xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

TP HCM: Thuê đất giáp vỉa hè quá đắt

Bài và ảnh: SỸ ĐÔNG

Phần đất từ mép nhà ra đến vỉa hè mà người dân sử dụng hơn 10 năm qua được chính quyền quận 4, TP HCM thông báo là đất công và cho thuê với giá 200.000 đồng/m2/tháng

Cuối tuần qua, 2 bồn hoa trước nhà bà Phạm Thị Dung (đường Vĩnh Khánh, phường 10, quận 4, TP HCM) đã được đơn vị chức năng thi công bởi chủ nhà không chấp nhận thuê phần đất này.

Hơn giá thuê vỉa hè quận 1?

Bà Dung cho biết lâu nay, bà vẫn sử dụng phần đất này như vỉa hè để bán giải khát. Cách đây vài tháng, UBND phường 10 mời các hộ dân buôn bán dọc đường Vĩnh Khánh lên thông báo quận cho thuê phần đất này với giá 200.000 đồng/m2/tháng chứ không miễn phí. Quận cho biết bà Dung phải trả gần 2,5 triệu đồng nếu muốn tiếp tục sử dụng phần đất này, không thì sẽ xây bồn hoa.

Cho rằng số tiền vượt khả năng chi trả nên bà Dung không thuê. "Tôi chỉ bán cà phê từ sáng đến trưa rồi nghỉ. Nếu thuê khoảng 1 triệu đồng/tháng thì ráng được, chứ gần 2,5 triệu đồng thì nhiều quá" - bà nói.

TP HCM: Thuê đất giáp vỉa hè quá đắt - Ảnh 1.

Do chủ nhà không chịu thuê phần đất công trên đường Vĩnh Khánh (quận 4, TP HCM), một trong những bồn hoa đã được đơn vị chức năng xây phía trước nhà này

Phần đất trước căn nhà bà Huỳnh Thị Thanh Xuân đang thuê trọ ở đường Vĩnh Khánh cũng được lực lượng chức năng khảo sát để xây bồn hoa. Chủ nhà cho biết không thuê phần đất này vì ông không có mục đích kinh doanh, chỉ cho thuê nhà mỗi tháng 3,5 triệu đồng. "Tôi về hưu, lương tháng hơn 2 triệu đồng, căn nhà cho thuê kiếm thêm. Nếu thuê phần đất này khoảng 2,5 triệu đồng nữa mà tính vào giá người thuê trọ thì họ không chịu" - ông giải thích.

Bà Xuân vốn gia công giày dép nên chỉ làm trong nhà, phần đất phía ngoài chỉ để xe. Một khu đất khác phía trước nhà này sau khi được làm tiểu cảnh đã trở thành nơi "tiểu đường" cho một số khách nhậu của các quán gần đó.

Việc cho thuê phần đất công trên đường Vĩnh Khánh được quận 4 áp dụng cho 3 phường: 8, 9 và 10. Nhiều hộ dân thuê để thuận lợi kinh doanh nhưng vẫn thắc mắc là căn cứ vào đâu mà quận bắt thuê và giá 200.000 đồng/m2 đắt hơn cả vỉa hè ở quận 1?

Qua khảo sát, phần đất công giữa các cửa nhà hiện hữu dọc đường Vĩnh Khánh không thẳng mà trồi ra thụt vào. Có chỗ, cửa nhà giáp ngay vỉa hè nhưng có chỗ, phần đất xen giữa rộng gần 10 m, các hộ dân sử dụng để buôn bán, kinh doanh hoặc dựng xe.

Ông Trần Hoàng Quân, Chủ tịch UBND quận 4, cho biết đường Vĩnh Khánh dài hơn 1 km, trước đây là rạch Cầu Chông, sau đó TP lấp để làm cống hộp bên dưới, phía trên kết hợp làm đường, vỉa hè mỗi bên rộng 3 m. Ngoài việc lấp rạch, đặt cống, làm đường giao thông rộng 13 m, hai bên đường còn có dự án khu nhà ở. Do đó, khu vực giải phóng mặt bằng không chỉ có trong phạm vi đường 13 m mà còn mở rộng thêm hai bên.

UBND quận 4 đã giải tỏa các hộ dân trong ranh dự án và bồi thường, hỗ trợ. Tuy nhiên, năm 2002, TP yêu cầu chấm dứt tình trạng các chủ đầu tư chia nhỏ dự án, phân lô để bán nền nhà nên quận dừng dự án, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng để trống từ đó. Phần đất trống này không phải vỉa hè mà là đất công đã bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo nên và được quản lý trong khi chờ thực hiện quy hoạch được duyệt.

Chỉ là giá tạm

Theo chủ tịch UBND quận 4, từ năm 2002 đến 2016, các hộ dân có nhà, đất tiếp giáp phần đất công này tự mở thêm cửa ra để sử dụng hoặc cho thuê phần đất công, thậm chí lấn cả vỉa hè, gây mất trật tự đô thị. Hầu hết các nhà tự trổ cửa ra đường Vĩnh Khánh đều có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và mang số nhà theo hẻm của các đường Bến Vân Đồn, Đoàn Văn Bơ, Tôn Đản, Hoàng Diệu nên cửa chính mở ra các hẻm này.

Đến tháng 9-2016, quận 4 có kế hoạch quản lý và cho thuê đất công 2 bên đường Vĩnh Khánh thuộc 3 phường 8, 9, 10 trên cơ sở lộ giới đường 16 m. Phần đất còn lại đến sát ranh nhà ở tiếp giáp được khép thửa để quản lý. Trong thời gian chờ thực hiện quy hoạch, địa phương tạm cho thuê theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên là các hộ tiếp giáp đất công, hộ đang cư trú tại phường, hộ ngừng kinh doanh do có những thửa đất làm công trình công cộng.

Về giá cho thuê, ông Quân cho biết đã được cơ quan chức năng khảo sát và thẩm định giá thuê hiện tại của các hộ buôn bán dọc đường Vĩnh Khánh và HĐND quận thông qua. Tuy nhiên, mức giá này biến động tùy vị trí với mức chênh lệch 20% đối với hộ nghèo, gia đình chính sách, thời gian thuê trong ngày ngắn. Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 4 ký hợp đồng cho thuê ngắn hạn hằng năm với các hộ dân. Ngoài ra, quận cũng giảm giá cho thuê đối với các hộ chỉ kinh doanh một buổi hoặc tùy theo ngành nghề. Mức giá này chỉ tạm thời trong lúc chờ quy hoạch chứ không phải để sử dụng lâu dài, khi thực hiện quy hoạch thì không cho thuê nữa.

Theo thống kê của quận 4, dọc đường Vĩnh Khánh có 174 thửa đất công nằm tiếp giáp nhà dân. Từ tháng 5-2017 đến nay, 76 hộ đã thuê đất này. Số tiền thu được sẽ chi cho công tác quản lý phố ẩm thực Vĩnh Khánh, phần còn lại nộp ngân sách theo quy định.

Thực tế, có những nhà hiện chỉ cách mặt tiền đường Vĩnh Khánh khoảng vài mét và người dân muốn mua luôn phần đất công tiếp giáp vỉa hè để sử dụng mặt tiền. Chủ tịch UBND quận 4 cho biết về lý thuyết có thể bán nhưng dễ phát sinh khiếu nại, so bì từ các hộ đã giải tỏa trước đây. Khi thuê phần đất công này, các hộ được phép trổ cửa tạm ra đường Vĩnh Khánh và được cấp số nhà tạm để thuận lợi kinh doanh, khi quận thực hiện quy hoạch thì phải trả lại và sử dụng lối cũ ra các hẻm theo giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đã cấp. Hộ nào không có nhu cầu thuê thì quận sẽ cho hộ khác thuê hoặc làm mảng xanh và công trình công cộng. Khi đó, những hộ này không được trổ cửa ra đường Vĩnh Khánh, không còn lối đi nào khác thì quận sẽ chừa lối đi theo quy định.

Phí thuê vỉa hè: Dân chịu mức dưới 50.000 đồng/m2/tháng

Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM vừa báo cáo UBND TP đề tài Nghiên cứu quản lý, sử dụng vỉa hè trên địa bàn. Theo đó, một trong những giải pháp là cho thuê vỉa hè rộng từ 2,5 m trở lên. Yêu cầu đặt ra để cho thuê vỉa hè là chiều rộng dành cho người đi bộ phải đạt tối thiểu 1,5 m. Vỉa hè có thể cho thuê để giữ xe tự quản trước nhà, trưng bày hàng hóa hoặc bàn ăn và cho người bán hàng rong thuê. Vỉa hè rộng 4,5 m có thể cho phép để xe trước nhà và bán hàng rong hoặc trưng bày hàng hóa, bàn ăn. Phần vỉa hè không cho phép đậu xe tự quản thì có thể cho bán hàng rong với chiều rộng 1,5 m.

Ý tưởng cho thuê vỉa hè dựa trên cuộc khảo sát các đối tượng sử dụng vỉa hè gồm: hộ kinh doanh, buôn bán trưng bày sản phẩm trên vỉa hè, hàng rong cố định và hàng rong di động trên 57 tuyến đường thuộc 19 quận vào 3 thời điểm trong ngày. Qua khảo sát, đa số người bán hàng rong cố định muốn thuê vỉa hè để sử dụng nhằm ổn định buôn bán. Các chủ cửa hàng không đồng ý thuê vì cho rằng vỉa hè trước nhà nên họ có quyền sử dụng mà không phải đăng ký.

Về mức phí thuê vỉa hè, đa số người dân được hỏi sẵn sàng chi trả dưới 50.000 đồng/m2/tháng. Riêng với mức phí 50.000-100.000 đồng/m2/tháng, đa số người dân quận 1 cho biết sẵn sàng thuê.

Đà Nẵng: Đường phố trật tự, quy củ hơn

Từ năm 2014, TP Đà Nẵng đã quy định các tổ chức, cơ quan, cá nhân quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị; phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, không lấn chiếm lối của người đi bộ. Theo đó, 25 tuyến đường ở TP này cấm sử dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán và cá nhân hoạt động thương mại; 12 tuyến đường cấm sử dụng vỉa hè để cá nhân hoạt động thương mại.

Ông Lê Anh - Chủ tịch UBND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng - cho biết phí cho thuê được bổ sung vào ngân sách dành cho hoạt động của các đội quy tắc đô thị nhưng thường thấp, chủ yếu để bồi dưỡng lực lượng này. Các tuyến đường được phép cho thuê đều thường xuyên được kiểm tra nghiêm ngặt. Hộ thuê vỉa hè sử dụng phải bảo đảm mỹ quan, tuân thủ các quy định. Nhờ thế, việc cho thuê, quản lý, sử dụng vỉa hè giúp đường phố trật tự và có quy củ hơn.

Tại Cần Thơ, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP, cho biết chủ trương cho thuê vỉa hè, lòng đường có từ năm 2013 nhưng không làm đại trà. Theo quyết định ngày 1-2-2016 của UBND TP Cần Thơ, phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường gồm chi phí hoàn trả hiện trạng ban đầu.

Hiên nay, quận Ninh Kiều có 13 tuyến đường được tổ chức đậu xe thu phí, quận Ô Môn 1 và quận Thốt Nốt 3. Theo nghị quyết của HĐND TP Cần Thơ, phí sử dụng vỉa hè là mức thu phí một năm/m2 vỉa hè được tính bằng 1% giá đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp theo các tuyến đường quy định tại bảng giá đất do TP ban hành hằng năm. Phí sử dụng lòng đường là mức thu phí một năm/m2 lòng đường tính bằng 2 lần mức thu phí một năm/m2 vỉa hè.

B.VÂN - C.TUẤN

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo