Một bộ phận còn e dè thì tiếp tục động viên làm việc và có những biện pháp xử lý. Nếu không chuyển biến thì bước ra khỏi hệ thống để người khác tiếp tục" - ông Phan Văn Mãi nói.
Liên quan đến tổ chức bộ máy TP Thủ Đức, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho rằng thời gian qua TP Thủ Đức hoạt động như cơ quan hành chính cấp huyện, với khối lượng công việc lớn nên có việc, có những nội dung chậm, không đạt yêu cầu về thời gian của tổ chức và cá nhân khi liên hệ làm thủ tục hành chính. Phân cấp ủy quyền theo dự thảo nghị quyết mới là nội dung rất quan trọng, sẽ góp phần đẩy nhanh thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng…
Theo ông Hoàng Tùng, TP Thủ Đức vẫn vận hành theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương với các phòng chức năng nhiệm vụ như cơ quan hành chính cấp quận, huyện. Nhưng với nghị quyết mới, giao thẩm quyền cho HĐND TP HCM xác định các cơ quan chuyên môn thuộc TP Thủ Đức, các chức năng nhiệm vụ phù hợp với điều kiện mới và đặc biệt là đang thực hiện Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị - đây là vấn đề mới mẻ và trong đó có nhiều nội dung mà Luật Tổ chức chính quyền địa phương khi vận hành đối với quy mô đô thị như TP Thủ Đức còn nhiều bất cập, cần bổ sung. "Nghị quyết lần này cho phép TP HCM trình HĐND thành phố phê duyệt chức năng, bộ máy, số lượng cán bộ công chức thuộc TP Thủ Đức. Đây là điều rất quan trọng, cốt lõi nhằm đáp ứng việc vận hành TP Thủ Đức và phát triển trong thời gian tới" - ông Hoàng Tùng nói.
Nhiều thuận lợi phát triển giao thông cho TP Thủ Đức
Ông Hoàng Tùng nhìn nhận TP Thủ Đức được hưởng lợi đối với nghị quyết mới, trong đó kêu gọi đầu tư đối tác công tư, khởi động lại đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao)... để kêu gọi đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông.
TP Thủ Đức có điều kiện phát triển đô thị dọc theo metro, Vành đai 3. Sau khi nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được thông qua thì có cơ sở pháp lý tổ chức quy hoạch và kêu gọi đầu tư theo trục giao thông, trước mắt là metro 1 và Vành đai 3. "Chúng tôi tin tưởng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ mang lại thuận lợi, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp" - ông Hoàng Tùng nói.
Bình luận (0)