Theo ông Trương Văn Lắm, nội dung trọng tâm của Đề án tổ chức mô hình chính quyền đô thị TP HCM trình lên Trung ương lần này là đề xuất không tổ chức HĐND quận, phường tại TP nhằm tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đô thị đặc biệt.
Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động
Cụ thể: đối với cấp TP HCM trực thuộc trung ương có HĐND và UBND; cấp huyện và xã (nông thôn) có HĐND và UBND; còn cấp quận và phường (bản chất của hai cấp này là một bộ phận của đô thị hoàn chỉnh) không tổ chức HĐND.
Như vậy, với TP HCM, khu đô thị lõi trung tâm chỉ có một cấp chính quyền là cấp TP HCM có HĐND và UBND; dưới đó quận, phường - các cơ quan hành chính là cánh tay nối dài của chính quyền TP để phục vụ cho từng đơn vị của chính quận, phường đó. Còn ở địa bàn nông thôn có 3 cấp: cấp TP HCM, huyện, xã.
Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ cho hay với việc không tổ chức HĐND quận, phường, TP dự kiến sẽ tiết kiệm cho ngân sách gần 1.200 tỉ đồng trong một nhiệm kỳ.
Hiện có 316 người là đại biểu HĐND chuyên trách của HĐND quận, phường. TP đã có kế hoạch sắp xếp, bố trí lại công việc cho những người này. "Tất nhiên là không thể nào bố trí lại hết, có một số người phải rời khỏi bộ máy. Tôi hiểu sẽ có cán bộ, công chức rất tâm tư, băn khoăn nhưng vẫn phải làm vì sự nghiệp chung của TP" - ông chia sẻ.
Nói về thành phố Thủ Đức- mô hình thành phố trong thành phố, ông Trương Văn Lắm cho biết đây là mô hình được xây dựng với mong muốn biến nơi đây là hạt nhân, một động lực phát triển để thúc đẩy kinh tế TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Với vai trò, vị trí như vậy, thành phố Thủ Đức được tổ chức là một cấp chính quyền có HĐND và UBND nhưng ở các phường chỉ có UBND không có HĐND. Điều này là phù hợp với quy định hiện hành là chỉ cho phép quận, phường có thể không tổ chức HĐND, còn TP, thị xã, huyện phải có HĐND.
Ông Trương Văn Lắm thông tin sẽ có cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức. Trước mắt, những thẩm quyền của UBND TP sẽ phân cấp, ủy quyền mạnh cho thành phố Thủ Đức. Lãnh đạo của thành phố Thủ Đức nhiệm vụ sẽ nặng hơn nhưng quyền hạn cũng sẽ cao hơn so với các quận, huyện khác. Tư tưởng này đã được thể hiện trong Đề án, khi thực hiện TP sẽ có tính toán cụ thể.
Còn về số lượng, trước mắt là giảm cấp trưởng, cấp phó; còn quản lý địa bàn thì cơ bản có giảm nhưng giảm bộ phận trung gian, còn đội ngũ trực tiếp vẫn giữ ổn định.
Rất vui và phấn khởi khi Đề án gần về đến đích
Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho hay ông được tham gia xây dựng Đề án chính quyền đô thị từ năm 2007 với tư cách là Chánh Văn phòng UBND TP.
"Đến lần thứ 2 là cuối năm 2013 đầu năm 2014 thì là cơ quan tham mưu chính của Đề án - khi ấy là Giám đốc Sở Nội vụ. Lần này mặc dù nghỉ hưu rồi nhưng được tiếp tục quan tâm, theo dõi thì thấy rằng đề án tiến triển thuận lợi" - ông Trương Văn Lắm chia sẻ.
Ông cho biết đến nay Đề án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, đã được Quốc hội thảo luận và biểu quyết. Điều đó cho thấy so với 2 lần trước, lần này gần chạm đích. Ông nói: "Mong muốn của các lãnh đạo tiền nhiệm cũng như bản thân tôi là có một mô hình tổ chức chính quyền phù hợp với TP, tiếp tục phát huy được hết những động lực hiện có để TP đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững".
Bình luận (0)