Sáng 11-2, TP HCM đã ra mắt mô hình thí điểm Trung tâm Điều hành Y tế thông minh tại Sở Y tế và Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh tại Sở Giáo dục và Đào tạo. Đây là 2 trung tâm thành phần thuộc Đề án "Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025". Đây cũng là 2 trung tâm điều hành thông minh về y tế, giáo dục đầu tiên tại Việt Nam.
Giám sát trường học, dịch bệnh từ xa
Hiện nay, Trung tâm Điều hành Y tế thông minh đã triển khai thí điểm 12 hợp phần, trong đó có hệ thống giám sát dịch corona. Hiện hệ thống đã kết nối với 48 camera của 8 bệnh viện kèm theo phân tích AI (trí tuệ nhân tạo) phục vụ cho công tác điều phối quá tải cấp cứu, phòng chống dịch bệnh corona, gồm: nhận dạng các đối tượng xấu như trộm cắp, cò mồi; đếm số bệnh nhân quá tải ở phòng khám, khu vực phòng cấp cứu, đếm số giường cấp cứu đang còn trống giúp cho công tác điều phối bệnh nhân tại Trung tâm Cấp cứu 115; lập barie ảo tại các khu vực phòng mổ, khu vực cách ly hạn chế người ra vào; nhận diện hành vi mang vũ khí, đánh nhau, quên đồ; hệ thống tele-medicine kết nối giữa các bệnh viện, trạm y tế để phục vụ công tác điều hành, trao đổi chuyên môn hay hội chẩn...
Trung tâm Điều hành Y tế thông minh còn đưa ra những dự báo, cảnh báo xu hướng bệnh tật trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đồng thời kết nối với các chuyên gia, bác sĩ trong nước và hơn 100 bệnh viện tại 12 quốc gia trên thế giới, thực hiện chuyển giao công nghệ giúp ngành y tế TP nâng cao chất lượng đội ngũ và phục vụ.
Còn Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh ra đời nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và chỉ đạo điều hành; đổi mới phương thức dạy - học, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; mang lại tiện ích tốt nhất cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và nhà quản lý. Trong đó, nội dung được nhiều người mong chờ nhất là Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh sẽ tạo hệ sinh thái trực tuyến phục vụ việc soạn giảng, nghiên cứu của thầy và hoạt động tự học của trò; tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập. Ở giai đoạn triển khai thí điểm sẽ thực hiện tại quận 1, quận 12 và 5 trường THPT là Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Du, Nguyễn Hiền và Lê Quý Đôn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Hồng Sơn cho biết đây là những bước đầu tiên rất quan trọng để ngành giáo dục TP phối hợp, triển khai thành công các đề án, chương trình giáo dục thông minh, mà trước mắt là 2 đề án xây dựng Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh và Đề án xây dựng mô hình Trường học thông minh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng nhấn nút khai trương Trung tâm Điều hành Y tế thông minh
Gấp rút chuẩn bị hồ sơ đấu thầu sau thí điểm
Ông Lê Hồng Sơn thông tin thêm hiện đã có 1/3 trường học trên địa bàn TP gắn camera quan sát. Thời gian tới sẽ phấn đầu phủ kín camera tại 100% đơn vị trường học và cơ sở giáo dục.
Nói về Trung tâm Y tế thông minh, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết đây là mơ ước từ lâu của ngành y tế. Ông Thượng kỳ vọng việc đưa vào hoạt động mô hình sẽ giúp công tác quản lý ngành có sự chủ động hơn.
Trước mắt, trong tình hình dịch bệnh corona hiện nay, các hệ thống sẽ giúp cập nhật tình hình các ca nhiễm bệnh ở các cơ sở kịp thời hơn. Trong giai đoạn tiếp theo, Sở Y tế TP cho biết sẽ tiếp tục đào tạo, hướng dẫn người sử dụng, hoàn thiện, tích hợp thêm camera, hệ thống 115; tổ chức đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm để đưa vào hoạt động chính thức.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực đưa 2 trung tâm đi vào vận hành, nhất là trong bối cảnh có dịch corona. Sự ra đời của 2 trung tâm là một sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện sự hợp tác hiệu quả giữa lãnh đạo TP với các doanh nghiệp có năng lực cao trong ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, bên cạnh phục vụ hơn 10 triệu dân TP, ngành y tế còn phục vụ 5 triệu bệnh nhân từ các tỉnh, thành khác. Do đó, đòi hỏi nguồn nhân lực và cơ sở vật chất chất lượng cao. Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng điều quan trọng nhất khi Trung tâm Điều hành Y tế thông minh ra đời là người dân sẽ được phục vụ tốt hơn, người dân ở nhà chọn cơ sở điều trị, thậm chí chọn bác sĩ khám cho mình. Hệ thống y tế phát huy cơ sở vật chất tốt hơn, điều phối tốt nếu có dịch xảy ra, đồng thời hội chẩn qua mạng trong và ngoài ngước; nâng cao hiệu quả quản lý như cập nhật số liệu hằng ngày, đặc biệt là làm công tác dự báo. Cuối cùng là bác sĩ của các bệnh viện có điều kiện học tập nâng cao nghiệp vụ.
Ngành giáo dục cũng vậy, thực tế hiện nay cho thấy số lượng giáo viên không theo kịp số lượng học sinh, sinh viên khi cứ 5 năm tăng thêm khoảng 300.000 học sinh. "Để bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục cần thực hiện các giải pháp hiện đại hóa quản lý và đổi mới công nghệ giáo dục" - ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo. Với Trung tâm Điều hành Giáo dục thông minh, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng người học sẽ học dễ dàng hơn; học hiệu quả hơn; có sự tham gia của gia đình; đội ngũ giáo viên có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ; quản lý hệ thống ngành thông minh hơn.
Về lộ trình sắp tới của 2 trung tâm, Bí thư Thành ủy TP chỉ đạo sau thời gian triển khai thí điểm, các đơn vị liên quan phải chuẩn bị hồ sơ để tổ chức đấu thầu 2 trung tâm trên. Cố gắng trong tháng 10-2020, trình kết quả đấu thầu lên HĐND TP để chính thức triển khai lâu dài.
Chọn nhà đầu tư cho 67 dự án
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, từ nay đến năm hết năm 2020, TP sẽ hoàn chỉnh khung kiến trúc đô thị thông minh kết nối 24 quận, huyện; lắp đặt 10.000 camera ở các đơn vị sở, ngành, 24 quận, huyện và Công an TP nhằm cung cấp kịp thời các đầu mối thông tin quan trọng. Ngoài ra, TP cũng sẽ tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư cho 67 dự án, trong đó có 2 dự án thuộc nhóm A với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng nhằm xây dựng mô hình đô thị thông minh.
Bình luận (0)