Sáng 20-11, Quốc hội (QH) thảo luận về thí điểm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM.
Một trong những phát biểu gây chú ý nhất là của đại biểu (ĐB) Dương Trung Quốc với nhiều trích dẫn, so sánh thú vị.
ĐB Dương Trung Quốc đồng tình với cơ chế đặc thù cho TP HCM - Ảnh:quochoi.vn
Ông Quốc cho rằng có ĐB nói việc thí điểm cơ chế đặc thù cho TP HCM đã chín muồi, nhưng theo ông là đã chín mõm "vì không thể kéo dài được nữa". "Từ TP sầm uất đang trở nên trầm uất vì những cơ chế ràng buộc"- ĐB Dương Trung Quốc thẳng thắn.
Vị ĐB là nhà sử học cho rằng từ hàng ngàn năm trước, vùng đất phía Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Khi vùng đất Nam Bộ được "minh định" vào trong bản đồ Đại Việt, đường lối của Chúa Nguyễn là "nhìn ra biển" và nhìn về phương Nam. Từ đó, sớm biến Nam Bộ không những thành vựa lúa mà thành trung tâm thu hút thương mại và ngay thời điểm đó, Nam bộ cũng là một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất... Khi thực dân Pháp xâm lược, người Pháp cũng rất "nhạy" khi phát hiện ra Nam Kỳ là mảnh đất màu mỡ, trù phú.
Ông Quốc nhìn nhận ngay từ thời kỳ trước, hòn ngọc Viễn Đông đã là niềm tự hào.
Tuy thế, sau khi đất nước thống nhất, đứng trước nhiều khó khăn cũng như nhận thức không đầy đủ, TP HCM cố gắng bứt phá nhưng "trong một cơ chế hết sức hạn chế".
"Công cuộc đổi mới giúp TP HCM phát triển nhưng giờ vẫn nằm trong mặt bằng chung, không khác địa phương khác. Có nguyên lý là không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng. Nguyên lý này có giá trị phân chia, đạo lý. Còn hiện nay thì chúng ta không sợ thiếu, chỉ sợ cào bằng"- ông Quốc thẳng thắn.
Theo ĐB Quốc, nghị quyết về cơ chế, chính sách riêng cho TP HCM không chỉ mở ra đường cho TP HCM mà còn mang lại sự hưởng lợi chung cho cả nước nếu như làm tốt.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng trong suốt thời kỳ đổi mới, TP HCM có nhiều lần có cách làm xé rào, tạo ra làn sóng đổi mới. Ví dụ, những năm 80, TP đề xuất thí điểm khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung trên địa bàn TP, sau đó pháp chế hoá thành quy định chung trên cả nước; hay như tiên phong trong việc đổi đất lấy hạ tầng, sau đó mở rộng ra nhiều tỉnh, thành, địa phương khác…
"Trao cho TP HCM những cơ chế đặc thù chính là giao nhiệm vụ. Cả nước vì TP HCM thì TP cũng sẽ làm tốt trách nhiệm của mình vì cả nước. Với nghị quyết này, TP sẽ không cần phải loay hoay xé rào mà có đủ căn cứ pháp lý để bứt phá, phát triển, tiên phong cho cả nước"- bà Hoa nhìn nhận.
Đồng ý với cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách đem lại nguồn thu lớn cho TP nhưng bà Hoa cũng lưu ý lựa chọn chính sách tăng giảm thuế một cách hợp lý; các dịch vụ công phải tốt hơn, minh bạch trong thông tin và công bằng trong ứng xử, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân…
ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) góp ý TP làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, chống nợ đọng thuế, chống chuyển giá… bởi đây mới chính là nguồn thu chủ lực. Ngoài ra, trong Nghị quyết, cần nêu rõ phần tăng thêm phải tính theo hiệu quả công việc, vị trí việc làm, tránh tăng cào bằng để dẫn tới tình trạng "sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về" như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói.
Khoản 18.800 tỉ đồng: TP sẽ trả lại sau
Phát biểu giải trình tiếp thu ý kiến các ĐB, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay khi dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề xuất ngân sách TP được hưởng số thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu. Sau khi giữ lại nguồn thu này, ngân sách trung ương sẽ không bổ sung cho TP 18.800 tỉ đồng để thực hiện đầu tư cho các dự án chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối của TP như dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Bình luận (0)