Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM ngày 18-3 phối hợp Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT (thuộc Bộ GTVT) chính thức ký kết thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải môtô, xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP HCM.
Làm thật kỹ và khoa học
Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, chương trình hợp tác nghiên cứu nêu trên sẽ thực hiện trên toàn địa bàn TP HCM, bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 12 năm nay. Đối tượng nghiên cứu là tất cả các loại xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên (không phụ thuộc vào các hãng sản xuất). Trong đó, các khảo sát và nghiên cứu sẽ đánh giá hiện trạng phát thải của xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP, phân tích những hoạt động kinh tế - xã hội của việc kiểm soát khí thải tới người dân, cơ quan quản lý...
Cùng việc thực hiện các nội dung nêu trên, các bên cũng sẽ tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của kiểm soát khí thải cũng như trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia chương trình. "Các hội thảo khoa học cũng sẽ được tổ chức để lấy ý kiến từ các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách và cơ quan ban - ngành liên quan. Từ đó thống nhất các giải pháp và chính sách cho việc thí điểm kiểm định xe máy. Trong chương trình này sẽ đưa ra các báo cáo cụ thể về kết quả nghiên cứu thực trạng phát thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP; sự tác động kinh tế - xã hội, đề xuất các giải pháp, chính sách để thí điểm kiểm soát khí thải xe máy tại TP HCM" - ông Bùi Hòa An cho biết.
Ông Keisuke Tsuruzono, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, đánh giá các TP lớn như TP HCM, xe máy đang là phương tiện thiết yếu trong mưu sinh của phần lớn người dân. Nhưng hiện nay, vấn nạn kẹt xe, ô nhiễm từ hoạt động giao thông gây ra cũng đặc biệt phức tạp và một trong nhiều nguyên nhân là ý thức tham gia giao thông hạn chế, người dân cũng chưa chú trọng trong bảo dưỡng phương tiện... "Qua chương trình này, chúng tôi kỳ vọng có thể đưa ra các phương án cụ thể để kiểm soát khí thải xe máy tại TP, từ đó làm cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo" - ông Keisuke Tsuruzono nói.
Một cán bộ Sở GTVT TP HCM cho biết một số vấn đề cụ thể được định hướng như xây dựng kế hoạch khảo sát, kiểm tra khí thải xe máy tại một số điểm đại lý bảo dưỡng. Các bên cũng thống nhất những nội dung như thời gian, biểu mẫu, hình thức khảo sát khi tiến hành kiểm tra. Đồng thời có những đánh giá về sự tự nguyện của người dân khi tham gia vào việc hạn chế khí thải của xe máy, các biện pháp khuyến khích như hỗ trợ sửa chữa, thay thế phụ tùng hoặc chuyển đổi, mua, thay thế qua các phương tiện có chất lượng chuẩn khí thải cao hơn...
Tại TP HCM hiện đang quản lý gần 7,3 triệu xe máy, chưa kể những xe đăng ký ở địa phương khác đang lưu hành ở TP
Đặt "viên gạch" đầu tiên
Thống kê đến hết năm 2019, TP HCM quản lý hơn 8 triệu phương tiện, trong đó ôtô chỉ chiếm hơn 755.000 xe, còn lại xe máy lên tới gần 7,3 triệu chiếc. Một vấn đề đáng lo ngại đã được nêu ra nhiều năm nay là với ôtô, khi sản xuất, lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu đều được kiểm soát khí thải nhưng với môtô, xe máy suốt quá trình sử dụng, tham gia giao thông lại chưa được kiểm soát. Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia, ô nhiễm không khí trong đô thị do xe máy gây ra lại nghiêm trọng và nguy hiểm hơn nhiều so với khí thải từ ôtô.
Chính vì lẽ trên, theo Sở GTVT TP, trong các chương trình đột phá mà TP HCM đang triển khai, sở này được giao phải có biện pháp giảm thiểu 70% khí thải trong lĩnh vực giao thông. Hiện một số định hướng và đề án đang được ngành giao thông xây dựng là "Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP HCM", đang chuẩn bị được hoàn thiện. Trong những nội dung được nêu ra tại đề án này trước đó cũng đề cập cụ thể việc phải kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với ôtô, môtô, xe 2-3 bánh hoạt động trên địa bàn TP. Từ đó quy định vùng hoạt động của các phương tiện theo mức độ về điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đồng thời tiến hành thu phí ô nhiễm môi trường đối với phương tiện. Tuy nhiên, theo Sở GTVT, những vấn đề trên ở đề án còn chưa đề cập rõ.
Vào năm 2018, Sở GTVT cũng đề xuất làm đề án với nhiều nội dung như xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn địa phương về khí thải môtô, xe máy cùng các cơ chế, chính sách và lộ trình thực hiện. Trong đó, những xe máy cũ gây ô nhiễm sẽ có các biện pháp như thu hồi, phân vùng cho những xe đạt chuẩn khí thải hoạt động... Đồng thời xây dựng, ban hành các chính sách về thuế, giá dịch vụ để phục vụ việc xã hội hóa hoạt động kiểm định, đáp ứng nhu cầu kiểm soát khí thải... "Vì vậy, việc chính thức ký kết thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải môtô, xe máy đang lưu hành trên địa bàn TP HCM, được xem là bước đi quan trọng, khởi đầu cho việc kiểm soát khí thải xe máy, bởi nó là cơ sở để UBND TP đề xuất HĐND TP và Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế cho phép TP HCM triển khai thí điểm việc kiểm soát khí thải môtô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn" - một lãnh đạo Sở GTVT TP HCM nhấn mạnh.
Phải xử lý triệt để "xe mù"
Việc kiểm soát khí thải xe máy đặc biệt cần thiết, tuy nhiên qua khảo sát ý kiến từ nhiều người dân, vấn đề cần giải quyết trước mắt và làm triệt để là xử lý tình trạng xe máy cũ nát. Thực tế từ vùng ven đến nội đô TP, các tuyến đường vẫn phổ biến đủ loại xe cũ nát, không bảo đảm an toàn. Đây bị xem là những chiếc "xe mù" bởi không ít phương tiện chỉ còn trơ khung sắt, không đèn, không gương, thậm chí... không phanh! Ám ảnh nhất là hình ảnh những chiếc xe như "ngựa sắt" này thường dùng để chở hàng cồng kềnh nhưng lại lưu thông trên mọi ngả đường, xả khói mù mịt.
Bình luận (0)