Ngày 30-3, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã ký Văn bản số 1157 gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị phục vụ Đề án thành lập TP trực thuộc TP HCM.
Chưa có tiền lệ
Đề án này là một cấu phần trong Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị mà TP đang gấp rút hoàn thành để trình trung ương trong năm nay.
Đây là động thái mới nhất của chính quyền TP trong việc hiện thực hóa ý tưởng thành lập Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP (TP phía Đông) được lãnh đạo TP ấp ủ nhiều năm qua.
UBND TP cho biết nhằm hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP, UBND TP xây dựng Đề án thành lập TP phía Đông TP trực thuộc TP HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Dự kiến, TP phía Đông sau khi thành lập có diện tích tự nhiên là 211,57 km2 (đạt 141,05% so với tiêu chuẩn quy định), quy mô dân số là 1.169.974 người (đạt 779,98% so với tiêu chuẩn quy định).
Toàn cảnh khu vực phường Bình Khánh, quận 2, TP HCM (một góc khu Đông TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm việc sáp nhập 3 quận để thành lập TP phía Đông là chưa có tiền lệ. TP HCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình TP thuộc TP trực thuộc trung ương. Do đó, ngày 18-2-2020, Giám đốc Sở Nội vụ đã ký văn bản đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn quy trình, thành phần hồ sơ và cho ý kiến có thực hiện lập hồ sơ đề án phân loại đô thị đối với TP phía Đông hay không; việc thành lập TP phía Đông có phụ thuộc vào Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh theo khoản 1, điều 2 Nghị quyết số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay không.
Phúc đáp sau đó của Bộ Nội vụ đề nghị: "UBND TP xin ý kiến Bộ Xây dựng nội dung liên quan đến hồ sơ, đề án phân loại và Chương trình phát triển đô thị". Trên cơ sở đó, UBND TP mới có văn bản ngày 30-3, đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại và Chương trình phát triển đô thị đối với trường hợp TP HCM sáp nhập 3 quận để thành lập TP trực thuộc TP. Đồng thời, kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận việc TP phía Đông dự kiến được thành lập sẽ "không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, Chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp" tương tự như một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy định tại Nghị quyết số 653/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Từ năm 2018, lãnh đạo TP đã nêu ý tưởng xây dựng khu Đông của TP trở thành khu đô thị sáng tạo, hướng đến xây dựng đô thị thông minh, có chất lượng sống. Trong khu đô thị sáng tạo, các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất và các trường đại học kết hợp với trung tâm hành chính hiện đại sẽ tạo nên một TP bên trong TP. Chính quyền khu đô thị sáng tạo sẽ là chính quyền kiểu mẫu, mọi giao dịch thực hiện bằng điện tử bảo đảm công khai, minh bạch và không còn xảy ra việc tiêu cực, nhũng nhiễu.
Khu đô thị này hình thành sẽ là hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế TP và khu vực phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu Công nghệ cao ở quận 9, ĐHQG TP HCM ở quận Thủ Đức và khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2. Nơi đây sẽ đầy đủ hơi thở cuộc sống, hiệu quả hướng tới là phát triển kinh tế TP ngày càng chất lượng, đúng hướng.
Cần cơ chế riêng
Các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị cho rằng để phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, TP HCM cần có một cơ chế đặc thù để linh hoạt vận hành và tận dụng hiệu quả nguồn lực.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, TP trong TP là chủ trương đúng, một định hướng tốt về mặt đô thị. "Kinh nghiệm quốc tế cho thấy những vùng đô thị trên thế giới thì quy mô không lớn. Nguyên tắc quản lý đô thị, quy mô TP nhỏ, vừa thì chất lượng sống cao hơn TP có quy mô quá lớn. Những TP nhỏ, vừa sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân, hơn nữa sẽ giữ gìn được bản sắc của khu đô thị đó như di sản, kinh tế tài chính, công nghiệp..." - KTS Ngô Viết Nam Sơn phân tích.
Để thực hiện thành công mô hình trên, theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, cần có sự rõ ràng về mặt cơ chế. Tức là những TP trong TP sẽ có bộ máy, hướng phát triển, nền tảng pháp lý phù hợp nhưng vẫn theo định hướng, chiến lược chung của siêu đô thị. Có sự phối hợp nhịp nhàng giữa TP nhỏ với TP lớn.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP có thể "dang tay ra" kết nối với vùng đô thị, không gian giáo dục, để sự sáng tạo được nhân lên. Ông nêu quan điểm khu đô thị mới Thủ Thiêm không thể đứng một mình mà phải gắn kết từ Đông sang Tây thành một khối. Còn cụm đô thị ĐH lấy trục là ngã tư ĐHQG, tính luôn Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Khu Công nghệ cao, ĐH Fulbright..., thậm chí kết nối tới cả ĐH Bình Dương. Khu này phải quy hoạch trở thành quy mô khu đại học lớn nhất nước, tầm quốc tế chứ không giới hạn quốc gia. Cụm thứ 3 rất quan trọng về mặt kinh tế là logistics. Phải quy hoạch kết nối khu công nghệ Cát Lái, khu đô thị mới, cảng Cát Lái và không thể tách rời các đường vành đai 1, 2, 3 kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam của Bộ Nội vụ, việc chọn hướng đột phá về Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP để định hướng tổ chức lại đơn vị hành chính TP thuộc TP là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Sự áp dụng công nghệ thông tin sẽ là một sự giám sát vô cùng hiệu quả đối với nền hành chính công, giảm đầu mối.
Bình luận (0)