Sáng 22-7, nhiều người dân tại TP HCM đã đến các điểm tiêm trên địa bàn thành phố để được tiêm vắc-xin Covid-19. Đây là đợt tiêm thứ 5 tại TP HCM và sẽ diễn ra trong 2-3 tuần hoặc có thể kéo dài tùy tình hình thực tế để bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch.
Lần đầu tiên tiêm cho người lớn tuổi, mắc bệnh nền
Sau 2 ngày tiêm vắc-xin Covid-19 thí điểm tại 10 điểm ở TP HCM để rút kinh nghiệm, thành phố triển khai tiêm 930.000 liều vắc-xin trên toàn địa bàn cho 15 nhóm đối tượng ưu tiên, trung bình mỗi điểm tiêm tối đa 120 người/10 giờ làm việc/ngày. TP Thủ Đức và các quận, huyện có tổng cộng 615 điểm tiêm, 100 đội tiêm dự phòng, 100 xe cấp cứu được huy động. Vắc-xin sử dụng lần này gồm: AstraZeneca, Moderna và Pfizer.
Theo ghi nhận, do số lượng người đến ít nên việc tiêm diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Lãnh đạo một số trung tâm y tế quận, huyện cho biết lần tiêm này được chuẩn bị rất kỹ theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, việc lựa chọn thời điểm, địa điểm do địa phương quyết định trên nguyên tắc "chưa sẵn sàng thì chưa triển khai" để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo khi đi tiêm. Ngoài các điểm tiêm ở trạm y tế tại các quận, huyện, thành phố cũng triển khai tiêm trong các bệnh viện cho người trên 65 tuổi và người có bệnh nền (trừ các bệnh viện "tách đôi" để điều trị Covid-19).
Bác sĩ Lê Thảo Nguyên - phụ trách điểm tiêm tại Bệnh viện quận 11, TP HCM - cho biết ở đợt tiêm này, người trên 65 tuổi, có bệnh nền (huyết áp, cơ địa dị ứng, tiểu đường…) khi tiêm ở bệnh viện thì sẽ được theo dõi sau tiêm tốt hơn ở các điểm tiêm lưu động, bệnh viện có sẵn khoa cấp cứu và hồi sức cấp cứu (ICU) khi xảy ra biến chứng thì sẽ xử lý kịp thời.
Người tiêm tại các bệnh viện đều do UBND các địa phương lập danh sách. Có khoảng 10% người bị cao huyết áp không thể tiêm trong đợt 4 đã được dời về đợt này tiêm bổ sung. Theo bác sĩ Nguyên, bệnh viện sẽ tiến hành tiêm từ nay đến ngày 3-8, song tùy vào nguồn vắc-xin cung cấp nên kế hoạch tiêm sẽ kéo dài cho đến cuối năm nay.
Người mắc bệnh nền được tiêm vắc-xin Covid-19 tại Bệnh viện quận 11, TP HCM. Ảnh: HẢI YẾN
Tiêm mũi 1 AstraZeneca, sẽ tiêm mũi 2 Pfizer
Bộ Y tế vừa chỉ đạo các đơn vị ưu tiên tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19 Pfizer cho những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca. Theo Bộ Y tế, trong bối cảnh nguồn vắc-xin Covid-19 còn hạn chế trên toàn cầu, tiến độ cung ứng không đủ để bảo đảm mỗi người được tiêm đủ 2 liều vắc-xin cùng loại khi đến lịch tiêm.
Vì vậy, một số quốc gia như Canada, Đức, Pháp, Na Uy, Hàn Quốc... đã áp dụng kết hợp 2 loại vắc-xin khác nhau để tiêm cho người dân, bảo đảm hiệu quả phòng bệnh. Nghiên cứu tại một số quốc gia cho thấy sau khi tiêm mũi 1 AstraZeneca và mũi 2 là vắc-xin Pfizer, miễn dịch tương đương so với tiêm 2 mũi Pfizer và cao hơn so với tiêm 2 mũi AstraZeneca. Tuy nhiên, việc tiêm mũi 1 AstraZeneca và tiêm mũi 2 Pfizer có thể làm tăng nhẹ các phản ứng thông thường sau đó như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm...
Trong tháng 7, Bộ Y tế sẽ tiếp nhận 746.460 liều vắc-xin Pfizer, trong đó Việt Nam đã nhận gần 200.000 liều vào đầu tháng. Với 746.000 liều dự kiến nhận trong cả tháng 7, Bộ Y tế cũng đã phân bổ cho các địa phương để triển khai tiêm chủng.
Theo đó, trường hợp số lượng vắc-xin hạn chế thì ưu tiên sử dụng vắc-xin Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người tiêm đồng ý. Để tăng cường giám sát an toàn tiêm chủng, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố, các đơn vị được phân bổ vắc-xin Pfizer báo cáo riêng kết quả tiêm chủng và sự cố bất lợi sau tiêm chủng với các trường hợp tiêm mũi 1 AstraZeneca, mũi 2 tiêm Pfizer.
Bình luận (0)