Đó là cụm cảng trung chuyển ICD, phường Long Bình (TP Thủ Đức), cảng cạn ICD khu vực Củ Chi (trung tâm logistics Củ Chi); cảng thủy nội địa Khu Công nghệ cao TP HCM (trung tâm logistics Khu Công nghệ cao TP), cảng thủy nội địa tổng hợp quốc tế ITC và cảng hành khách Mũi Đèn Đỏ (quận 7, TP HCM).
Giảm tải cho cảng Cát Lái
Theo kế hoạch, quy mô xây dựng cảng Long Bình là 50 ha. Cảng này phục vụ cho việc di dời cảng Trường Thọ, chủ yếu tiếp nhận hàng hóa từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương (giai đoạn hiện tại khoảng 20 triệu tấn/năm, tăng trưởng bình quân 10%/năm) để vận chuyển bằng đường thủy đi đến các khu vực Cát Lái, Hiệp Phước, Cái Mép; quy mô cảng cạn tại khu vực huyện Củ Chi tối thiểu 10 ha; quy mô cảng cạn tại Khu Công nghệ cao TP khoảng 6 ha...
Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết TP HCM là địa phương đặc biệt với lợi thế gần 1.000 km đường thủy đi qua, phần lớn được quy hoạch và tổ chức quản lý. Tuy TP đã phát triển nhiều tuyến vận tải thủy, cải tạo các cảng bến nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng do thiếu nguồn lực. "Việc xây dựng và đưa vào khai thác 5 cảng mới cũng như nâng cấp những cảng hiện hữu, nạo vét luồng, đầu tư hàng loạt tuyến thủy nội địa... trong giai đoạn 2021-2015 sẽ góp phần phát huy tốt lợi thế 1.000 km đường thủy của TP và đặc biệt có thể san sẻ 60% với vận tải đường bộ" - Phó Giám đốc Sở GTVT TP nhận định và khẳng định Sở GTVT TP sẽ làm hết sức để TP dần hiện thực hóa các kế hoạch phát triển giao thông thủy. Ông cho hay tổng nguồn vốn đầu tư xây mới các cảng này 8.670 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách TP là 870 tỉ đồng, còn lại là vốn từ trung ương, vốn PPP. "UBND TP đang giao các sở - ngành tính toán, cân đối và bổ sung nguồn vốn sớm để có cơ sở triển khai các dự án" - ông Bùi Hòa An thông tin.
Cảng Cát Lái thường xuyên quá tải dẫn đến làn ôtô ở các tuyến đường vào cảng thường xuyên bị ùn ứ
Phân tích kỹ hơn, ông Bùi Hòa An nói quá tải hạ tầng quanh khu vực cảng Cát Lái luôn là vấn đề thời sự nóng. Khi cụm cảng cạn ICD Củ Chi, cảng thủy nội địa Khu Công nghệ cao TP, cảng thủy nội địa tổng hợp quốc tế ITC đi vào hoạt động, ngoài giúp san sẻ với cảng Cát Lái, còn giảm cự ly, chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp...
Sau việc mở rộng các bến cảng, Sở GTVT sẽ tập trung xây dựng tuyến đường thủy nội địa Vành đai trong, từ sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Đai - kênh Tham Lương - rạch Nước Lên - Kênh Đôi - Kênh Tẻ - sông Sài Gòn có tổng chiều dài 30 km với tổng kinh phí khoảng 1.200 tỉ đồng. Tiếp theo là xây dựng tuyến đường thủy Vành đai ngoài, từ sông Sài Gòn - rạch Tra - kênh xáng An Hạ - sông Chợ Đệm - Bến Lức - sông Cần Giuộc - rạch Bà Lào - rạch Sông Tắc - rạch Trao Trảo - rạch Chiếc - sông Sài Gòn với tổng chiều dài khoảng 108 km, kinh phí 4.794 tỉ đồng... "Tất cả nhằm giảm áp lực cho cảng Cát Lái và dùng giao thông thủy hỗ trợ cho giao thông bộ" - Phó Giám đốc Sở GTVT TP nhấn mạnh.
Cần ưu tiên đường kết nối
Để phát huy hiệu quả hệ thống cảng của TP, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, cho rằng việc đầu tư mới các cảng nêu trên là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, để sớm tạo thuận tiện cho vận tải hàng hóa thì TP cần tập trung song song hoàn chỉnh kết nối hạ tầng cho cảng Hiệp Phước, nhằm khai thác hết công suất của cảng này. "Hiện tuyến đường chính Nguyễn Hữu Thọ dẫn vào cảng Hiệp Phước quá nhỏ, thường xuyên ùn ứ giao thông nên tàu không dám cập cảng, trong khi phương tiện từ các tỉnh miền Tây thay vì vào cảng Hiệp Phước thuận tiện hơn thì phải mất thời gian đến cảng Cát Lái lấy hàng, khiến tình trạng giao thông quanh cảng Cát Lái thường xuyên quá tải" - ông Bùi Văn Quản phân tích và đề nghị sớm nâng cấp mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ. Ông Bùi Văn Quản cũng cho rằng hệ thống cảng cạn hỗ trợ logistics cần phân bố đều và khi xây dựng phải chú trọng đến các tuyến giao thông kết nối.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển phân tích thêm do nguồn ngân sách TP có hạn nên cần ưu tiên đầu tư các tuyến đường kết nối với các cảng hiện hữu nhằm phát huy hết công suất các cảng này. Trong đó, tập trung xây dựng đường Vành đai 3 kết nối cảng Phú Hữu, cảng Cát Lái, đường Nguyễn Hữu Thọ kết nối cảng Hiệp Phước. Kế đến nên nghiên cứu đầu tư các cảng sông nhằm kết nối khu vực miền Tây, Đông Nam Bộ với TP HCM như khai thác tốt tiềm năng cảng sông Phú Định, Tân Cảng...
Theo ông Bùi Hòa An, cùng với việc đầu tư cảng mới, TP sẽ ưu tiên đầu tư các tuyến đường kết nối đến khu cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) nhằm phát huy công suất của cảng Hiệp Phước, trong đó đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 3 nâng cấp đường Nguyễn Hữu Thọ. Kế đến, gấp rút xây dựng hoàn tất các tuyến đường Vành đai 2, nút giao Mỹ Thủy, mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh... giúp giảm tải cảng Cát Lái. "Từ lâu ngành giao thông đã xác định đây là 2 cảng biển quan trọng, nếu khai thác hết công suất sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Vì vậy, hoàn thiện kết nối đường bộ vào 2 cảng này luôn là vấn đề được ưu tiên" - ông Bùi Hòa An khẳng định.
Chi hàng ngàn tỉ đồng để nâng cấp, mở rộng
Ngoài xây mới 5 cảng, để phát huy thế mạnh sông nước, phát triển hệ thống giao thông thủy, hàng loạt cảng thủy nội địa, cảng hành khách trên địa bàn TP HCM sẽ được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Theo đó, nâng cấp, mở rộng cảng Khu Công nghiệp Cát Lái (trung tâm logistics Cát Lái) với vốn đầu tư khoảng 8.000 tỉ đồng; nâng cấp, mở rộng cảng thủy nội địa Phú Định (giai đoạn 2, 3 ) gần 5.000 tỉ đồng...
Bình luận (0)