Sau sự cố sập cầu Long Kiểng trên đường Lê Văn Lương (nối xã Phước Kiển và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP HCM), mới đây, cơ quan chức năng đã gắn các thanh giới hạn chiều cao để ngăn tình trạng xe quá tải chạy qua. Phương án này cũng được thực hiện đồng bộ ở các cây cầu sắt yếu khác. Tuy nhiên, người dân vẫn thấp thỏm lo sợ bởi đây chỉ là biện pháp "chữa cháy" tạm thời.
Cầu yếu, người run
Cầu Long Kiểng được xây dựng trước năm 1975, đang bị xuống cấp trầm trọng và là cầu yếu nhất trong số 4 cây cầu sắt trên đường Lê Văn Lương. Dù đã được sửa chữa sau sự cố nêu trên, giới hạn xe trọng tải lớn lưu thông nhưng người dân nơi đây vẫn bất an bởi mỗi ngày, cây cầu "già" phải oằn mình "gánh" hàng ngàn phương tiện. Từ những trụ bê-tông cho đến các thanh lan can đều rệu rã, nham nhở các vết nứt, gỉ sét và thủng lỗ. Nhiều khớp nối giữa các thanh lan can sắt bị bung ốc, tạo ra những mối hở lớn khiến cầu rung bần bật mỗi khi có xe chạy qua.
Cầu Long Kiểng dù đã yếu nhưng mỗi ngày phải "cõng" hàng ngàn phương tiện qua lại Ảnh: NGỌC HÂN
Chung cảnh ngộ, 2 cầu sắt khác là Rạch Tôm và Rạch Rơi trên đường Lê Văn Lương đều được xây dựng từ trước năm 1975 và cũ nát. Tại cầu Rạch Rơi, một trụ cầu bằng thép do mục nát nên được gia cố bằng tấm bê-tông kê lên như cột phụ. Cũng trên đường Lê Văn Lương, một cầu sắt khác đang trong tình trạng "kêu cứu" là Rạch Đỉa. Nhiều trụ bệ đỡ bê- tông đã nghiêng ngả; các thanh lan can, hành lang bảo vệ lưới thép… hoen gỉ, nham nhở các vết bong tróc. Độ dốc khá cao và mặt cầu trơn khiến các phương tiện không dám chạy nhanh. Dù cầu yếu, tải trọng thấp nhưng đường Lê Văn Lương là tuyến đường thuận tiện nhất để đi lại giữa huyện Nhà Bè, quận 7 và huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) nên mật độ xe lưu thông qua các cầu này vẫn dày đặc mỗi ngày.
Theo nhiều hộ dân sống trên đường Lê Văn Lương, dù đều được gắn các thanh giới hạn, quy định chiều cao khá thấp để ngăn xe lớn qua cầu nhưng nhiều trường hợp vẫn cố cơi nới thùng xe, chở hàng nặng chạy qua nên nguy cơ cầu sập có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Dù vậy, người dân vẫn phải liều chạy qua cầu mỗi ngày với tâm trạng vừa chạy vừa run.
"Tại đoạn giữa các nhịp cầu, khi có xe lớn chạy qua là lại rung lắc dữ dội như chực đổ sập. Mỗi lần qua cầu là một lần thót tim nhưng đành chịu, bởi đây là đường ngắn và thuận tiện nhất. Chưa kể, giao thông trên cầu thì lộn xộn, phía dưới do cầu thấp nên tàu thuyền, sà lan qua lại cũng dễ tông trúng" - bà Bùi Thị Hồng (ngụ xã Nhơn Đức) ngán ngẩm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phương (ngụ xã Nhơn Đức) đề nghị: "Nên quy định khung giờ cao điểm cấm ôtô lưu thông qua các cầu này để giảm ùn ứ và bảo đảm an toàn. Điều người dân mong mỏi là nên thực hiện nhanh việc xây cầu mới chứ như vậy hoài, chúng tôi luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm".
Tiếp tục… chờ cầu mới
Theo Khu Quản lý giao thông số 4 (Khu 4) - Sở Giao thông Vận tải TP HCM, trên đường Lê Văn Lương có 5 cầu thì chỉ mới có cầu Ông Bốn được xây bê-tông, đồng bộ tải trọng trên đường. Bốn cầu sắt còn lại là Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Rơi đều đã xuống cấp.
Khu 4 cho biết hiện cầu Long Kiểng, Rạch Đỉa đã có dự án xây mới. Trong đó, cầu Long Kiểng đã được duyệt thiết kế, dự kiến bắt đầu thi công trong tháng 7; cầu Rạch Đỉa đang chờ duyệt thiết kế và các thủ tục liên quan. Còn cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi, trước đây quá trình triển khai chưa cân đối được vốn nên các đơn vị đã kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, phương án hoàn vốn lại chưa khả thi, trong khi UBND TP HCM có chủ trương tạm ngưng triển khai các dự án theo hình thức BT để rà soát lại quy trình. Vì vậy, cầu Rạch Tôm và Rạch Dơi đang được nghiên cứu đưa vào danh mục đầu tư công.
"Khó khăn lớn nhất vẫn là mặt bằng và các thủ tục liên quan. Còn việc thi công, với kỹ thuật và công nghệ hiện nay thì sẽ thực hiện rất nhanh. Trước mắt, ngoài biện pháp gắn thanh giới hạn chiều cao, chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức lực lượng chốt ở hai đầu các cây cầu để kiểm soát tình trạng xe cơi nới, chở hàng quá tải đi qua nhằm bảo đảm không xảy ra sự cố như cầu Long Kiểng" - đại diện Khu 4 khẳng định.
Dự án chậm do phải liên tục điều chỉnh
Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 4, một số dự án thay mới cầu sắt bị chậm bởi khi duyệt, đơn thuần là cầu nối hai đầu cầu nhưng đến khi triển khai, khu vực lại đô thị hóa. Vì vậy, đòi hỏi ở hai đầu cầu phải có các đường chui dân sinh để bảo đảm kết nối. Vấn đề này khiến dự án phải điều chỉnh lại quy mô, ranh giải phóng mặt bằng, đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng mới.
Bình luận (0)